Phật giáo Tạng truyền thật sự là Giác Nãng Ba, hoằng dương diệu pháp Như Lai Tạng Tha Không Kiến, hoàn toàn phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo. Tứ đại giáo phái Hồng, Hoàng, Hoa, Bạch là Phật giáo Tạng truyền giả, tất cả các pháp nghĩa của họ đều không phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo, cho nên là tà giáo, tà pháp.
Tiết 5: Nội hộ ma
Cuốn “Đại Nhật kinh” do tổ sư nhiều đời thời xưa của Mật tông sáng tác kết tập trường kỳ có nói rằng, hộ ma có hai loại: Nội hộ ma và ngoại hộ ma: “Hộ ma có hai loại, bao gồm nội và ngoại. Nghiệp sinh được giải thoát, lại có mầm giống sinh. Vì có thể đốt nghiệp, nên gọi nội hộ ma. Ngoài dùng có tam vị, tam vị tam trung trụ, thành tựu tam nghiệp đạo, thế gian thắng hộ ma. Nếu làm khác thế này, không hiểu nghiệp hộ ma, kẻ si không đắc quả, xả lìa chân ngôn trí” (“Đại Chính Tạng” Mật giáo bộ 18-32 hạ).
Cái gọi là “nội hộ ma” là đối ngược với nội dung trong Tiết 4, nghĩa là pháp thờ cúng lửa trong tu tứ pháp Tức, Tăng, Hoài, Tru được gọi là “ngoại hộ ma”: “Lại nữa, trong nội tâm, một tính mà có ba. Ba chốn hợp làm một, du kỳ nội hộ ma: Đại từ đại bi tâm, là chỉ pháp Tức tai. Nó kiêm cả phần hỷ, gọi là pháp Tăng ích. Phẫn nộ từ thai tạng, mà tạo các sự nghiệp. Lại nữa, này Bí Mật Chủ! Chỗ nói đến như thế, tùy sự nghiệp tương ứng, theo tín giải đốt thiêu” (“Đại Chính Tạng” Mật giáo bộ 18-43 hạ).
“…Nhãn nhĩ tỵ thiệt thân, cùng với ngữ ý nghiệp, đều từ tâm sinh khởi, nương dựa vào Tâm vương. Nhãn nhĩ…lần lượt sinh, và cảnh giới sắc thanh…, trí tuệ chưa sinh chướng, phong táo hỏa năng diệt, thiêu trừ vọng phân biệt, thành tịnh Bồ Đề tâm, đó là nội hộ ma, do các Bồ Tát nói” (“Đại Chính Tạng” Mật giáo bộ 18-44 thượng).
Cái gọi là “ngoại hộ ma” chính là bốn pháp Tức, Tăng, Hoài, Tru, đều là đốt cháy các vật bên ngoài để cúng “chư Phật Bồ Tát”, “các thiên chúng” và các quỷ thần, La sát, Dạ xoa…Mượn nhờ vào việc đốt các vật đó để cúng dường, rồi các quỷ thần thực hiện các công việc cho hành giả Mật tông, đó gọi là ngoại hộ ma. Như vậy, cái gọi là “nội hộ ma” là bắt chước “pháp thờ lửa” của ngoại hộ ma, làm quán tưởng từ chính tâm của hành giả Mật tông – tưởng bốn pháp Tức, Tăng, Hoài, Tru được thành tựu, rồi tưởng nghiệp chướng, vọng phân biệt…đều bị tiêu diệt, từ đó sinh trí tuệ, thành tựu tịnh Bồ Đề tâm.
Đây đúng là một thứ hư vọng tưởng. Vì sao vậy? Vì pháp quán tưởng chỉ là Nội tướng phần, tuyệt đối không phải là tâm tưởng (nghĩ) bản thân mình đại từ đại bi là có thể Tức tai (tiêu tai), mà bắt buộc phải thực sự hành động đem lại lợi ích cho các oán gia trái chủ bằng các sự việc thật, nhờ đó mà tiêu được oán thù đối với họ, sau đó thì tai họa mới bị tắt diệt. Hoặc đối với nhân của các nghiệp, phải thực hiện các việc để tiêu diệt nghiệp nhân đó, sau đó thì mới có thể tiêu tai, chứ không phải là dựa vào pháp quán tưởng làm hộ ma thì có thể tiêu tai được. Pháp Tức đã như vậy, thì các pháp Tăng, Hoài, Tru cũng y như vậy, đều không phải là dựa vào sự quán tưởng theo ý mình là có thể đạt được mục đích. Cho nên mới nói nội hộ ma của Mật tông chỉ là lối nói của kẻ đầy vọng tưởng.
