Phật giáo Tạng truyền thật sự là Giác Nãng Ba, hoằng dương diệu pháp Như Lai Tạng Tha Không Kiến, hoàn toàn phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo. Tứ đại giáo phái Hồng, Hoàng, Hoa, Bạch là Phật giáo Tạng truyền giả, tất cả các pháp nghĩa của họ đều không phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo, cho nên là tà giáo, tà pháp.
Mục 3: Lạc Không song vận của Sự nghiệp Thủ ấn (pháp tu song thân)
Đây là việc trụ Ý thức ở trong cảnh giới Lạc Không song vận của hợp tu Song thân pháp rồi tu Chuyên nhất, Ly hý, Nhất vị, Vô tu, cho rằng đó là giải thoát thành Phật. Như thế đều là chưa chứng Thức thứ tám nhưng lại cuồng ngôn nói có thể chứng được lục thất địa, thậm chí là thập nhất, thập nhị, thập tam địa để thành Phật đạo. Chủ trương đó của Mật tông, đặc biệt là thứ tự tu đạo trong “Đạo quả - Kim Cương cú kệ chú” của phái Tát Già là cụ thể nhất, còn lời thuật trong cuốn “Mật tông đạo thứ đệ quảng luận” của Tông Khách Ba là chi tiết nhất. Những vọng ngôn như thế đầy rẫy trong các Mật tục của các đại phái Mật tông Tây Tạng, chỗ nào cũng có thể tra ra được. Ví dụ nêu ra trong ba tập đầu cũng rất nhiều, e nói ra thêm rườm rà nên không nhắc lại nữa.
Lời lẽ của các thượng sư Mật tông cổ kim đồng điệu, đều là nhằm sùng Mật ức Hiển để hoằng truyền Mật tông. Ví dụ trong các sách của thượng sư Mật tông do nhà xuất bản Chúng Sinh ngày nay ấn hành đều là lời lẽ của các Nhân Ba Thiết, cùng một giuộc với lời của các thày Mật tông thời xưa, đều rơi vào trong cảnh giới của Ý thức, hoàn toàn chưa đoạn Ngã kiến, thế mà lại nói có thể chứng giải thoát. Họ hoàn toàn chưa hề chứng được Thực tướng tâm của Pháp giới, chưa chứng được Thức thứ tám dẫn đến không thể sinh khởi Vô phân biệt trí căn bản của Bát Nhã, còn hiểu sai be bét về Diệu quan sát trí hạ phẩm, còn không thể nhập vào trong Thất trụ vị của Hiền vị, thế mà lại nói tức thân (ngay thân này) có thể chứng Tứ trí Ngũ trí, có thể đắc Phật quả, tất thảy để là những lời lẽ đại vọng ngữ, xứng đáng gọi là cuồng Mật.
