Chân tướng
Mật Tông Tây Tạng

Phật giáo Tạng truyền thật sự là Giác Nãng Ba, hoằng dương diệu pháp Như Lai Tạng Tha Không Kiến, hoàn toàn phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo. Tứ đại giáo phái Hồng, Hoàng, Hoa, Bạch là Phật giáo Tạng truyền giả, tất cả các pháp nghĩa của họ đều không phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo, cho nên là tà giáo, tà pháp.

Tiết 6: Chứng lượng vô ngã bằng ức tưởng của Mật tông

Người Mật tông mỗi lần nghĩ đến Vô ngã là nói mình đã chứng được Vô ngã: “Vô ngã có hai loại: Thứ nhất, chúng sinh Vô ngã; thứ hai: tất thảy pháp Vô ngã. Nếu muốn tu Vô ngã, trước hết nghĩ ta chết vô thường. Nếu có thể nghĩ ta chết vô thường đến mức độ thấu triệt, thì Ngã chấp tự bị phá. Nhưng trước khi đến Phật địa thì đều không thể hoàn toàn Vô ngã tâm, đủ thấy Ngã chấp không dễ gì bị phá. Hành giả nên quán tưởng tất thảy pháp và tất thảy chúng sinh tự tính vốn dĩ Không, thì Chân Ngã ở đâu mà có? Ta còn không thật, mà lại luận hình tướng? Có thể thấy phàm tất cả những gì có hình tướng đều là hư vọng[1]. Xưa đại sư Liên Hoa Sinh nói: “tất thảy pháp Không, tất thảy chúng sinh Vô ngã”. Các vị Phật từ xưa đến nay, không ai là không nói như vậy. Nhưng vì chúng sinh từ vô thủy kiếp đến nay đều chấp Ngã (Ta) là thực có, cho nên mới lưu chuyển luân hồi, vạn kiếp không thể thoát ra, thật là đáng thương. Khi xưa, Lạt Ma Mạt Nhi Han (Mã Nhĩ Ba) dặn dò môn đồ của mình là Mật Lặc đi đến phía đông sông Hằng gặp Mật Đắc Lợi Han, cầu ông ấy dạy về đạo lý tất thảy pháp Không. Nhờ hiểu rõ đạo lý tất thảy pháp Không mà ba thân có thể đắc, đoạn tâm mới được”. (62-72~73)

Thế nhưng các thày Mật tông từ xưa đến nay kỳ thực vẫn chưa hề chứng được pháp Vô ngã, trên từ Mai Kỷ Ba, Tất Ngõa Ba, Nguyệt Xứng…, dưới đến A Để Hạp, Liên Hoa Sinh , Tông Khách Ba, Pháp vương Đạt Ma các đời…đến nay vẫn chẳng có lấy một người đắc pháp Vô ngã cả. Vì sao vậy? Vì những người đó đều coi xúc giác trong Lạc Không bất nhị, Lạc Không song vận của Song thân pháp và Tâm giác tri trong cảnh giới đó vô hình vô sắc là Không tính. Những người như Nguyệt Xứng, Tông Khách Ba, Đạt Lai Lạt Ma…đều cùng chấp bám cho rằng Tâm giác tri Lạc Minh vô niệm đó là pháp thường trụ bất hoại, tức là đều đọa vào trong Ngã kiến của Tâm ý thức, nhưng lại tự xưng rằng mình đã đoạn được Ngã kiến, Ngã chấp, chẳng có nghĩa lý thực sự nào đáng để nói cả. “Chứng lượng” của các thượng sư Mật tông đó đều được ghi chép trong các Mật tục, cho đến cả tương truyền bằng khẩu quyết đến nay vẫn không đứt đoạn, rõ ràng đã rơi vào “thường bất hoại Ngã” của thường kiến ngoại đạo mà lại tự xưng đã lìa, đã đoạn “Ngã kiến”, thực tế toàn là những kẻ hiểu sai về ý chỉ “Ngã Không” thực sự của Phật pháp.

Các thày Trung Quán của Hoàng giáo Mật tông (ví dụ như pháp sư Ấn Thuận, Đạt Lai Lạt Ma, Tông Khách Ba…) còn coi “tất thảy pháp Không đứng ngoài Như Lai Tạng” là Phật pháp cứu cánh nhất, rơi vào Đoạn diệt kiến và “tất thảy pháp Không vô nhân luận” (chi tiết xin xem biện chính trong các cuốn sách “Tà kiến và Phật pháp”, “Lăng Già kinh tường giải”, “Chân thực Như Lai Tạng”, “Ngã và Vô ngã” của tôi, ở đây không thuật lại nữa), thế nhưng lại không biết cái lý của “tất thảy pháp Không” là phải dựa vào “Uẩn Xứ Giới Hữu” mà có. Phải dựa vào pháp “Uẩn Xứ Giới Hữu” thì mới có cái đạo lý về tất thảy pháp Không. Cho nên, tất thảy pháp Không dựa vào các pháp Uẩn Xứ Giới Hữu mới được sinh ra, nó thuộc về Tam giới pháp của Hiện tượng giới, vì thế mà thuyết “tất thảy pháp Không” không phải là Phật pháp thực sự. Vì lý này chỉ là Thế tục đế mà người Nhị thừa tu chứng, nó không thể đề cập đến Thực tướng của Đệ nhất nghĩa.

