Phật giáo Tạng truyền thật sự là Giác Nãng Ba, hoằng dương diệu pháp Như Lai Tạng Tha Không Kiến, hoàn toàn phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo. Tứ đại giáo phái Hồng, Hoàng, Hoa, Bạch là Phật giáo Tạng truyền giả, tất cả các pháp nghĩa của họ đều không phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo, cho nên là tà giáo, tà pháp.
Tiết 7: Đạo Mật tông cầu pháp ngoài tâm
Vì sao lại nói Mật tông là ngoại đạo cầu pháp ngoài tâm? Vì Mật tông đều dựa vào tu chứng ngoại cảnh mà nói là quả chứng trên Phật pháp, đều dựa vào Minh điểm và thành tựu cảnh giới Lục trần trong dâm dục mà nói là chứng được các quả vị ở Bồ Tát địa cho đến thành Phật, đều tu “Phật pháp” bên ngoài Chân Thực tâm của chính mình – Như Lai Tạng thức. Thế nhưng, toàn bộ Phật pháp lại hoàn toàn vây quanh Chân Tướng thức thứ tám Tâm mình để chứng, để tu, để đoạn Sở tri chướng và Phiền não chướng. Nay Mật tông làm trái ngược với chính lý mà Phật nói, đứng ngoài Tạng thức Tâm mình để nói, để tu, để chứng, tức là cầu Phật đạo bên ngoài tâm mình, cho nên gọi là ngoại đạo cầu pháp ngoài tâm.
Ví dụ Mật tông truyền pháp thế này: “Người tu tập thứ đệ (thứ tự), từ biệt nhiếp tĩnh lự chi mà cần tu mệnh cần khí, nhận trì Minh điểm, phòng hộ đạm nồng (đậm nhạt). ‘chướng’ trong bài tụng chính là chùy, tứ mạch của nó cần đóng lại, từ đó có thể phối với Kiến đạo. Sau đó trở đi, từ tùy niệm chi, phối với tu đạo… Trì khí số 1800 lần, đến trên đầu kim cương Mật chùy trong thời gian 3600 sát na có thể định được, đắc Mật liên hoa vị (Chú thích gốc: Thày nói tức là Sơ địa, Nhị địa). Như vậy bốn chỗ Tề (rốn), Tâm, Hầu, giữa Mi (lông mày) lần lượt là Tứ, Lục, Bát, Thập địa; còn Đỉnh và nhục kế là Thập nhất và Thập nhị địa. Như vậy… Từ dưới đắc kiên cố mà chạy ngược lên, phá bỏ mọi sự dao động, đắc Thắng bất biến đại tham, hoặc gọi là Ly tham. Vì sân đã tịnh, cho nên gọi là Đại Sân, là tên gọi khác của Phật. Vì si đã tịnh, cái si của vô si gọi là Đại Si. Tham Sân Si đã thanh tịnh như trên, thì Vô minh căn bản của anh ta cũng thanh tịnh, gọi là Đại Vô Minh. Vô minh đã trừ, từ Hành cho đến Lão Tử (già chết), Thập nhị duyên khởi cũng diệt trừ, thì tức là đắc quả cứu cánh tam thân”. (34-424)
Thượng sư Mật tông nói như vậy, kỳ thực đều chưa hề đoạn trừ Ngã kiến (vì chấp lấy Tâm ly niệm linh tri là Tâm thường bất hoại), cho nên chưa đắc quả Kiến đạo trong đạo Giải Thoát; cũng chưa hề đoạn Ngã chấp (vì họ thường tranh biện với các tông phái khác rằng Tâm ly niệm linh tri là Tâm thường trụ nên chấp bám, không chịu xả bỏ), cho nên đều chưa chứng được quả Kiến đạo và quả Tu đạo của đạo Giải Thoát. Lại vì chưa chứng được Thức thứ tám, cho nên nhận định rằng Tâm ly niệm linh tri là Tâm Chân Như, đọa vào trong Ngã kiến ý thức, trong pháp Đại thừa đều chỉ là những phàm phu chưa Kiến đạo, còn chưa thể nhập vào trong Thất trụ trong Hiền vị, càng không thể nào chứng được Đạo chủng trí ở Sơ địa, vì Đạo chủng trí phải dựa vào Căn bản trí sinh ra sau khi chứng Thức thứ tám thì mới được phát khởi, là trí tuệ Thông đạt vị trong “Hậu đắc trí” của Kiến đạo. Pháp mà các thày Mật tông nói và tu như thế, đều trái ngược với đạo Giải Thoát và đạo Phật Bồ Đề, thì tức là họ đều chưa hề nhập vào trong Kiến đạo vị của pháp Tam thừa, đủ để chứng minh rõ ràng.