Ví dụ như pháp sư Ấn Thuận nói rằng:
“Mật giáo có nhiều đặc sắc, có khuynh hướng kế thừa cái cũ, có cái rơi vào cực đoan, cũng có cái dung nhiếp ngoại đạo. Nếu nói bằng một câu tóm gọn hết thảy, đều là “lấy tâm thế gian làm giải thoát” cả. Tin tưởng sư trưởng đến mức độ cực đoan, dù là bản thân, vợ hay con gái thì cũng đem cúng hiến cho thày hết mà không chút nghi ngờ. Thày lệnh cho họ giết thì không dám không giết; lệnh hành dâm thì không dám không dâm. Đó chính là thứ cố hữu của Bà La Môn (Chú thích gốc của Ấn Thuận: đọc “Kinh Ương Quật Ma La” là có thể thấy, đó là nội dung mà Phật giáo thời kỳ sau thu nhập vào. Chú thích của Bình Thực: Kinh “Ương” không hề có thuyết “thày lệnh anh ta hành dâm thì không dám không dâm” mà chỉ có thuyết “Thày ngoại đạo lệnh anh ta giết thì không dám không giết”. Ấn Thuận cấy tang vật vu cáo cho Kinh “Ương” để trích dẫn đoạn “kinh văn” chưa từng có, dường như có ý định “cố ý hạ thấp Kinh “Ương”, khiến người ta ngộ nhận rằng kinh này giống với Mật giáo”. Vì sao vậy? Vì trong kinh này của A Hàm nói rõ “có Như Lai Tạng bản tính thanh tịnh”, trái ngược với lời Ấn Thuận nói “A Hàm không từng nói về Như Lai Tạng Thức thứ tám”)…
Thời Phật tại thế đều coi việc y giáo phụng hành là sự cúng dường tối thắng, sau thời Phật nhập diệt thì cũng chỉ cúng bằng đèn hương hoa mà thôi. Nhưng Mật giáo lại coi đối tượng sùng bái là quỷ thần tướng, đồ cúng cho họ đều có rượu thịt. Cái gọi là “Ngũ cam lộ” là chỉ nước tiểu, phân, cốt tủy, nam tinh, nữ huyết. Lại còn có “Ngũ nhục” là chỉ thịt chó, bò, ngựa, voi và thịt người. Lấy những thứ đó làm đồ cúng tế để cầu cứu Bản tôn bảo vệ, cũng thật là kỳ dị…
Đệ tử Thanh Văn xuất gia, coi Ngũ dục như oán độc, coi “dâm dục là pháp chướng đạo”, cố nhiên không phải là thứ mà đệ tử tại gia nhất định phải hành. Thế nhưng lấy quan hệ tình dục làm diệu phương tiện thành Phật, thì duy chỉ Mật thừa mới có…
Chỉ lấy dâm dục đó (này) làm đạo, pháp Mật tông xưa truyền đến nước ta rồi chạy sang Nhật Bản đều chưa từng nói rõ (công khai), cho nên lần nào cũng phá Song thân pháp vô thượng yoga là Mật giáo tả đạo. Thế nhưng các Lạt Ma Tây Tạng đặc biệt hoằng truyền vô thượng yoga lại dương dương cho rằng diệu pháp đó chỉ mình họ có thôi” (“Lấy Phật pháp nghiên cứu Phật pháp”, trang 146~148).
Sự tà trái tham dâm của Mật tông, không phải ngày nay tôi mới biết mà trước đó pháp sư Ấn Thuận cũng đã biết rồi: “Người mà họ sùng thờ là Phật có thiên thân. Thiên thì có Minh Phi (Thiên hậu), Phật cũng bắt chước theo nên có “Phật Mẫu, Minh Phi”, đây là thứ pha tạp với Đại thừa nghĩa “Phương tiện (bi hành) làm Phụ, Bát Nhã (trí tuệ) làm Mẫu”. Kim Cương thì đại diện cho hùng mãnh chiết phục, Liên Hoa thì đại diện cho bi hòa nhiếp dẫn, cũng là sự chuyển hóa thành tên khác của bộ phận sinh dục mà thôi. Bản tôn mà Mật giáo sùng thờ, không ai là không có Minh Phi. Trong Sự bộ thì hai bên nhìn nhau tâm vui vẻ, ở Hành bộ thì nắm tay, Du già bộ thì ôm ghì lấy nhau, còn trong Vô thượng du già thì giao hợp: Đó là pháp