Điều đáng thương là, thậm chí ngay cả Vô Ngã Không của Thế tục đế thuộc pháp Nhị thừa cơ bản nhất, các phái của Đông Mật và Mật tông Tây Tạng cũng không thể chứng được, thế mà lại luận về tu chứng của Phật Bồ Đề? Vì sao nói vậy? Vì các thày Đông Mật đều chưa chứng được Như Lai Tạng, cũng không hiểu hết về Thế tục đế thập bát giới Không tướng, đều đọa vào trong Tâm giác tri. Còn Mật tông Tây Tạng thì lại đều lấy Minh thể làm Thực tướng pháp, vọng tưởng cho rằng: Dựa vào Minh thể hư vọng do quán tưởng sinh ra là có thể tu thành Phật đạo mà chứng Thực tướng. Thế nhưng Minh thể thực tế chỉ là cảnh giới Nội tướng phần do vọng tưởng sinh ra, chỉ là pháp “tái y tha khởi tính” trong pháp y tha khởi tính, vì nó dựa vào quán tưởng của Tâm ý thức mà sinh ra, trong khi bản thân Ý thức lại là pháp y tha khởi tính[2].

Ở đây cũng nói Tâm giác tri tương ứng với dâm lạc trong Lạc Không song vận, Lạc Không bất nhị kỳ thực chính là tâm Ý thức y tha khởi tính, không phải là pháp biến thành Chân Như ở Phật địa lúc ở trạng thái Lạc Minh vô niệm. Cho dù Song thân pháp thực sự có thể tu thành Phật quả đi chăng nữa, thì Tâm giác tri lúc tu đến “Phật quả” vẫn chỉ là Ý thức mà thôi. Còn Thức thứ tám Vô Cấu thức ở Phật địa mới là pháp vốn dĩ đã tồn tại từ vô thủy kiếp đến nay, không phải là pháp do tâm Ý thức giác tri chuyển biến mà thành như Mật tông vẫn thường nói, vì Chân Như ở Phật địa là Bản trụ pháp, nó đồng thời đồng xứ với tâm Ý thức vận hành không ngừng nghỉ, không phải nhờ tu hành mà sau đó mới được sinh ra, cũng không phải vì sau khi diệt trừ tâm Ý thức giác tri thì mới bắt đầu có Tâm này.

Các tông phái của Mật tông Tây Tạng đều cùng coi Tâm giác tri Lạc Không song vận, Lạc Không bất nhị là pháp thường trụ bất hoại, tức là rơi vào trong pháp thường kiến ngoại đạo, cùng là một Tâm giống với Tâm giác tri “nhất niệm bất sinh và bất hoại” mà thường kiến ngoại đạo vẫn chủ trương. Vì thế mới nói rằng: các phái của Mật tông đều chưa từng chứng được Thế tục đế của pháp Nhị thừa, càng không hề chứng được Như Lai Tạng của pháp Đại thừa. Mật tông chưa từng chứng biết trí tuệ Bát Nhã thất trụ vị, nhưng lại dùng các loại danh tướng của Phật pháp, coi Minh điểm và Tâm giác tri là Thực tướng tâm, là Như Lai Tạng, cho nên những gì họ nói đều không thật, không thể tin được, những lời nói về chứng lượng của họ cũng đều thành lời hư vọng, đều phạm vào đại vọng ngữ nghiệp.

Mật tông lại dùng tâm tưởng “Không An bất phân, tất thảy pháp Không” mà hoàn toàn không chút nghi ngờ, rồi xưng như thế đã thành La Hán, không biết phải đoạn Ngã kiến, phải trừ Ngã chấp, mà tự cho rằng mình đã đoạn Ngã kiến, đã trừ Ngã chấp, hoang đường đến mức độ như vậy đó! Họ vốn dĩ thiếu sót tri kiến Phật pháp nghiêm trọng, đều rơi vào thường kiến, đoạn kiến của phàm phu, nhưng lại đem việc nói đúng theo pháp, tu đúng theo pháp, chứng đúng theo pháp của người tu hành bên Hiển tông hạ thấp xuống thành tu hành ở Nhân địa, là chứng lượng thô thiển; trong khi bản thân lại không biết các thày Mật tông đều hiểu sai về pháp của Hiển giáo, hoàn toàn không hiểu gì về “Nhị thừa, thông giáo giải thoát quả” của Hiển giáo, cũng hoàn toàn không hiểu gì về Phật Bồ Đề quả của Đại thừa Hiển giáo. Ví dụ thượng sư Mật tông nói thế này:

