Phật giáo Tạng truyền thật sự là Giác Nãng Ba, hoằng dương diệu pháp Như Lai Tạng Tha Không Kiến, hoàn toàn phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo. Tứ đại giáo phái Hồng, Hoàng, Hoa, Bạch là Phật giáo Tạng truyền giả, tất cả các pháp nghĩa của họ đều không phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo, cho nên là tà giáo, tà pháp.
Tiết 8: Thủ đoạn hoằng truyền Mật tông lấy tùy tiện làm phương tiện
Các thày Mật tông thường vọng xưng mình có pháp phương tiện để giúp người ta nhanh chóng đắc Phật quả, những lời lẽ như thế đâu đâu cũng thấy, trong các văn hiến thư tịch của các thày xưa nay nhiều không kể xiết. Ví dụ gần đây có người nói rằng:
“Có một loại bí mật dị thường ‘Kinh cúng dường Thượng sư’, người nghe cho dù không tu, nếu nghe bảy lần cũng chắc chắn thành Phật, đó là nhờ có thần lực gia bị của Phật Bồ Tát. Đại sĩ Liên Hoa Sinh nói: “Đệ tử có lòng tín ngưỡng kiên định, ta tất phù hộ người đó, vì anh ta cung kính cúng dường thày; tất cả đều do thày anh ta đảm nhiệm rồi, cho nên hành giả chỉ cần nhất tâm cúng dường cung kính thượng sư của anh ta, những việc khác đều có thể không cần”. Đây là việc tiện nghi (hời) nhất thiên hạ, cũng là pháp thuật tối bí mật, vì trong pháp tu thì thượng sư là quan trọng nhất vậy”. (62-36)
Giả như có pháp ấy có thể nhanh chóng thành Phật thật, thì lẽ ra Phật Thích Ca trước khi nhập diệt nhất định phải tuyên giảng, chứ không thể không nói, không thể nào đợi sau khi nhập diệt thì mới do Liên Hoa Sinh của Mật tông nói ra, vì Phật đã tự nói rằng hóa duyên đã tận, mọi nhân duyên cần làm cho người đời đã làm xong rồi. Nếu quả thật có pháp nhanh chóng thành Phật như thế mà không nói ra thì có nghĩa là sự hóa duyên của Phật Thích Ca rõ ràng là chưa hết, lẽ ra phải trụ thế hoằng pháp cho đến khi tuyên thuyết hết “Kinh cúng dường Thượng sư” thì mới nhập Niết Bàn. Nếu quả thật có pháp nhanh chóng thành Phật như thế mà không nói thì tức là Phật đã thị hiện là người không đại từ đại bi rồi.
Lại nữa, Mật tông nếu đã có pháp này rồi thì nên tuyên truyền rộng rãi cho nhiều người hơn. Vì sao vậy? Vì người nào chỉ cần nghe xong bảy lần “Kinh cúng dường Thượng sư” thì đã thành Phật rồi, thì sẽ không như người chưa thành Phật sẽ có hiện tượng thoái chuyển, vì chẳng cần phải lo lắng về mối nguy tiết lộ mật ý của “Kinh” này nữa. Nếu như quả thực lo lắng về chuyện tiết lộ mật ý của “Kinh” này nên không truyền bá rộng rãi, thì ít nhất trong Mật tông cũng nên lựa chọn ra vài người truyền thừa, để nhân gian đời đời lúc nào cũng có “Phật” trụ thế, hoằng truyền diệu pháp “Kinh cúng dường Thượng sư” này chứ. Thế nhưng, quan sát trong các văn hiến thư tịch xưa nay của Mật tông, vẫn không thấy có người nào chứng ngộ, tất cả những gì họ nói đều rơi vào trong Tâm ý thức của thường kiến ngoại đạo, nói gì đến việc có người đã thành Phật? Như thế mà nói người nào nghe bảy lần “Kinh cúng dường Thượng sư” này thì sẽ có thể thành Phật, trên thế gian thật chẳng có lời nói dối nào của kẻ vô trí trắng trợn hơn nữa! Làm gì có chỗ nào đáng tin?