Các thày Mật tông thường nói pháp Mật tông của họ là tu chứng Quả địa, ai nấy đều nói pháp Hiển giáo là tu hành Nhân địa, vì thế mà khinh chê pháp của Hiển giáo. Thế nhưng, kiểm tra “chứng lượng” và ngôn từ nói trong các trước tác, Mật tục của các thày Mật tông từ xưa đến nay, đều phát hiện ra rằng ngay cả Kiến đạo của Nhị thừa họ cũng đều không có, vì đều coi Ý thức là pháp bất hoại mà rơi vào trong Ngã kiến. Với tri kiến của phàm phu như thế mà nói về chuyển Thức thành Trí, nói về truyền thụ Quả vị, tu chứng Quả vị. Pháp môn vọng tưởng tà trái như vậy, lại được cho rằng phải là người thượng thượng căn, hơn nữa phải sau khi được thượng sư quán đỉnh thì mới được tu, đúng là hoang đường đến cùng cực.
Mật tông lại nói những câu như thế này:
“Pháp thăng hoa phiền não Tham: Trước hết phải tu Bất tịnh quán của Tiểu thừa, để không rơi vào cái tham của phàm phu; sau đó thanh tịnh bằng các pháp của Đại thừa, tính tham cũng cần thanh tịnh, phải tu “Nhân vô ngã không, tham vô ngã không”, đạt đến Tứ không của quán đỉnh thứ ba, mới có nền tảng thiết thực. Sau đó, tiến nhập vào Mật thừa, được thụ quán đỉnh, thân phàm phu thăng hoa thành thân Phật, dụng cụ của phàm phu (dương vật và âm hộ) thăng hoa thành Phật chùy, của nữ thì thành Phật liên; bốn tầng đại lạc của phàm phu (lạc xúc từ Sơ hỷ đến Tứ hỷ trong dâm lạc) thăng hoa thành Tứ không, sau đó thì phiền não độc của tham đạo hạnh này chuyển hóa thành Diệu quan sát trí.
Pháp thăng hoa phiền não Sân: Bản tôn Phẫn nộ của chư Phật hoặc hiện ra tướng trừng mắt nhe nanh, hoặc niệm chú ngữ Hồng Phi. Trước hết cần tu Từ bi quán của Tiểu thừa, phát Tứ vô lượng tâm, khiến cho cái gốc của phiền não sân là cái tư ngã của người đó phát xuất ra, được diệt trừ tận gốc. Tiếp đến, phát đại Bồ Đề tâm, tu nhị vô ngã trong pháp Đại thừa, hiểu rõ việc lợi tha và điều phục tâm sân hận tương hợp với Chân Như Không tính; Thứ đến thâm nhập Phẫn nộ Bản Tôn quán, tự nhiên đồng thể đại bi với đại Bồ Đề tâm mà không rơi vào phiền não sân của phàm phu…Cho nên, phàm người nào tu phiền não sân có thể phối hợp với Bồ Đề tâm và Chân Như Không thì nhất định có thể thăng hoa phiền não sân này thành Đại viên kính trí.