“Sau khi đắc đạo ảo thân, thì ảo hóa bắt đầu đến. Người tu pháp trước hết phải tu Khởi phần. Tu tốt Khởi phần thì mới bắt đầu tu công phu bước đầu của Chính phần. Sau khi tu thành công phu bước đầu thì mới tu ảo thân. Nếu có lòng nghi, thì là ảo thân bất thanh tịnh. Chỉ khi nghi tâm “Không An bất phân” không còn chút nào nữa đến, thân thể mình hoàn toàn mới là thân Phật, thanh tịnh giống như con cá mới ra khỏi biển, là thân này đó. Khi đó, nhất tâm tĩnh tọa, tất cả đều không hỏi han gì hết. Sau khi ngồi xuống cũng vẫn “tất thảy pháp Không”, giống với lúc ảo hóa. Phàm tất cả chúng sinh hữu tình, bất kể lớn nhỏ, đều coi là Phật hết, tức một con côn trùng nhỏ bé cũng nhìn nhận như là Hóa thân của Phật. Tất cả các đồ vật, bất luận to nhỏ đều coi là Đàn thành của Phật. Không được dứt bỏ thứ niệm tưởng này, dù chỉ là một khắc. Nếu người nào có thể nhất tâm không nghi như vậy, thì sẽ chẳng khác gì Phật cả. Người đó, trên phương diện đạo lý Hiển giáo gọi là La Hán, vì phiền não của anh ta đã trừ hết rồi. Còn trong Mật giáo, nghi tâm trừ được thì phiền não cũng theo đó mà bị diệt trừ. Trong Hiển giáo, sau khi đoạn trừ nghi tâm, thì vẫn còn 112 loại phiền não khác đợi trừ nốt, chỉ khi nào đoạn tận phiền não thì mới thành La Hán. “Căn Bản kinh” trong Tạng Kinh nói: Sau khi Kiến đạo đến, người đó liền thành thánh nhân, đoạn hết mọi nỗi khổ sinh tử”. (62-223~224)

Như vậy, Mật tông cho rằng người nào đạt “tất thảy pháp Không, Không An bất phân” bằng tư tưởng (suy nghĩ) mà không chút nghi ngờ thì lập tức trở thành thánh nhân, chứ không bắt tay vào bằng việc đoạn Ngã kiến, thường kiến, không đoạn trừ tà kiến “ly niệm linh tri thường trụ bất hoại”, không cần biết đến cái lý “ly niệm linh tri là hư vọng”. Người học cần nên biết rằng: tu chứng trong đạo Giải Thoát của Nhị thừa không phải là thực hiện ý niệm “tất thảy pháp Không” trong lòng lúc đả tọa là có thể chứng được quả Giải thoát; mà là trong lúc ngồi và tất cả các uy nghi khác, quan sát thật kỹ sự hư vọng của Tâm giác tri, quan sát Ý căn khắp nơi làm chủ là hư vọng, đoạn trừ Ngã kiến và Ngã chấp như thế mới có thể thành tựu quả Giải thoát. Còn nếu thực hiện ý niệm “tất thảy pháp Không, Không An bất phân” trong lúc đả tọa như Mật tông thì vẫn chỉ rơi vào trong cảnh giới Tâm ý thức, trước sau vẫn không hề đoạn Ngã kiến Ý thức – trước sau vẫn nhận định Tâm giác tri là Ngã thường trụ bất hoại, chính là rơi vào trong “thường kiến kiến” mà thường kiến ngoại đạo không thể đoạn được. Cái “Ngã kiến” trong thường kiến kiến còn chưa thể đoạn, huống hồ đòi đoạn Ngã chấp? Ngã kiến và Ngã chấp đều không đoạn, còn chưa chứng biết gì về cảnh giới phân chứng giải thoát của Sơ quả bên Hiển giáo mà nói có thể biết được quả Giải thoát của A La Hán, tuyệt không có cái lý ấy! Qua đoạn văn trên, có thể thấy Mật tông đều coi ý tưởng là thật, chứ không phải là tông giáo hiện quan và thực chứng Phật pháp.

Cho nên, các thày Trung Quán phái Ứng Thành như Nguyệt Xứng, Tông Khách Ba, Đạt Lai Lạt Ma các đời, pháp sư Ấn Thuận… đều cho rằng người có thể quan sát “tất thảy pháp Không” tức là người có chứng lượng, chính vì thế mà các học trò của Ấn Thuận đều một mực phủ nhận bình luận “pháp sư Ấn Thuận là học vấn tăng” của giới Phật giáo, mà cho rằng Ấn Thuận là người có chứng lượng Bát Nhã, chứ không phải chỉ có học vấn nghiên cứu mà thôi. Thế nhưng, các thày Trung Quán phái Ứng Thành như Ấn Thuận đều phủ định sự tồn tại của Thức thứ tám Như Lai Tạng, trong khi chân ý trong các kinh Bát Nhã đều phải dựa vào Thức thứ tám Như Lai Tạng mà nói. Các lý Trung Đạo trong Bát Nhã đều là thể tính Thức thứ tám của “Phi Tâm Tâm, Vô Tâm Tướng Tâm, Bất Niệm Tâm”: Bát Nhã lấy Tâm Thức thứ tám làm thể. Những người như Ấn Thuận đã phủ nhận Thức thứ tám thì hiển nhiên không thể nào hiểu được Bát Nhã. Người chưa chứng được Bát Nhã thì làm gì có chứng lượng mà nói?

Những người như Nguyệt Xứng, Tông Khách Ba, Đạt Lai Lạt Ma, Ấn Thuận…còn phủ nhận cả sự tồn tại của thức thứ bảy Ý căn, tức là thập bát giới mà Phật nói đã bị Ấn Thuận, Tông Khách Ba…sửa thành thập thất giới. Qua đó thử hỏi Ấn Thuận liệu có phải là “người có chứng lượng Bát Nhã” hãy không? Rõ được điều này rồi, thì cần gì đám học trò của ông ta phải ra mặt phủ nhận cái danh “học vấn tăng” để suy tôn địa vị của ông ta trong giới Phật giáo?