Lại nữa, theo “Đại Tỳ Lô Giá Na Phật” trong cuốn “Đại Nhật kinh” nêu trên thì: Thông qua pháp quán tưởng để thiêu trừ các nghiệp thân khẩu ý đã tạo từ đời trước và đời này, đồng thời đốt cháy các phân biệt hư vọng. Đó cũng đều là hư vọng tưởng. Ở đây muốn nói giới tội đã phạm thì có thể diệt trừ được bằng pháp sám hối, nhưng nghiệp chủng vẫn là tính tội, bắt buộc phải chịu quả báo thì mới được diệt trừ. Hoặc trong các nghiệp hành thế gian, thực sự đem lại lợi ích cho các oán gia trái chủ - thực sự tiến hành các công việc bù đắp, bồi thường cho oán gia trái chủ, khiến họ không còn oán hận và sinh lòng hoan hỉ, thì sau đó mới có thể diệt được, chứ không phải như các thày Mật tông nói là thông qua pháp quán tưởng là có thể diệt trừ tội được.
Lại nữa, việc diệt trừ các phân biệt hư vọng, phải dựa vào việc thân chứng Nhị thừa Bồ Đề - hiện quan Thập bát giới Không tướng vô Ngã – mới có thể diệt được vọng phân biệt trong tu chứng đạo Giải Thoát. Lại phải dựa vào tu chứng của đạo Phật Bồ Đề – tức là đích thân chứng ngộ Thức thứ tám Như Lai Tạng để lĩnh hội Trung Đạo tính, Niết Bàn tính của nó – thì mới có thể sinh khởi trí tuệ Bát Nhã. Sau khi đã có được trí tuệ Bát Nhã thì mới bắt đầu diệt trừ được vọng phân biệt trong đạo Phật Bồ Đề. “Đại Tỳ Lô Giá Na Phật” trong cuốn “Đại Nhật kinh” của Mật tông thì nói: Muốn dựa nhờ vào quán tưởng “nội hộ ma” để diệt trừ các phân biệt hư vọng, sinh ra trí tuệ. Đó mới là những lời lẽ của kẻ vọng tưởng, tuyệt đối không phải là lời nói của Phật Đại Tỳ Lô Giá Na thật sự. Đó chỉ là do các thượng sư thời xưa của Mật tông sau khi sáng tác tập thể, đã giả danh làm lời nói của Đại Nhật Như Lai. Vì sao vậy? Vì nếu như có Hóa thân Phật xuất hiện ở thế gian, Ngài còn không nói những pháp hư vọng như thế, huống hồ là Tỳ Lô Giá Na Phật của Pháp thân Phật sao có thể thuyết pháp hư vọng này? Tuyệt đối không thể có cái lý ấy! Lại nữa, những gì mà Báo thân Phật nói, thuần là diệu pháp Nhất thiết Chủng trí – trí tuệ của tất cả các chủng tử có trong Như Lai Tạng – thuần chỉ nói về diệu pháp Nhất thiết Chủng trí như Duy Thức, còn không hề nói gì về các pháp của đạo Giải Thoát Nhị thừa và Trung Quán Bát Nhã Đại thừa, huống hồ là thuyết pháp vọng tưởng tà kiến quán tưởng diệt tội “nội hộ ma” này?
Những pháp vọng tưởng như thế đều xuất phát từ miệng của “Đại Tỳ Lô Giá Na Phật” của Mật tông, có thể thấy Đại Tỳ Lô Giá Na Phật trong “Đại Nhật kinh” đó tuyệt đối không phải là Đại Tỳ Lô Giá Na Phật thật sự, mà chỉ là vọng tưởng của chính các thày Mật tông, thác ngôn nói là lời của Tỳ Lô Giá Na Phật. Qua đây cũng có thể chứng minh “Đại Nhật kinh” đó là kinh giả, tuyệt đối không phải là kinh do chính kim khẩu của Phật nói ra. Vì sao vậy? Vì những gì mà “Đại Tỳ Lô Giá Na Phật” trong kinh đó nói đều chỉ là ý nghĩa bề ngoài của Duyên khởi tính không, chứ không thể hiểu được chân nghĩa của Duyên khởi tính không, vì “Đại Tỳ Lô Giá Na Phật” trong kinh đó thực tế không phải là người thực chứng được đạo Giải Thoát, bởi đã hiểu sai về chính nghĩa của đạo Giải Thoát.
Lại nữa, những gì mà “Đại Tỳ Lô Giá Na Phật” trong kinh đó nói cũng không hề chạm đến pháp Như Lai Tạng căn bản Đệ nhất nghĩa đế, mà lại nói Duyên khởi tính không là Không tính của Đệ nhất nghĩa đế. Nói như vậy, còn không bằng người mới Kiến đạo trong Đại thừa (người mới Minh tâm) nói, huống hồ có thể nói bằng Bồ Tát sơ địa đã thông đạt Chủng trí? Đã không biết, cũng không chứng được trí tuệ Bát Nhã mà người mới Kiến đạo trong Đại thừa chứng được, sao có thể tự cao suy tôn rằng đó là Mật pháp vô thượng đến hành giả Hiển giáo cũng không thể biết, không thể học? mà gọi đó là pháp do Tỳ Lô Giá Na Phật của Báo thân Phật thuyết? Thật là điên đảo đến cùng cực! Vì thế, pháp nội hộ ma của Mật tông không đáng tin, bởi lẽ về bản chất hoàn toàn chỉ là hư vọng tưởng mà thôi.
Lượt xem trang: 0