Phật giáo Tạng truyền thật sự là Giác Nãng Ba, hoằng dương diệu pháp Như Lai Tạng Tha Không Kiến, hoàn toàn phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo. Tứ đại giáo phái Hồng, Hoàng, Hoa, Bạch là Phật giáo Tạng truyền giả, tất cả các pháp nghĩa của họ đều không phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo, cho nên là tà giáo, tà pháp.
2. Không hiểu rõ Bản Tế của Niết Bàn
Lại nữa, các vị đại sư của Phật giáo Nam - Bắc truyền không biết, không hiểu, không chứng được Niết Bàn, lại nảy ra những suy đoán về Niết Bàn, rơi vào lý giải duy tình, rồi lấy thứ lý giải duy tình, suy đoán đó để hoằng truyền về cái Niết Bàn của ngoại đạo thường kiến, rơi vào tà kiến ngũ hiện Niết Bàn của ngoại đạo mà “Kinh Lăng Nghiêm” đã nhắc đến, từ đó dẫn dắt sai lầm cho chúng sinh. Đó đều là có ý muốn cho tâm Ý thức nhập vào Niết Bàn, hoặc cho rằng cái Tâm kiến văn giác tri là Tâm Niết Bàn, hoặc coi Ý thức tế tâm là Bản Tế của Niết Bàn, hoặc coi Ý thức cực tế tâm là Bản Tế của Niết Bàn.
Chúng ta nên biết rằng, Phật nói “Niết Bàn là chỉ việc A La Hán đoạn tận Ngã chấp khi xả thọ khiến cho bản thân tự ngã bị tiêu diệt - Ngũ uẩn, Thập nhị xứ, Thập bát giới cũng đều toàn diệt - (cái cảnh giới-trạng thái) lúc đó gọi là Niết Bàn”. Lúc này, Lục thức và Ý căn đều bị đoạn diệt hoàn toàn, chỉ còn lại thức thứ 8, nhưng nó không thể nhập vào thai mẹ được nữa, cũng không sinh vào thiên giới, cho nên không còn cái Ngã hiện hành ở đời sau, (cái cảnh giới – trạng thái đó) gọi là Vô dư Niết Bàn[1]. Nay các vị đại sư Nam-Bắc truyền (bao gồm cả A La Hán Nam Dương đang được đồn đại hiện nay[2]) không hiểu được ý Phật, đều muốn đem cái Tâm tính giác tri của Ý thức nhập vào Niết Bàn, rơi vào cái tà kiến ngũ hiện Niết Bàn của ngoại đạo. Theo như các vị đại sư nói rằng có cái “tế tâm Ý thức không thể nhận biết”, như thế chính là tà kiến do hư vọng sinh ra, như là Thố giác pháp vậy[3]. Vì rằng Ý thức một khi đã hiện hành, thì đều chắc chắn có thể tự mình nhận biết (giác tri), bất luận nó nhỏ (vi tế) đến mức độ nào, bởi vì Ý thức có công năng Chứng tự chứng phần.
Như trong kinh Tứ A Hàm, chỗ nào Phật cũng nói rằng “Khi A La Hán nhập vào Vô dư Niết Bàn, Danh Sắc đều xả hết”. Sắc tức là sắc thân, Danh thì bao gồm Ý căn, Lục thức và Thọ Tưởng Hành Uẩn mà nó dẫn sinh ra. Như thế, khi Ý thức đã xả hết rồi, thì làm gì còn có thứ tế tâm (tâm thức nhỏ bé vi tế) nào còn tồn tại mà không bị đoạn diệt nữa? Nếu như có tế tâm Ý thức bất diệt thì không thể nói là Ý thức đã bị đoạn diệt, thì Phật lẽ ra nên nói rằng vẫn còn có tế tâm Ý thức bất diệt, thì cũng nên nói rằng vẫn còn có Ý căn bất diệt mới phải; mà trong kinh A Hàm, Phật có nói “vì Ý căn và pháp trần làm duyên sinh ra Ý thức”, thì lẽ ra ở (trạng thái) Vô dư Niết Bàn vẫn còn có ba giới: Ý, Pháp, Ý thức mới phải. Nếu là đúng như thế, thì những điều Phật nói trong các kinh A Hàm đều là cuồng vọng cả rồi, thì phải viết sửa lại hết; Còn nếu không phải như vậy, thì cái câu “tế tâm Ý thức không thể nhận biết” mà các đại sư kia chủ trương mới chính là vọng ngữ (nói láo), tức là cái pháp sừng thỏ do hư vọng tưởng sinh ra vậy.