Lại nữa, Phật nói: “Ý thức đời trước không thể đến được đời này, Ý thức của đời này cũng không thể đến được đời sau”, là nói Ý thức chỉ là Tâm y tha khởi tính (dựa vào pháp khác mà có), nếu không có ngũ sắc căn được sinh ra hoàn hảo thì Như Lai Tạng cũng không thể sinh khởi Tâm Ý thức giác tri. Cho nên, Tâm giác tri chỉ có thể dựa vào ngũ sắc căn của đời này làm Câu hữu y (chỗ dựa) để được sinh ra, tuyệt đối không thể được sinh ra nếu lìa khỏi ngũ sắc căn Câu hữu y của đời này. Tâm Ý thức giác tri của đời này không thể nào dựa vào ngũ sắc căn của đời trước hoặc đời sau để sinh ra, vì ngũ sắc căn của đời trước thì đã bị hủy hoại, còn ngũ sắc căn của đời sau vẫn chưa được sinh ra. Cho nên, Tâm Ý thức giác tri không thể quán thông ba đời, không thể qua lại giữa ba đời được.

Ý thức không đến từ kiếp trước, cũng không đi đến kiếp sau, chỉ tồn tại trong một đời, như vậy thì năm thức đầu cũng đều phải theo Ý thức, không thể đi đến đời sau, cũng không thể đi từ đời trước đến đời này, cho nên tiền Lục thức đều chỉ có thể nương vào Như Lai Tạng mượn ngũ sắc căn vi tế của Trung âm thân do ngũ sắc căn đời này sinh ra để được hiện khởi ở giai đoạn Trung âm. Sau khi Trung âm thân đi thụ sinh thì tiền Lục thức đều bị diệt trừ mãi mãi, chỉ tồn tại ở một đời, mãi mãi không thể tái hiện.

Tông Khách Ba thì coi Minh điểm và “trí tuệ” Lạc Không của Song thân pháp là bản thể liên hệ nhân quả ba đời, cho nên ông ta không thừa nhận Thức thứ tám và thức thứ bảy mà Phật nói trước sau trong các kinh Tam chuyển pháp luân. Thế nhưng, thuyết đó của ông ta chỉ là hư vọng pháp, vì Minh điểm vẫn phải dựa vào Ý thức mới được sinh ra, “trí tuệ” Lạc Không của Song thân pháp cũng phải dựa vào Ý thức mà có, không thể tồn tại độc lập ngoài Ý thức được. Đã phải dựa vào Ý thức làm Câu hữu y, thì phải hiểu rằng đó không phải là pháp thường trụ bất hoại vốn có, vì bản thân Ý thức đã là pháp duyên khởi y tha khởi tính rồi. Còn Minh điểm và “trí tuệ” Lạc Không lại phải dựa vào Ý thức mà có, tức là pháp tái y tha khởi trong y tha khởi tính, thì sao có thể đảo lộn gốc ngọn thành lập ra pháp sở y của Tâm Ý thức, như thế chẳng phải là đảo lộn trắng đen, chỉ hươu nói ngựa hay sao? Pháp vô thường y tha khởi như thế, sao có thể xây dựng thành bản thể thường trụ bất hoại được? Sự điên đảo, ngu si và vô trí của Tông Khách Ba đâu phải chỉ nghiêm trọng, mà quả thực đã đến mức độ không thể tưởng tượng được nữa rồi.

Các thày Trung Quán phái Ứng Thành như Đạt Lai Lạt Ma, Ấn Thuận…dựa trên thường thức thực tế, biết rõ rằng Ý thức không thể đi lại xuyên qua ba đời, nhưng để phòng ngừa việc phủ định thức thứ bảy, Thức thứ tám dẫn đến sau khi chết sẽ trở thành đoạn diệt, để phòng ngừa bị chê cười “làm trái ngược quy luật nhân quả”, để phòng ngừa bị người khác bác bỏ nói họ là những người đoạn diệt kiến, cho nên sau khi phủ định thức thứ bảy tám mà Phật tuyên thuyết, họ đã xây dựng riêng một thuyết “Ý thức tế tâm”, chủ trương có một cái Tâm Ý thức nhỏ hoặc Tâm cực vi tế không thể biết, không thể chứng làm thứ nối liền nhân quả ba đời nhằm tránh rơi vào Đoạn diệt luận. Với sự thành lập đó, họ lại rơi vào trong Ý thức giới của Thập bát giới, vẫn không hề lìa khỏi pháp thường kiến của thường kiến ngoại đạo.