Pháp thăng hoa phiền não Si: Tu Thụy miên quang minh là nội dung của pháp này. Trước hết cần tu đoạn tuyệt thụy miên (ngủ) của Tiểu thừa, ban đầu chỉ cần giảm bớt thời gian ngủ, dần dần luyện đến ngủ ngồi, bất đảo đan; Tiếp đến tu Lợi tha duyên khởi quán, thường giúp người khác tỉnh táo, ngược lại là khiến họ dễ mệt mỏi mà rơi vào giấc ngủ ngon, định ở trên Pháp thân quang minh, nhờ đó có thể đắc Minh thể của Đại thủ ấn và thành tựu pháp Thụy miên quang minh trong Lục pháp…Loại pháp ngủ này, khi tỉnh như xuất định, thần trí tỉnh táo, không thể nói giống giấc ngủ cùng ngày của phàm phu. Cho nên, Trần Hy Di của bên Đạo gia ngủ một giấc 10 năm, Tát Lạp Cáp của Ấn Độ ngủ một phát liền 20 năm, một bên thuộc về Thiên tiên định, một bên thuộc về Pháp thân định. Việc hôn trầm ngủ dài như thế thì chẳng có chút lợi ích nào cả. cho nên các nhà khoa học cho rằng ngủ nhiều có thể khiến người ta ngu độn, còn các nhà dưỡng sinh thì cho rằng ngủ nhiều sẽ tổn thương thần trí. Mật tông thì thăng hoa nó để chứng đắc Pháp giới thể tính trí.
Pháp thăng hoa phiền não Mạn: Sinh khởi thứ đệ trong Mật pháp đề xướng Phật mạn. Khi anh ta tu pháp Tiểu thừa, thì đa phần là tu Bình đẳng Bồ Đề tâm, khiến cho Ngã mạn của bản thân phàm phu dần dần giảm thiểu. Sau đó, tu pháp Đại thừa, tuân thủ Bồ Tát giới, quên mình lợi tha, bố thí bình đẳng. Sau đó tu Mật tông, được quán đỉnh, thành Bản Tôn thân, thì thăng hoa cái cao mạn của cá nhân phàm phu, mà trở thành Phật mạn của Bản Tôn Như Lai. Nói ta (mình) thành Bản Tôn thì phải phát đại nguyện giống với Phật Đà, phải tu đại đạnh giống Phật Đà, phải chứng đại không, đại lực, đại bi giống như Phật Đà, không nên tái nhập vào Ngã mạn của phàm phu nữa. Ví dụ như Mật Lặc Nhật Ba, khi ông ấy quay trở lại cửa động, phát hiện có ma quỷ chiếm chỗ, ông tán dương nó không đi, niệm chú nó không đi, cúng dường nó cũng không đi, cuối cùng ông bèn tự nâng cao Phật mạn Pháp thân Không tính nói với nó rằng: ‘Ngươi không cần đi nữa, xin hãy ở cùng ta’, rồi xông thẳng vào trong, thế là ma quy về Không tính, không còn tông tích nữa. Đây chính là ví dụ thực tế về Phật mạn. Từ đây có thể chứng đắc Bình đẳng tính trí.
Pháp thăng hoa phiền não Nghi: Thiền tông tham thoại đầu, tiểu nghi thì tiểu ngộ, đại nghi thì đại ngộ, không nghi thì không ngộ. Yoga (du già) tối thượng của Mật tông cũng dùng pháp tham cứu. Thày Cống khi truyền thụ “Phổ Hiền Như Lai đại quán đỉnh”, lúc thực hiện quán đỉnh thứ tư, thày rất lo ngại việc người Hán không thông hiểu tiếng Tạng, nên đã nói với đệ tử bằng tiếng Hán rằng: ‘Tâm ngươi nằm ở đâu?’. Việc này cũng giống như tham thoại đầu vậy, còn lại dựa theo thày Nặc bế quan ở Khuông Lư (Lư Sơn). Thày Nặc đặc biệt truyền thụ “Ngưỡng đoài du già”, đồng thời dặn dò miên mật tham lấy câu ‘Tâm từ đâu đến? đi đến đâu? trụ ở đâu?’, rồi ngày ngày báo cáo thu hoạch. Thế tức là thăng hoa phiền não nghi để tham cứu lấy chân lý cuối cùng. Những ví dụ như thế ở Thiền tông nhiều nhất, không cần thuật thêm cho thừa. Nếu có thể khéo biết thăng hoa thì có thể chuyển thành Thành sở tác trí. Giống như diệu dụng tiết thứ 6 thuật ở chương trước, Mật pháp lần lượt dùng nó ở nghi quỹ, niệm tụng, quán tưởng, khí công, Đại thủ ấn, Sự nghiệp thủ ấn (song thân tu pháp), rất nhiều rất nhiều, khiến cho Ngũ độc của người người đều được chuyển thành Ngũ trí mà chứng Phật quả. Phật quả mà thành thì sự nghiệp độ sinh có thể theo đó mà thành.