Nếu quả thật có “Kinh” này đem ra công bố, nhất định sẽ khiến tất cả những người học trong Phật giáo đọc xong cười phun cơm ra ngoài, vì nó còn là thứ hư vọng tưởng tùy tiện và to lớn hơn. Như thế mà cũng dám tuyên thuyết, tức là đã lấy tùy tiện làm phương tiện – vì họ đã tự cao và vọng thuyết tùy tiện theo ý của riêng mình. Việc này giống như pháp Thiên thức, cũng là một pháp lấy tùy tiện làm phương tiện:
“Tu tập Mật pháp có thể đẩy cái Tâm thức này nhập vào trong tâm Phật, chứ không đến nỗi lao vào trong tử cung của một người mẹ khác. Mật giáo có rất nhiều phương pháp tuyệt vời, có thể giúp cho Tâm thức khế nhập vào trong tâm Phật để làm cho hai tâm hòa vào làm một. Khi ta thí pháp ở nghĩa địa, ta niệm ‘hai’ một cái, liền có thể đẩy Tâm thức của người chết đã quán tưởng thành Hóa thân Di Đà vào trong Báo thân của Di Đà (Báo thân của Di Đà nói ở đây là chỉ tượng song thân ‘Di Đà’ của Mật tông tay ôm Minh Phi đang thụ hưởng quả báo dâm lạc do quán tưởng thành) để khiến anh ta thành Phật. Khi ta niệm ‘tịch đặc’ một cái, liền có thể đẩy Tâm thức của Báo thân này tiến sâu hơn vào trong Pháp thân của Di Đà (Pháp thân nói ở đây không phải là chỉ Pháp thân của Phật nói trong các kinh Hiển giáo, mà là ‘Pháp thân’ do vọng tưởng của Mật tông tự ý mới phát minh ra) để khiến anh ta chứng nhập cảnh giới quang minh vĩnh hằng của Không tính – cũng gọi là Đại Ngộ hay Niết Bàn” (32-423)
Pháp Thiên thức vọng tưởng như thế mà lại nói có thể khiến cho “Bản thức” của người chết dời chuyển sang thân Phật, tâm Phật, nói rằng có thể khiến cho người chết tức thân thành Phật, thật đúng là vọng tưởng đến cực điểm. Nếu dùng tục ngữ để hình dung, thì có thể gọi nó là “Muốn thành Phật, muốn đến điên cả người!” Thật đúng là pháp dị tưởng nổ tung trời. Bày đặt một cách tùy tiện như vậy, rồi coi đó là pháp thực sự khả thi, coi đó là pháp thực sự có thể thành Phật, vọng tưởng điên rồ như thế mà nói có thể chứng Niết Bàn, có thể Đại Ngộ như Phật cứu cánh, như thế chẳng phải là “lấy tùy tiện làm phương tiện” hay sao? Về hư vọng của pháp Thiên thức, chi tiết xin xem nội dung của chương pháp Thiên thức, ở đây không nhắc lại nữa.
Lại nữa, Tông Khách Ba còn nói thế này:
“Người truyền quán đỉnh thứ tư, thầy nói cho đệ tử nghe rằng: ‘Nay ngươi thân này tu thành Báo thân phụ mẫu kết hợp hình tướng Đẳng chí (Nay ngươi nên quán tưởng cái thân này trở thành Báo thân Phật Phụ Phật Mẫu tay ôm Minh Phi hành ở Đệ tứ hỷ dâm lạc và đang thụ hưởng dâm lạc, kết hợp với tướng của các loại hành vi của Đẳng chí), từ Chân thực nghĩa (vì dâm lạc không có hình sắc và Tâm giác tri hưởng lạc không có hình tướng nên gọi là Không tính, có sự nhận biết về ‘Không tính’ trong cảnh giới dâm lạc này, gọi là chứng biết Chân thực nghĩa) dẫn phát ra Câu sinh diệu trí của Đẳng chí (từ Chân thực nghĩa này mà dẫn sinh ra diệu trí ‘làm thế nào để chứng được Đệ tứ hỷ dâm lạc Câu sinh’ để mà nhất tâm bất loạn). Nhưng như thế chỉ là thắng giải thân là thiên thân (thế nhưng chỉ hiểu rõ được thân Bản tôn quảng đại do quán tưởng mà thành ấy chỉ là thiên thân), không phải là thành Phật thật (còn chưa thành Phật thực sự). Tâm ngươi an trú ở Chân Thực của chư pháp, cũng chỉ là thắng giải tác ý, làm thông đạt từ cửa Tổng tướng, chưa phải là như nước mênh mang, tâm vô phân biệt và có thể thường trụ ở chỗ Chân Thực (đây chỉ là trí tuệ thông đạt Tổng tướng, vẫn chưa phải là hoàn toàn chứng đắc Chân Thực nghĩa, vẫn chưa phải là tâm vô phân biệt và có thể thường trụ trong cảnh giới thắng lạc này). Nhưng tu như thế là Đẳng lưu nhân, nếu có được Chi phần phương tiện tu tập cứu cánh (nếu chứng đầy đủ được ‘các phương pháp làm thế nào tu chứng Đệ tứ hỷ’ và tu tập nó, khiến cho có thể kiên định cứu cánh), không những thắng giải (không những chỉ là sự hiểu biết về mặt lý luận mà thôi), thân anh ta thực sự thành sắc thân Phật (sắc thân tu tập thực sự như thế mà đích thân chứng được mới thực sự là đã trở thành sắc thân của ‘Phật’), tâm và Chân Thực cũng vô phân biệt, an trú mãi mãi. Đó gọi là thành quả của chú. Thất chi đầy đủ, cũng gọi là quán đỉnh thứ tư’. Để hiển rõ song vận, nên đã quảng thuyết đến đây” (21-420).