Ấn Thuận tuy nói: “Ý thức mà thêm thuyết không thể biết, không thể chứng thì đương nhiên là khác với thường kiến ngoại đạo”, thế nhưng trong các kinh Tứ A Hàm, khi nói về Ý thức, chỗ nào Phật cũng nói rằng: “Tất thảy mọi ý thức dù thô hay tế đều là do Ý căn và Pháp trần làm duyên sinh ra. Tất thảy mọi Ý thức thô tế đều có thể biết, có thể chứng”. Như thế là không có cái Ý thức tế (nhỏ bé) nào là không thể biết, không thể chứng, điều này khác xa với thuyết “Có Ý thức tế không thể biết, không thể chứng” của Ấn Thuận, Đạt Lai Lạt Ma, Tông Khách Ba…

Lại nữa, nếu như có Ý thức tế mà lại không thể biết, không thể chứng, coi đó là Tâm ba đời bất hoại, coi đó là Thức chủ thể nối liền nhân quả ba đời, thì cái Ý thức tế không thể biết, không thể chứng này phải là Tâm Thực Tướng, thì phải là Tâm có thể biết, có thể chứng mới đúng. Còn nếu đó không phải là Tâm Thực Tướng, thì sao có thể là Tâm nối liền, là Thức chủ thể của nhân quả ba đời? Còn nếu không phải là Tâm có thể chứng thì thuyết của Ấn Thuận sẽ thành vô nghĩa, vì (chúng sinh) không thể biết, không thể chứng. Mà như vậy thì Phật Thích Ca không phải là người đã chứng đạo nữa, vì vẫn còn có Ý thức tế không thể biết, không thể chứng mà Phật vẫn chưa chứng được, thì như thế không phải là bậc Nhất thiết trí, không phải là người đã thành Phật đạo nữa. Cho nên, cái lý luận hoang đường đó của Ấn Thuận và Tông Khách Ba liệu có thể chấp nhận là chính pháp của Phật giáo hay tuyệt đối không thể coi là chính pháp đây?

Nếu là như vậy, thì bản thân Ấn Thuận cũng không phải là người đã chứng ngộ Bát Nhã, vì pháp mà ông ta nói ra nhưng lại chưa hề thân chứng, tức vẫn còn chưa chứng được Ý thức tế không thể biết, không thể chứng; Mà như thế thì Ấn Thuận chỉ là kẻ hý luận, vì pháp mà Phật thuyết đều là pháp có thể chứng, trong khi pháp mà Ấn Thuận nói lại không thể chứng, chỉ là pháp tưởng tượng mà thôi; Như thế thì vô lượng Phật đời quá khứ đều chưa thành Phật, đều không phải là bậc trí “Nhất thiết trí”, vì họ vẫn chưa chứng được cái Tâm Ý thức tế không thể biết, không thể chứng mà Ấn Thuận nói. Là đúng, hay là sai đây? Những người có trí nên cùng suy xét!

Lại nữa, pháp không thể biết, không thể chứng liệu có phải là Phật pháp hay không? Đã không phải là Phật pháp, thì thuyết “không thể biết, không thể chứng” sẽ thành hý luận, vì đều chẳng liên quan gì đến đạo Giải Thoát và đạo Phật Bồ Đề. Như vậy, Ấn Thuận đem pháp hý luận không thể biết, không thể chứng ra để tuyên thuyết, nói về Phật pháp, thì sao chúng đệ tử của ông ta lại có thể coi ông ta là “người có chứng lượng Bát Nhã” được?

Các loại sai lầm như thế đã chứng tỏ các thày Trung Quán phái Ứng Thành như Nguyệt Xứng, Tông Khách Ba, Đạt Lai Lạt Ma, Ấn Thuận…ai nấy đều là những kẻ suy đoán Phật pháp, không phải là những người thực chứng chân tu. Vì sao vậy? Vì La Hán Nhị thừa còn phải đích thân tự quan sát sự hư vọng của thức thứ bảy Ý căn (tuy nhiên Ý căn có thể đi từ đời trước đến đời này, lại có thể đi từ đời này đến đời sau), sau đó đoạn trừ Ngã chấp của Ý căn, chứ không chỉ có đoạn trừ Ngã kiến “Ý thức thường trụ bất hoại” mà thôi. Sự tu chứng Niết Bàn của Thanh Văn như thế đều được ghi chép đầy đủ trong các kinh Tứ A Hàm, đến nay vẫn có thể tra cứu. Thế mà các thày Trung Quán phái Ứng Thành như Ấn Thuận, Đạt Lai Lạt Ma…kia lại phủ định luôn cả Ý căn (thức thứ bảy) nói trong các kinh Tứ A Hàm, nói là không có thức thứ bảy, nói rằng đó là pháp được sáng tạo ra trong các kinh điển Đại thừa sau khi Phật nhập diệt. Sau đó, lại xây dựng nên thuyết Tâm Ý thức tế không thể biết, không thể chứng, thay thế cho Thức thứ tám Như Lai Tạng mà Phật thuyết trong các kinh Tứ A Hàm, coi đó là Thức chủ thể nối liền nhân quả ba đời. Như thế tức là đem Bản thể luận không thể biết, không thể chứng đó thay thế cho Bản thể luận có thể biết, có thể chứng mà Phật nói. Nói họ là những kẻ phá hoại chính pháp Phật giáo nghiêm trọng, ai bảo là không được?