được thành lập thuận theo thứ tự hành dâm của Dục giới. Ba bộ đầu tuy có chuyện ngắm nhìn nhau, ôm ấp nhau, nhưng hành giả đều giải thích nó bằng bi trí hòa hợp, còn trong Vô thượng du già thì giao phó cho thực hành. Chiểu theo thuyết của hành giả Mật tông thì “Tam muội da” là biểu tượng, “Pháp” là quán tưởng, “Nghiệp” là thực hành, lẽ nào chỉ có biểu tượng mà quán tưởng thực hành thì không phải ư? Quan sát sự phát triển của Bí Mật giáo, thì không đạt được đến đó thì không dừng (Theo dõi sự phát triển của Mật giáo, nếu không đạt đến cảnh giới tu của Song thân pháp thì sẽ không chịu dừng lại). Người ta coi Bí Mật giáo là Phạn hóa, Thần hóa của Phật thì được, tôn sùng tin tưởng ba bộ đầu mà không tin Vô thượng du già là không được. Làm gì có kẻ trí nào mà lại coi bệnh nhập xương tủy là khỏe mạnh, mà quy trách nhiệm cái chết cho một niệm lúc lâm chung được!? Người tu Vô thượng du già coi dục lạc làm diệu đạo, lấy “Kim Cương, Liên Hoa” mỹ hóa cho bộ phận sinh dục, lại lấy người nữ làm Minh Phi, nữ âm làm Bà già Mạn đà la (coi âm hộ là đàn thành tu hành), lấy quan hệ tình dục làm nhập định, coi nam tinh nữ huyết là xích bạch hai Bồ Đề tâm, coi cái lạc xúc sinh ra khi tinh dịch sắp phụt ra nhưng lại trì bế không cho xuất là đại lạc. Bên ngoài thì huyễn hoặc bằng cái tên Phật giáo, bên trong thực chất giống với thuật ngự nữ” (“Lấy Phật pháp nghiên cứu Phật pháp”, trang 148~149).
Pháp môn tu hành của Mật tông Tây Tạng nếu như không đi đến được giai đoạn cuối cùng là Vô thượng yoga, nếu không đến giai đoạn Đệ tứ hỷ thì sẽ không bao giờ ngừng nghỉ cái tâm tham dâm. Mà theo lời của Tông Khách Ba thì bắt buộc mỗi ngày “tu tám thời”, thì mới đúng nghĩa của “Báo thân Phật” của Mật giáo – lấy cái xúc chạm trong thường thụ dâm lạc làm quả báo. Lấy cái sự hưởng lâu và hưởng mãi dâm lạc như thế để làm “quả báo Báo thân Phật thành Phật” trong tu chứng Mật pháp, cho nên “Báo thân Phật” của Mật giáo đều là hình tượng ôm mãi người nữ để giao hợp hưởng lạc vĩnh viễn không bao giờ rời bỏ. Cho nên, việc tu hành của các thượng sư và hành giả Mật tông nếu như không đạt đến cảnh giới Đệ tứ hỷ này thì sẽ mãi mãi không bao giờ ngừng lại, vì Đệ tứ hỷ dâm lạc là mục tiêu cuối cùng mà pháp môn tức thân thành Phật của họ theo đuổi, cũng là cảnh giới thường trụ mãi mãi của các hành giả Mật tông sau khi thành Phật.
Theo những gì thuật ở trên mà quan sát Thân mật, Ngữ mật, Ý mật của Mật tông thì thấy đều là những hành động dâm uế, vậy mà nói có thể khiến cho Bồ Tát, Nhị thừa, dị sinh đều được thỏa mãn những gì mình mong cầu, thật đúng là hiểu sai về đạo Bồ Tát và đạo pháp Nhị thừa đến mức độ cùng cực rồi! Các Bồ Tát coi nữ dục (nam dục) như rắn độc, Nhị thừa nhìn nữ dục (nam dục) như thuốc độc, vì sao Mật tông mù mắt không thấy, mà lại nói tam mật trong Song thân pháp đó có thể khiến cho Bồ Tát và các thánh Nhị thừa đều được thỏa mãn? Xét cho cùng là muốn thỏa mãn mong cầu gì của họ đây? Mật tông hiểu sai về Phật pháp đến như vậy, vì sao không gọi là cuồng Mật đây?