Tông Khách Ba đồng thời cho rằng có thể dựa vào tà kiến tu chứng dâm lạc Song thân pháp này để thọ ký thành Phật cho người khác:
“Thọ ký, tức là thọ ký xưng tán rằng: ‘Ngươi có thể thông đạt Pháp tính vô phân biệt của Tam giới’. Đó là ý nghĩa câu chú lúc thọ ký, cho nên cần phải giải thích chú nghĩa này: ‘Bổ’ là địa hạ (dưới đất) có đủ quyến thuộc như Phong luân, ‘Bổ phọc’ tức là thế gian trên mặt đất, ‘Sa’ là thiên thú cho đến có đỉnh, ba thứ này là ngươi (thông đạt được), cho nên nói ‘Đương’. Tam muội da chân thực tự tính Tam địa, gọi là Cực hỷ (Địa)...dần dần có thể chứng; Đó là nghĩa của ‘Tam muội da đương bổ bổ phọc sa’. Cuốn ‘Kim Cương mạc’ đệ tứ nói rằng: ‘Ông, ta nay thọ ký ngươi, thoát khỏi ác thú tam hữu, Kim Cương Tâm Như Lai, vì thiện thành chư hữu. Từ nay về sau, ngươi ở địa hạ, địa thượng, siêu địa (chỉ quả vị Địa thứ 11 cho đến Địa thứ 13 của Bồ Tát mà Mật tông tự ý phát minh ra. Từ Địa thứ 11 trở đi gọi là siêu địa), trở thành Kim Cương Như Lai ‘X’ nào đó’ Câu cuối cùng tức là ý nghĩa của Đạt đáp già Tất địa, vì giải thích câu thứ tư là Vô trú Niết Bàn. Câu thứ ba là việc có thể được thọ ký” (21-419).
Như vậy, Mật tông cho rằng người nào có thể tùy ý nâng hạ Minh điểm đến ngũ luân trong Trung mạch mức độ thông đạt (thuần thục) thì tức là Bồ Tát sơ địa. Qua ý văn mà Tông Khách Ba nêu ra thì có thể thấy “Sơ địa của Mật tông” cũng có nghĩa là thành Phật – gọi là Kim Cương Như Lai. Thật đúng là một thứ hư vọng lấy tùy tiện làm phương tiện.
Lại nữa, Tông Khách Ba cho rằng khi quán đỉnh A xà lê, thọ ký cho A xà lê thụ quán đỉnh kia thành Phật, gọi là Kim Cương Như Lai, cũng là những lời lẽ tùy tiện. A xà lê như thế, Kim Cương Như Lai như thế, căn bản còn chưa chứng được Thức thứ tám Như Lai Tạng, hoàn toàn chỉ là phàm phu chưa chứng được Tổng tướng trí của Bát Nhã, còn Biệt tướng trí và Nhất thiết Chủng trí cần phải tu học sau này cũng đều không biết không chứng, mà lại có thể thọ ký là Kim Cương Như Lai, sao có thể gọi là thành Phật được? Tông Khách Ba được Mật tông coi là tu chứng nghiêm mật nhất mà còn tùy tiện như thế, thì các tông phái còn lại cũng có thể hiểu được rồi!
Lại nữa, người chưa chứng được Thức thứ tám Như Lai Tạng, còn chưa thể biết Bát Nhã trí mà các Bồ Tát thất trụ vị chứng được – còn chưa thể đoán mò được vài phần về “Bản lai Tự tính Thanh tịnh Niết Bàn”, thì sao có thể chứng được Vô trú xứ Niết Bàn ở Phật địa cứu cánh mà ngay cả các Bồ Tát chư địa cũng không thể chứng? Mật tông phương tiện thọ ký cho phàm phu thành Phật như thế, thật đúng là một tông phái tùy tiện hết mức, không thể gọi họ là những kẻ có phương tiện thiện xảo được.