Lời nói và trước tác “trừng mắt nói láo” của những người như Tông Khách Ba, Đạt Lai Lạt Ma, Ấn Thuận… sao có thể tin được? Vậy mà tại sao tín đồ của họ lại nói: Ấn Thuận nói trái ngược với kinh pháp A Hàm mà Phật thuyết là người có tu chứng trong Phật pháp? Nay xin hỏi thày trò của họ một câu: “Trong Phật pháp Tam thừa, rốt cuộc Ấn Thuận có tu chứng pháp ở thừa nào?”. Nếu nói đó là pháp Nhị thừa, mà Ý căn thức thứ bảy trong pháp Nhị thừa họ còn không thể hiện quan, còn nói không có thức thứ bảy đó, phủ định nó, thì chứng tỏ Ấn Thuận kia còn không thể hiện quan pháp Thập bát giới rồi. Người chưa thể hiện quan pháp Thập bát giới vận hành thực tế thì sao có thể hiện quan được pháp Thập bát giới hư vọng? Người không thể hiện quan được pháp Thập bát giới hư vọng thì sao có thể nói anh ta có sự tu chứng đối với quả giải thoát trong pháp Nhị thừa được?

Như vậy, pháp sư Ấn Thuận còn không thể hiện quan đầy đủ đối với pháp Thập bát giới, nếu nói về pháp Duyên giác, pháp Bát Nhã Đại thừa, sự tu chứng Chủng trí Đại thừa thì tất sẽ có rất nhiều sai lầm, có thể chứng minh ông ta chỉ là “học vấn tăng”, không phải là “tu chứng tăng”; có thể chứng minh chắc chắn ông ta không biết, không chứng đối với Phật pháp Tam thừa, cũng có thể nêu ra ví dụ chứng minh ông ta chỉ là kẻ ngoài ngành Phật pháp, chỉ là học vấn tăng nghiên cứu Phật học mà thôi. Nhưng do chương tiết có hạn, nên tạm không luận nhiều. Nếu như đệ tử ông ta có người viết sách, nêu ví dụ lớn tiếng nói ông ta là người có tu chứng trong Phật pháp Tam thừa thì tôi sẽ viết sách riêng để biện chính, ở đây chỉ tạm nêu mà không thuật nữa.

Người Trung Quán phái Tự Tục của Mật tông tuy không phủ định Thức thứ tám, nhưng cũng đều sai lầm coi Ý thức là Thực Tướng tâm, thì cũng không được coi là “người có tu có chứng về Bát Nhã”. Theo như ví dụ nêu trên, người nào hiện kiến còn chưa thể hiện tiền quan sát Thập bát giới pháp không mà nói “tâm tưởng tất thảy pháp không, tức là thành La Hán của Thanh Văn thừa” thì quả thật là những kẻ vọng tưởng. Như thế mà nói đã thành “người tu chứng A La Hán trong Hiển giáo”, chứng tỏ các thượng sư Mật tông hoàn toàn không biết gì về pháp Hiển giáo, hoàn toàn không chứng được pháp Hiển giáo. Như thế mà nói đã hoàn thành tu chứng trong Hiển giáo, nói “phải tu chứng hoàn tất pháp Hiển giáo thì mới có thể được tu học pháp Mật giáo”, thật đúng là những lời lẽ dối trá cuồng vọng của tín đồ Mật tông. Đó là hành vi sùng Mật ức Hiển bằng thân xác phàm phu, có chứng đức chứng lượng gì để nói chứ?

Mật tông dùng Song thân pháp phối hợp với pháp tu Minh điểm, Bảo bình khí, rồi cho rằng có thể chứng được quả Giải thoát. Điều này không phải là tôi cố ý cấy tang vật, vu oan cho Mật tông mà đó là tất cả nhận thức chung, pháp chung của các tông phái lớn nhỏ của Mật tông Tây Tạng, ngay cả phái Tát Già được coi là nghiêm mật nhất và có hệ thống tu hành đầy đủ nhất cũng chủ trương như vậy. Có sách làm chứng như sau:

“Lúc quán đỉnh thứ ba (quán đỉnh bí mật), ba thứ thân ngữ ý đẳng quân mà làm (thân khẩu ý trong lúc hành dâm đều nhất tâm bất loạn), lại trụ bằng sự tương dung hòa hợp “phương tiện, trí tuệ” trong sát na (hai bên nam nữ đều có đủ phương tiện thiện xảo và hành môn “Lạc Không trí tuệ”, khiến cho Minh điểm vật chất và Minh điểm quán tưởng của hai bên đều dung hòa vào nhau mà an trú), rồi thực hành (quán tưởng) ở Giới (chủng tử, dâm thủy) tịnh phần (khí phần của dâm dịch chiết nâng lên lúc xuất tinh khi đạt cực khoái tình dục gọi là tịnh phần) thắng nhụy (quy đầu và cổ tử cung) của hai bên cha mẹ (hai bên nam nữ), tại chỗ đầu chót của Trung mạch, như miệng núi tiếp đỡ (đưa quy đầu chạm tiếp vào cổ tử cung), như nước tụ vào ao (không được để dâm dịch hai bên chảy ra ngoài cơ thể người nữ). (Quán tưởng khi tịnh phần dâm dịch chiết lên lúc cực khoái tình dục) Minh điểm như hạt cải có màu rất trắng, hóa quang từ huyết mạch phải bay đến Tề luân. Tại Tề luân, thứ ánh sáng đó như mặt trời lúc bình minh từ từ dâng lên, rồi xán lạn như mặt trời chiếu khắp, tựa như khí trào dâng trong phổi. Lại hành ở huyết mạch phải, quán nó ở Tâm luân cũng có ba pháp, rồi lại hành huyết mạch đến Hầu luân, cũng có ba pháp. Lại hành huyết mạch đến tai phải phát quang mà bay ra, trong ánh sáng đó lại xuất hiện đàn thành Bản tôn, hành quán đỉnh thứ tư liên tục cho tất thảy hữu tình, (quán tưởng) chúng sinh hữu tình đều thành Bản tôn (ôm nhau ở dạng song thân). Bản tôn của các hữu tình và ánh sáng do họ phóng ra, hai thứ hòa lẫn vào nhau, chuyển thành Cam lộ tinh túy, an trú ở chỗ cửa Trung mạch ngoài Phạn huyệt của đỉnh môn. Lại niệm Đỉnh luân có ba pháp, ánh sáng màu đỏ của nó giáng xuống Hầu luân, có đủ quang huy ngàn ngày; rồi lại giáng xuống Tâm luân, tự nối tiếp chuyển thành nghiệm tướng của ngũ thân, ánh sáng của nó cũng chuyển thành ngũ sắc. Dưới Tề luân, vì Giới dễ tích tụ, đạo mạch thanh tịnh từ Tề (rốn) sinh ra, tại liên cung của Phật Mẫu như trước đó (trong hạ thể của Minh Phi), trụ dưới hình tướng của Minh điểm. Ngưng cố sóng Sở chấp bên phải tập trung viên mãn ở trong huyết mạch phải, đắc tự tại ở Cần tức, gọi là “Không Giải thoát môn”, đó là Sơ quả. Nếu anh ta hành ở bên trái, ngưng cố sóng Năng chấp tập hợp viên mãn ở tinh mạch trái, đắc tự tại ở Mệnh tức, gọi là “Vô nguyện Giải thoát môn”, đó là Nhị quả. Nếu anh ta hành ở Trung mạch, ngưng cố sóng hai chấp Năng Sở tịnh trị ở Trung mạch này, đắc tự tại ở Trụ tức, gọi là “Vô tướng Giải thoát môn”, đó là Tam quả”. (61-297)

Phối hợp vận dụng các pháp quán tưởng Minh điểm, Bảo bình khí, hợp tu song thân để tu hành như thế; rồi lại đem cảnh giới do quán tưởng mà thành phối với Sơ quả, Nhị quả, Tam quả trong tu chứng quả Giải thoát của Nhị thừa, nói thế là đã chứng ba cửa giải thoát, kỳ thực hoàn toàn không thể nào hiện quan được sự hư vọng của Thập bát giới pháp, hoàn hoàn không thể hiện quan được sự hư vọng của Ngũ uẩn, Lục nhập, Thập nhị xứ, tất cả đều những kẻ chưa đoạn Ngã kiến. Như thế mà nói là người có thể chứng giải được Sơ quả, Nhị quả, Tam quả của đạo Giải Thoát, tuyệt không thể có chuyện ấy. Sự tu chứng từ Sơ quả cho đến Tứ quả của đạo Giải Thoát, nhất nhất đều phải hiện quan được Uẩn Xứ Giới vô thường, khổ, không, vô ngã thì mới chứng được. Há lại có thể chứng được bằng tham trước dâm lạc mà không đoạn tà kiến “Tâm giác tri Ngã thường trụ bất hoại”? Họ điên đảo đến mức độ đó, sao có thể nói đó là chính tu của Phật pháp được? Còn chẳng bằng tri kiến của đoạn kiến ngoại đạo vậy.

Mật tông đều cho rằng: Tâm tưởng tượng “tất thảy pháp không” là lập tức có thể chứng được đạo Giải Thoát và thành Phật, mà không biết rằng “tất thảy pháp không” chỉ là một loại Không tướng thuộc Thập bát Không dựa vào Như Lai Tạng mà nói trong kinh Bát Nhã mà thôi. Họ đã hiểu lầm “tất thảy pháp không” là toàn thể của Bát Nhã, cho nên mới sinh ra các loại vọng tưởng đối với Bát Nhã, rồi lại đem vọng tưởng đó ra để dẫn dắt sai lầm chúng sinh, nói “tất thảy pháp không” chính là Bát Nhã. Ấn Thuận - thày Trung Quán phái Ứng Thành thậm chí còn vọng ngôn nói: “Bát Nhã là nói tất thảy pháp đều duyên khởi tính không, cho nên chỉ có cái tên mà không có thật, vì thế mới nói chính nghĩa của Bát Nhã chính là tính không duy danh”. Thế nhưng rất nhiều pháp sư, cư sĩ Hiển giáo tin theo Trung Quán phái Ứng Thành, cùng với các hành giả Mật tông lại không chịu tư duy, suy ngẫm kỹ trước lối nói tà kiến hoang đường này để biện chính cho đúng, ngược lại còn nói bồi thêm cho tròn, rêu rao rằng những gì mà họ tu mới là đạo Giải Thoát và đạo Phật Bồ Đề thực sự. Các thày Mật tông còn đem tri kiến sai lầm này suy tôn trên cả chính pháp Hiển giáo, đổi trắng thay đen, nói đó là pháp thắng diệu hơn cả Hiển giáo.