Lại nữa, Minh quang Đại thủ ấn (Minh Không Đại thủ ấn) của Mật giáo cũng rơi vào trong Tâm ý thức, tự nói rằng trong lúc tĩnh tọa, dựa vào quán tưởng Minh thể trong Trung mạch mà không sinh khởi ngôn ngữ vọng tưởng, gọi đó là Chuyên nhất, Ly hý, Nhất vị, Vô tu, đều là lấy Ý thức và cảnh giới Minh thể làm cái sở tu, sở chứng, hoàn toàn không liên quan gì đến đạo Giải Thoát đoạn Ngã kiến và Ngã chấp trong Phật pháp. Do đó, bọn họ tự nói “quán tưởng Minh thể đến mức Chuyên nhất, Ly hý, Nhất vị, Vô tu tức là đã đoạn Ngã kiến, Ngã chấp, tức là đã thành Phật đạo”, kỳ thực vẫn rơi vào trong Ngã kiến và Ngã chấp, hoàn toàn không liên quan gì đến đạo Giải Thoát, căn bản chưa từng chứng được quả giải thoát.
Còn việc bọn họ nói việc thành Phật, chứng được Tam thân Tứ trí, Ngũ trí trong Minh quang Đại thủ ấn, kỳ thực cũng hoàn toàn chẳng chứng được Tam thân Tứ trí nào cả, hoàn toàn chưa hề chứng được Pháp giới Thể tính trí. Thuyết Ngũ trí của Báo thân Phật của Mật tông càng là thứ tà kiến do vọng tưởng phát minh ra, hoàn toàn không tương ứng gì với đạo Phật Bồ Đề, cũng chẳng có chút xíu giao thoa nào cả. Thứ tà kiến vọng tưởng như thế mà nói còn siêu thắng hơn cả Hiển giáo, tự nói còn siêu vượt hơn cả Hiển giáo mà Phật Thích Ca hoằng truyền, chẳng khác gì người mắc bệnh thần kinh vọng ngữ luyên thuyên nói rằng cảnh giới thần kinh của họ còn cao siêu hơn cả đại sư triết học các nơi. Như thế thì sao không gọi họ là cuồng Mật đây?
Mật giáo Tây Tạng tuy tu Minh quang Đại thủ ấn, nhưng cuối cùng lại không thỏa mãn với Minh quang Đại thủ ấn, nhất định chỉ muốn thỏa mãn bằng dâm lạc “hưởng lâu và hưởng mãi” mà nhất tâm bất loạn. Nếu không đạt đến mục tiêu này thì chắc chắn không thỏa mãn, cho nên họ mới phê phán Đông Mật không truyền pháp môn song thân, nói Pháp thân mà Minh quang Đại thủ ấn chứng được trong Đông Mật (Tâm giác tri nhất niệm bất sinh) chỉ là Pháp thân cô phần, đồng thời coi tu chứng Song thân pháp là khóa trình tu hành tất yếu của “Cứu cánh Phật, Báo thân Phật”.
Tây Mật cho rằng nếu không tu chứng lạc xúc của Đệ tứ hỷ dâm lạc để thường trụ mãi trụ trong cái đại lạc đó, thì không phải là chính báo của Phật địa, không gọi là người đã chứng được cảnh giới của “Báo thân Phật”, cũng vì thế mà không thể sinh khởi Hóa thân để lợi lạc hữu tình, cho nên gọi là Pháp thân cô phần. Thế nhưng nghiền ngẫm Phật pháp thì thấy Hóa thân không phải là chứng được từ hành dâm, mà Hóa thân trong Phật pháp này cũng không phải là Hóa thân nói trong Tây Mật. Như vậy, Báo thân và Pháp thân cũng không phải là có thể chứng được từ hành dâm, mà Báo thân và Pháp thân trong Phật pháp cũng không phải là Báo thân và Pháp thân nói trong Mật giáo. Như vậy, thuyết Tây Mật chủ trương thành tựu Phật đạo thông qua pháp tu song thân Sự nghiệp thủ ấn sẽ thành vọng tưởng, tựa như bệnh nhân thần kinh trong bệnh viện tâm thần vọng tưởng mình là vua một nước lớn vậy. Như vậy sao không phải là cuồng Mật đây?