Pháp Báo thân thành Phật trong pháp tu song thân của Mật tông lại càng là một thứ lấy tùy tiện làm phương tiện. Ở đây muốn nói rằng cái mà Song thân pháp tu kia thực ra đều là cái tham thô nặng bậc nhất trong Dục giới: vì việc tham cầu hưởng lạc lâu dài bất đoạn trong Đệ tứ hỷ chính là sự tham trước thô nặng nhất trong Dục giới. Sự tham trước như thế chính là thứ mà tất thảy người học Phật đều phải tránh xa, vì phải nghĩ đến việc lìa xa khỏi sự trói buộc của Dục giới. Sự tham trước đó chính là phiền não có tầng thứ thấp nhất, thô nặng nhất của chúng sinh trong Tam giới, là phiền não thô “Dục giới ái trú địa” trong Nhất niệm vô minh, là pháp đầu tiên mà hành giả tu đạo Giải Thoát cần phải đoạn sau khi đã đoạn Ngã kiến. Thế mà nay Mật tông lại dạy người học theo đuổi thứ dâm lạc ở Dục giới này, đồng thời còn cầu mong đạt đến mức lớn nhất, lâu nhất, thậm chí là theo đuổi mãi mãi hưởng thụ thứ dâm lạc này, nói có thể thường trụ trong cơn dâm lạc đó tức là cảnh giới “chứng được Báo thân Phật”, điên đảo thực hành. Với pháp truy cầu Dục giới ái như thế, ngày ngày tu tập (vì Tông Khách Ba nói phải tu Song thân pháp này cả tháng, cả năm, cả kiếp, mỗi ngày phải “tu tám thời”), với pháp tức thân thành Phật như thế mà Mật tông nói là thành Phật đạo, quả thực là đỉnh điểm của việc lấy tùy tiện làm phương tiện.
Pháp đạo của Mật tông, kỳ thực là “thứ vọng tưởng không xả bỏ tham trước dâm dục, lại mong muốn giải thoát luân hồi, muốn thành Phật”. Còn nghĩa khác nữa là: các thày Mật tông sau khi thụ quán đỉnh thứ ba, kỳ thực đã biết tư tưởng gốc rễ của đạo pháp Mật tông ở đâu rồi, nhưng vì đã tu học pháp này, đã nói rộng rãi cho mọi người biết “Mật pháp là pháp môn dành cho người tối thượng thượng căn tu học”, mà nói ra rồi thì khó mà sửa lại. Chính vì nguyên cớ đó, cho nên họ đành tiếp tục tự ngộ ngộ tha[1], không còn mặt mũi nào, cũng không còn sức mà quay lại nữa. Vốn dĩ mình là người tối thượng thượng căn, vậy mà pháp mình tu học lại là thứ mà người tối hạ hạ căn còn chẳng thèm học, thì mặt mũi chui vào chỗ nào đây? Cho nên, lời đã nói ra thì khó mà quay đầu lại được nữa.
Từ lý luận và hành môn “lấy tùy tiện làm phương tiện” đó của Mật tông mà họ đã rộng mời các chúng sinh hiếu lạc dâm dục đi vào Mật tông, để hoằng truyền và ngồi hưởng danh lợi song thu – vừa đẩy chúng sinh vào chỗ họ yêu thích, lại vừa dành được danh văn lợi dưỡng ở thế gian. Chính vì thế mà các thày Mật tông thực sự “vui làm không mệt, vui gì hơn mà không làm” đối với việc này. Từ đạo pháp lấy tùy tiện làm phương tiện này, có thể thấy pháp của Mật tông thực sự rất tà trái hoang đường, không phải là Phật pháp. Qua sự thực này, chúng ta có thể nói rằng: “Trong thế giới Ta Bà này không thể nào tìm thấy thứ tôn giáo nào dâm uế, hoang đường hơn Mật tông nữa”. Trước những lời nói này của tôi, người học Mật tông tại sao không lần lượt tìm chứng cứ trong các Mật kinh, Mật tục để mà suy xét cho thật kỹ đi?
[1] Chú thích của người dịch: “Tự ngộ ngộ tha” là nói mình đã sai lại còn làm người khác sai (ngộ này là sai lầm, trong từ “ngộ nhận”, không phải là giác ngộ).
Lượt xem trang: 0