Như Thượng sư Trần Kiện Dân từng nói thế này: “Đại sư Tông Khách Ba cũng thừa nhận: Trừ phi hành giả Mật thừa thực tu trước pháp quán đỉnh thứ ba (Chú thích gốc: Hành giả được truyền pháp này có thể dựa vào Du già mẫu để thực tu thiền pháp song vận), nếu không anh ta cũng không thể thực chứng được Đại viên mãn của Ninh Mã Ba hoặc đạt được thành tựu Đại thủ ấn. Anh ta không chịu tách riêng pháp quán đỉnh thứ ba và quán đỉnh thứ tư. Nhưng bản thân Ninh Mã Ba thì có hai con đường tu hành: Một con đường là đạo Giải Thoát, con đường kia là đạo Song vận. Các đại sư Hồng giáo (Ninh Mã Ba) đều tuyên xưng: Hai con đường tu hành này đều có thể chỉ dẫn hành giả đạt đến chính đẳng chính giác vô thượng trong một đời”. (37-165)

Thế nhưng, tình hình thực tế là tất cả các pháp mà Ninh Mã Ba thuyết đều không thể nào dẫn dắt bất kỳ người nào chứng được đạo Giải Thoát và chính đẳng chính giác vô thượng. Hồng giáo đã như thế, Hoàng giáo, Bạch giáo, Hoa giáo cũng đều vậy cả. Nhưng gì họ nói, họ tu, họ chứng đều trái ngược với chính lý và hành môn của đạo Giải Thoát và đạo Phật Bồ Đề. Ở đây là nói giáo pháp của các phái Mật tông đều coi Minh Không song vận (khi đả tọa nhập định đạt nhất niệm bất sinh, nhận định Tâm ly niệm linh tri là Chân Như ở Phật địa) là đạo thành Phật; họ cũng đều coi Lạc Không song vận, Lạc Không bất nhị (chi tiết xem tường giải ở Chương 8, 9) là đạo thành Phật. Thế nhưng, hai pháp này đều không thể nào chứng được Thập bát giới không để đoạn Ngã kiến và Ngã chấp, mà như thế thì không thể nào chứng được đạo Giải Thoát; cũng không thể nào khiến người tu hành chứng được Như Lai Tạng để sinh khởi trí tuệ Bát Nhã, càng không thể chứng được chính lý Nhất thiết Chủng trí của Duy Thức, như thế thì tuyệt duyên với đạo Phật Bồ Đề, huống hồ có thể thành Chính đẳng Chính giác vô thượng?

Thế mà Hồng giáo Mật tông tự nói có thể tu, có thể chứng được đạo Giải Thoát và đạo Phật Bồ Đề, đó chỉ là những lời lẽ ức tưởng (suy đoán), không có nghĩa lý thực sự nào để nói. Vì sao vậy? Vì bốn đại phái của Mật tông đều nhận tất thảy pháp không, lại chấp giữ các pháp vô thường như Mệnh, Khí, Minh điểm… là pháp thường trụ bất hoại, trái ngược với đạo lý tất thảy pháp không mà chính mình tuyên thuyết. Đã nhận định Minh thể là Thực tướng của sinh mệnh, thì tức là rơi vào trong pháp duyên sinh y tha khởi tính, sao có thể tương ứng với đạo Giải Thoát được? Họ lại đều nhận định Tâm ly niệm linh tri trong Lạc Không bất nhị, Lạc Không song vận là Chân Như, thì tức là đọa vào trong Tâm ý thức y tha khởi tính, vẫn hoàn toàn không có gì khác biệt với thường kiến ngoại đạo, nhất loạt đều chưa đoạn Ngã kiến, huống hồ có thể đoạn Ngã chấp?

Họ đã không thể nào hiện tiền quan sát được Tâm ý thức trong Minh Không song vận là vô thường không, cũng không thể nào hiện quan được Tâm ý thức trong Lạc Không song vận là vô thường không, lại không thể chứng được Thức thứ tám Như Lai Tạng, thì nghĩa là đều đã tuyệt duyên với đạo Giải Thoát và đạo Phật Bồ Đề, thế mà lại tự mỹ xưng rằng có ba đạo chủ yếu (Thanh Văn, Duyên Giác, Phật Đạo) có thể chứng được đạo Giải Thoát, có thể chứng Phật Bồ Đề. Như thế là giả dối, đều là những lời lẽ của Hồng Lâu Mộng[3], không phải là lời nói của Chân Ngôn tông, vì những gì họ nói đều phi chân ngôn cả.

 

 


[1] Chú thích của người dịch: Nguyên văn là “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, trích từ Kinh Kim Cương.

[2] Chú thích của người dịch: “Y tha khởi tính” nghĩa là dựa vào pháp khác mà có, bản thân nó không có tự tính chân thực. Ở đây là nói Ý thức dựa vào sự tiếp xúc giữa Ý căn và Pháp trần mới được sinh ra, đằng sau có Như Lai Tạng chấp trì, tùy duyên vận hành. Trong khi đó, Minh thể lại là sự tưởng tượng của Ý thức, cho nên càng có tư cách “Y tha khởi tính” một lần nữa, nên gọi là pháp “tái y tha khởi tính”.

[3] Chú thích của người dịch: Hồng Lâu Mộng nghĩa là “giấc mộng lầu son”, ý là nói mê.


Bài trước

Bài sau

Trang chủ

Lượt xem trang: 0