Nay chúng sinh đều có nghiệp thân Ngũ độc. Nói về từng người thì ai ai cũng có Ngũ độc này, hoặc nặng hoặc nhẹ, hoặc chuyển hoặc tạo, không ai giống ai. Còn nghiệp báo dị thục thì từ đây mà sinh ra. Ngũ đạo ở đây chính là đạo mà Ngũ độc rơi vào. Độc tham mà nặng thì rơi vào Ngạ quỷ đạo, độc Sân nặng thì rơi vào địa ngục đạo, độc Si nặng thì rơi vào súc sinh đạo, nhân đạo thì do đa nghi, thiên và a tu la thì đa mạn. Ở đây chỉ luận đại khái về các đạo như thế. Trong nhân đạo, cũng có người đa tham, người đa sân, người đa si, người đa mạn, cho nên sự chuyển biến của đạo này sang năm đạo còn lại càng không nhất định. Mật pháp khiến người ta tu thành Bản Tôn thân, Ngũ độc dễ phạm đọa lạc của người thăng hoa chuyển biến thành Ngũ trí, là tức sinh thành Phật (thành Phật ở đời này). Bằng kinh nghiệm thăng hoa này mà độ thoát khỏi rơi vào Ngũ đạo chúng sinh”. (34-60~63)
Mật tông còn nói: “Thiển kiến tôi cho rằng: Hiển giáo chuyển Thức thành Trí, lãng phí mất 3 đại a tăng kỳ kiếp. Quả vị của Mật giáo phương tiện chuyển Thức thành Trí, thành tựu chỉ trong một đời. Cần phải tu trì các pháp trong Tứ quán ở Thượng bộ, luận bàn các Mật pháp để làm phương tiện bổ sung cho chuyển Thức thành Trí của Đại thừa”. (34-94)
Tuy nhiên, thuyết “chuyển Thức thành Trí” nói trên kỳ thực chính là đọa vào trong pháp của ngoại đạo, chẳng qua là giải thích bằng các danh tướng của Phật pháp nên mới không giống với ngoại đạo mà thôi, chứ nội hàm thì hoàn toàn giống với ngoại đạo, vì những gì họ nói đều hoàn toàn không liên quan gì đến Phật pháp, những gì họ nói, họ truyền, họ tu, họ chứng đều là ngoại đạo pháp. Tại sao lại nói vậy? Bởi vì việc tiêu trừ phiền não tham dục kia không thể nào đoạn được thông qua “truy cầu đại lạc đệ tứ hỷ dâm lạc từ trong dâm dục”, vì lạc xúc của Đệ tứ hỷ chính là cái tham lớn nhất trong Dục giới, nhất tâm cầu chứng Đệ tứ hỷ chính là cái tham lớn nhất trong Dục giới, muốn cầu trường trụ và thường trú trong Đệ tứ hỷ chính là dục tham lớn nhất trong Dục giới. Như thế thì tại sao người cầu mong thường trú trong đại hỷ dâm lạc lại có thể nói mượn dục để ngăn dục? Cũng chẳng khác gì người nhất tâm cầu thực, sau khi có được miếng ăn rồi thì lại cứ chê đồ ăn không đủ, mong muốn được sống lâu mãi trong cảnh giới ăn uống không ngừng, nói rằng như thế là lấy ăn để ngăn chặn việc ăn, nói như thế là đoạn trừ lòng tham ăn, thật hoang đường đến cùng tận. Còn việc họ nói “Lạc và Không vô nhị” là hoàn toàn hiểu sai về nghĩa lý Không tính của Phật pháp, rơi vào trong Hữu mà nói lìa Hữu, miệng nói Không mà đọa vào trong Hữu, rơi vào trong đại tham mà nói lìa tham, thật đúng là lối nói điên đảo đến đỉnh điểm trong nhân gian.