Vấn đề mà Ấn Thuận phản đối Mật tông chỉ là ở tà pháp lấy tham dục là đạo này, cho nên mới bác bỏ nó. Thế nhưng Ấn Thuận rốt cuộc vẫn chỉ là phản đối kết luận thống nhất “Mật giáo nhập thoán Phật giáo chính thống” của các học giả trong ngoài nước nghiên cứu về lịch sử Phật giáo, không chịu thừa nhận Mật tông là ngoại đạo xâm nhập và thoán cải Phật giáo chính thống. Vì sao vậy? Đó là vì Vô Nhân luận của “Trung Quán kiến phái Ứng Thành” mà Ấn Thuận tôn sùng lại xuất phát từ chính Mật tông. Nếu như phủ định toàn bộ Mật tông thì sự nghiệp nghiên cứu Phật học và “tu chứng” một đời của Ấn Thuận sẽ tan nát hoàn toàn, sẽ chẳng khác gì tự thừa nhận rằng: Những gì mà mình nói đều là hý luận. Như thế thì hệ thống Phật pháp mà ông ta vất vả nghiên cứu, xây dựng một đời sẽ sụp đổ toàn bộ và tan thành mây khói, nỗ lực một đời sẽ trở thành dã tràng xe cát biển Đông. Chính vì lẽ đó mà Ấn Thuận ra sức bảo vệ Mật tông, bao biện cho sự thực lịch sử Mật tông thoán cải Phật giáo chính thống, chỉ với vẻ bề ngoài bác bỏ pháp tu song thân của Mật tông để khiến người ta ngộ nhận cho rằng Ấn Thuận “có lập trường khách quan, công bằng” đối với Mật tông, từ đó biên soạn ra rất nhiều cuốn sách, ủng hộ và hoằng dương tà kiến Trung Quán kiến phái Ứng Thành của Mật tông. Tại sao Ấn Thuận lại làm như vậy? Thực chất là vì tất thảy mọi tư tưởng của Ấn Thuận đều vây quanh Trung Quán kiến phái Ứng Thành của Mật tông để phát triển, để diễn thuyết, để trước tác, để hoằng dương. Ngoại trừ điều này ra, pháp sư Ấn Thuận không có bất cứ khái niệm và tri kiến nào về Phật pháp cả. Cho nên, trong các trước tác đồ sộ của Ấn Thuận, những gì ông ta nói trước sau chỉ có một pháp, đó là tà kiến Vô Nhân luận, Thố Vô Giác luận[1] của Trung Quán phái Ứng Thành.
Vì tin theo Trung Quán kiến phái Ứng Thành của Mật tông, không thể nào hiểu được ý Phật trong Tam chuyển pháp luân, cho nên Ấn Thuận hoàn toàn không thể hiểu được đạo Phật Bồ Đề, ngộ nhận cho rằng: “Đứng ngoài Như Lai Tạng mà thực hiện quán hành Trung Đạo, đồng thời tích tập tư lương phúc đức, sau khi thành tựu có thể thành Phật”. Chỉ cần xem toàn bộ cuốn “Đạo thành Phật” mà Ấn Thuận viết là có thể hiểu được ý ông ta muốn nói gì. Thế nhưng, đọc các thuyết pháp của Phật trong các kinh Tam thừa thì thấy rằng đạo Phật Bồ Đề đều lấy Như Lai Tạng làm trung tâm, dựa vào Thức thứ tám Như Lai Tạng để chứng, để tu, để viên mãn Nhất thiết Chủng trí, sau đó mới được thành Phật, chứ không phải như Ấn Thuận đứng ngoài Như Lai Tạng để nói về đạo thành Phật đâu. Như vậy, Ấn Thuận chỉ là kẻ chưa biết, chưa chứng Thức thứ tám Như Lai Tạng, căn bản là còn chưa nhập vào trong Thất trụ vị của Hiền vị, vẫn còn chưa thể sinh khởi Tổng tướng trí Bát Nhã của Bồ Tát thất trụ vị, thế mà nói có thể biết, có thể hiểu được ý chỉ của Bát Nhã mà Phật nói trong các kinh Bát Nhã, tuyệt không thể có cái lý đó! Người chưa biết, chưa chứng Bát Nhã mà nói có thể hiểu được Nhất thiết Chủng trí Duy Thức trong Tăng thượng huệ học, làm gì có chuyện đó được! Người hoàn toàn không biết, không chứng trong đạo Phật Bồ Đề, mà trong cuốn sách “Đạo thành Phật” của mình lại nói có thể dạy người khác về đạo tu hành thành Phật, đúng là chuyện chưa từng thấy trong thiên hạ.