Từ những giáo lý ghi chép trong kinh Tứ A Hàm này, mà khẳng định rằng Nhị thừa Bồ Đề không được tách rời thức thứ 7, thức thứ 8 để thành lập tách riêng, vì từ pháp Thập bát giới và Bản Tế Niết Bàn cơ bản là có thể biết rằng Nhị thừa Bồ Đề được thành lập trên cơ sở lấy Như Lai Tạng làm nền tảng; vì bậc vô học Nhị thừa chứng được Thập bát giới Không, khi xả thọ đã đoạn diệt hết Danh Sắc - Thập bát giới, nhập Vô dư Niết Bàn, lúc này là Phi Không mà cũng là Phi Hữu. Cái gọi là Phi Không tức là chỉ thức thứ 8 lìa kiến văn giác tri mà tồn tại một mình, không phải là đoạn diệt hoàn toàn. Cái gọi là Phi Hữu, tức là “Tam giới hữu, Thập bát giới hữu, Danh Sắc hữu” đã bị đoạn diệt hoàn toàn. Niết Bàn như thế (phi Không phi Hữu) mới thành nghĩa Trung đạo. Không như có người nói rằng “Uẩn Xứ Giới khi đã đoạn diệt rồi, diệt tướng bất diệt, cho nên gọi là Chân Như”[4]. Nói như thế là tà kiến, đoạn kiến, bởi “Diệt tướng” đã là không vô (không còn có gì), không thể nói là “không đoạn diệt” được nữa. Cái tâm nhận biết được “Diệt tướng” là Tâm Ý thức, không thể nói là không có cái “thường kiến hữu” được. Vì thế, tất cả mọi người không được tách rời thức thứ 8 Như Lai Tạng mà nói về pháp duyên khởi tính không của Nhị thừa, vì trong kinh Tứ A Hàm, Phật đâu đâu cũng nói về thức thứ 8. Rất nhiều người đọc kinh mà không hiểu được ý Phật, nên nói bừa rằng Phật chưa từng nói về điều này. Những người như thế còn không thể vào kiến đạo vị của Nhị thừa, thì sao có thể nói bừa về quả chứng của Biệt giáo Đại thừa? Chính vì thế, tôi mới có câu rằng: “Nhị thừa Bồ Đề không đứng ngoài Như Lai Tạng, dựa vào Như Lai Tạng mà hiển hiện”. (trích từ “Tông thông và Thuyết thông” của Đạo sư Bình Thực, trang 230-232, NXB Chính Trí ấn hành).
[1] Chú thích của dịch giả: Vô dư Niết Bàn là cách gọi tắt của Vô y dư Niết Bàn.
[2] Chú thích của dịch giả: Nam Dương là chỉ vùng Đông Nam Á và Nam Á
[3] Chú thích của dịch giả: “Thố giác pháp” là Pháp sừng thỏ. Thỏ vốn không có sừng, ý nói là chuyện không có thực, chỉ là bịa ra.
[4] Chú thích của dịch giả: Người chủ trương tà kiến này chính là Thích Ấn Thuận của Đài Loan, vốn là người có ảnh hưởng sâu rộng trong giới Phật giáo Đài Loan. Ông ta không chứng được Chân Như, thậm chí phủ định thức thứ 8 Như Lai Tạng, cho nên để tránh việc kết quả cuối cùng của tu tập Phật pháp (theo kiểu ông ta) giống với chủ trương “Đoạn diệt không – chết là hết” của ngoại đạo, nên đã chủ trương rằng: “Uẩn Xứ Giới khi đã đoạn diệt rồi, diệt tướng bất diệt, cho nên gọi là Chân Như”, ý nói khi hành giả đã diệt trừ hết tất cả Uẩn Xứ Giới rồi, thì sẽ thành “Đoạn diệt – hết sạch” mà cái sự đoạn diệt này là bất diệt, không thể bị diệt thêm lần nữa, cái đó gọi là Chân Như trong Phật đạo. Lời nói của ông ta hoàn toàn là tà kiến, bản chất vẫn chỉ là rơi vào “Đoạn diệt không” của ngoại đạo, nhưng thêm thắt ngụy biện, mục đích cốt yếu là để chứng tỏ rằng mình vẫn biết đến cái “Chân Như” của Phật pháp, chứ thực tế là ông ta không hiểu rằng hành giả (La Hán) sau khi đoạn tận Uẩn Xứ Giới, sẽ chỉ tồn tại duy nhất Như Lai Tạng của anh ta, trạng thái Như Lai Tạng độc tồn đó gọi là Niết Bàn vô dư như Thế Tôn vẫn thường khai thị trong đạo Giải thoát của Nhị thừa Bồ Đề.
Lượt xem trang: 0