Lại nữa, việc Mật tông nói sau khi “thụ quán đỉnh”, dựa vào quán tưởng Bản Tôn biến thành thân Phật để “thăng hoa thân phàm phu thành thân Phật” đúng là thứ hư vọng tưởng lớn nhất thế gian. Bởi lẽ thân Phật hoàn toàn không phải dựa vào quán tưởng (tưởng tượng) như thế là có thể thực hiện thành công, mà phải tu tập phúc đức và Nhất thiết Chủng trí mới được thành tựu.
Việc Mật tông nói sau khi quán đỉnh, dựa vào các pháp quán tưởng để đem “dụng cụ của phàm phu (dương vật và âm hộ) thăng hoa thành Phật chùy, của nữ thì thành Phật liên, bốn tầng đại lạc của phàm phu (lạc xúc từ Sơ hỷ đến Tứ hỷ trong dâm lạc) thăng hoa thành Tứ không” càng là thứ vọng tưởng lớn nhất trong Tam giới, vì Phật thân ngay từ trước khi thành Phật hai đại a tăng kỳ kiếp đã đoạn dục tham rồi. Ở Phật địa đã vĩnh viễn đoạn tuyệt cảm giác ái dục nam nữ rồi, thì sao lại còn phải dựa vào “tu chứng” tham dục để chuyển hóa dụng cụ của phàm phu (dương vật và âm hộ) thăng hoa thành Phật chùy, Phật liên? Để cầu dâm xúc? Tuyệt không có cái lý đó! Cho nên, câu “thì phiền não độc của ‘tham đạo hạnh’ này chuyển hóa thành Diệu quan sát trí” mà Mật tông nói kia chỉ là vọng tưởng và là cú lừa lớn nhất thế gian mà thôi. Như thế mà nói chuyển phiền não đạo Tham thành Diệu quan sát trí, thật đúng là lời lẽ hư vọng.
Đạo Tham đã vậy thì việc “chuyển tam độc Sân Mạn Nghi thành Đại viên kính trí, Bình đẳng tính trí, Thành sở tác trí” cũng như vậy, đầy rẫy sự mê lầm tự mâu thuẫn với chính mình, đầy rẫy tà kiến trái ngược với đạo Phật, hoàn toàn đi ngược đường với lý luận và tu chứng trong Phật pháp. Từ lý lẽ đó, các pháp mà Mật tông nói và tu, đều là pháp tu đứng ngoài Thức thứ tám Chân Thực Tâm của mình, cho nên gọi là ngoại đạo cầu pháp ngoài tâm.
Thuyết thăng hoa phiền não Si thành Pháp giới thể tính trí cũng như vậy, hoàn toàn là những lời lẽ vọng tưởng hoang đường. Vì thể tính của Pháp giới chính là thể tính của Như Lai Tạng, tất cả mọi hữu tình đều sinh ra từ Như Lai Tạng của chính mình, và Như Lai Tạng chính là cội nguồn của tất thảy Pháp giới. Cho nên, người nào mong cầu chứng được thể tính của Pháp giới để phát khởi Pháp giới thể tính trí thì phải bắt tay từ việc xúc chứng Như Lai Tạng của chính mình, phải nhập vào Thiền tông để tu học Thiền pháp mà chứng lấy Như Lai Tạng của bản thân, như thế thì mới phát khởi được Pháp giới thể tính trí. Nay Mật tông không chịu đi theo con đường này mà lại muốn chứng nó bằng pháp đoạn trừ giấc ngủ, thì tức là cầu Phật pháp bên ngoài Chân Tướng thức của chính mình, tức là thành những kẻ cầu pháp ngoài tâm vậy.
Mật tông từ khi sáng lập tại Thiên Trúc, xâm nhập vào Phật giáo chính thống, phát triển cho đến ngày nay đều không từng lìa khỏi cầu pháp ngoài tâm, khác xa với pháp giáo của Phật, thì tại sao pháp sư Ấn Thuận lại có thể biện hộ thay cho Mật tông, nói Mật tông là một chi nhánh của Phật giáo được? Tuyệt không có lý ấy! Nay qua cuốn sách này, người học trong Phật môn đã hiểu rõ được bọn họ chính là ngoại đạo cầu pháp ngoài tâm, thì tự biết nên làm thế nào cho đúng.
Lượt xem trang: 0