Thế nhưng, Ấn Thuận với tri kiến suy đoán ức tưởng của phàm phu, lại viết ra các cuốn sách “Diệu Vân Tập”, “Hoa Vũ Tập”, “Đạo thành Phật”, “Nghiên cứu Như Lai Tạng”, “Thám cứu về Không”, “Lịch sử tư tưởng Phật giáo Ấn Độ”…, hộ trì đạo pháp tà kiến Trung Quán phái Ứng Thành của Mật tông, ra sức bác bỏ Thức thứ tám Như Lai Tạng nói trong các kinh A Hàm. Việc bài bác pháp Như Lai Tạng gốc rễ của Phật pháp Tam thừa như thế, thì sao có thể gọi là thày chính pháp được? Ông ta còn chẳng bằng các tỳ kheo, tỳ kheo ni già không biết chữ kia dạy người niệm Phật cầu sinh Cực Lạc, vì hai chúng xuất gia đó không tạo đại ác nghiệp phá hoại chính pháp của Thế Tôn, trong khi các cuốn sách của Ấn Thuận thì đều là các tà thuyết phá hoại chính pháp của Thế Tôn – không có một cuốn sách nào là không phá hoại chính pháp của Phật, hoàn toàn trái ngược với thánh giáo lượng của đạo Giải Thoát và đạo Phật Bồ Đề mà Phật Thích Ca Mâu Ni đã tuyên thuyết trong các kinh điển Tam thừa. Tư tưởng trung tâm phá hoại nghiêm trọng gốc rễ chính pháp mà Thế Tôn truyền dạy, phủ định Thức thứ tám như thế thật đúng là kẻ ngoại đạo cầu pháp ngoài tâm, thật đúng là những hành vi phá pháp nghiêm trọng đào tận gốc trốc tận rễ của Phật giáo, tại sao không nên nói “Ấn Thuận là kẻ ngoại đạo phá hoại chính pháp của Phật giáo?”. Ấn Thuận ủng hộ tà pháp của Mật tông như vậy, tại sao không gọi ông ta là một phần tử của cuồng Mật?
Nếu như có người nào trong lòng có quan điểm khác mà không thể nào an nhẫn (chấp nhận) trước những tố cáo nghiêm trọng này, hãy dùng tên thật công khai nêu chất vấn qua bài viết hoặc sách, đồng thời không được thực hiện các công kích nhân thân và phỉ báng vô căn cứ, nếu không sẽ giống với cuồng Mật, cũng giống với tà hành phá pháp của Ấn Thuận, tức là người thành tựu nghiệp địa ngục phá hoại chính pháp, sau khi chết khi đọa xuống địa ngục, chớ trách là tôi không nói trước.
[1] Chú thích của người dịch: Thố Vô Giác luận hay còn gọi là “thuyết thỏ không sừng”.
Lượt xem trang: 0