Phật giáo Tạng truyền thật sự là Giác Nãng Ba, hoằng dương diệu pháp Như Lai Tạng Tha Không Kiến, hoàn toàn phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo. Tứ đại giáo phái Hồng, Hoàng, Hoa, Bạch là Phật giáo Tạng truyền giả, tất cả các pháp nghĩa của họ đều không phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo, cho nên là tà giáo, tà pháp.
Tiết 4: Mật tông vọng nhận Tâm giác tri là Pháp thân
Người trong Mật tông còn vọng nhận các pháp như Tâm giác tri là Pháp thân, không hề đoạn Ngã kiến mà tự nói có thể đoạn tình chấp. Chuyện này không phải chỉ xảy ra ở các thày Mật tông thời xưa mà các thày Mật tông thời nay cũng vẫn vậy. Như hai vị Trần Thuần Long và Đinh Quang Văn từng nói trên mạng: “…Vũ trụ vạn hữu ở bên ngoài và thân tâm ‘Tâm liễu tri, Ngã kiến, Vọng tưởng’ ở bên trong tất cả đều là Pháp thân, thuận theo tự nhiên của nó mà lưu hành (vận hành), vô trụ sinh tâm, tất cả tại chỗ đều là vậy, không có lời nói thứ hai. Thậm chí đến cả chữ “vâng (đúng)” cũng không thể có, đồng thời là cái này lại lìa cái này. Vì sao lại nói lìa cái này? Kỳ thực, thấy núi vẫn là núi, thấy sông vẫn là sông, chỉ là mất đi tình chấp mà thôi”. (226-6)
Đó hoàn toàn là ngoại đạo đeo bám (đội lốt) Phật pháp nhưng không hiểu gì về Phật pháp cả. Thông thường mà nói, những người thực sự dụng tâm học tập Phật pháp, trong vòng hai năm bắt đầu từ khi học Phật, tức đã hiểu rõ tính hư vọng của Ngũ âm Thập bát giới rồi. Nay trong đoạn văn ví dụ này, có thể thấy hai vị Trần Thuần Long và Đinh Quang Văn rõ ràng còn chưa học qua Phật pháp cơ bản, cho nên mới rơi vào nhận thức của dân gian thế tục.
Mỗi người thế tục đều cho rằng “Tâm liễu tri, Ngã kiến, Vọng tưởng” chính là cái Ngã vĩnh hằng bất diệt – tức là nó chuyển sinh từ kiếp trước mà đến, sau này có thể vãng sinh đến kiếp sau. Thế nhưng, trong chư kinh Tứ A Hàm ở Pháp luân thời thứ nhất (Sơ chuyển Pháp luân), Phật đã sớm nói chúng là pháp thuộc về Ngũ âm Thập bát giới, nói “Pháp Ngũ âm Thập bát giới hư vọng vô thường, đều là pháp duyên sinh duyên diệt, không thể ái lạc”. Phật còn tuyên thuyết nhiều lần cho các đệ tử rằng: “Nếu như người ta có thể đoạn Ngã kiến, tức thành Sơ quả Thanh Văn, đoạn Tam phọc kết thì dự nhập vào hàng Thánh. Nếu như người nào có thể tu đoạn Tự ngã chấp trước trong Ngũ âm Thập bát giới, vào lúc xả thọ mà diệt trừ Tự ngã, thì không còn tái sinh, thì không còn Ngũ âm Thập bát giới hiện hành ở đời sau, đó gọi là Niết Bàn vô dư, thoát lìa khỏi nỗi khổ sinh tử trong Tam giới”.
“Tâm liễu tri, Ngã kiến, Vọng tưởng” mà hai vị Trần Thuần Long và Đinh Quang Văn nói chỉ là nội dung hàm nhiếp trong Ngũ âm Thập bát giới, đều là pháp mà các hành giả Thanh Văn muốn chứng quả Giải thoát cần phải đoạn trừ. Nay hai vị Trần Thuần Long và Đinh Quang Văn còn chưa hiểu chút gì về chính lý của đạo Giải Thoát của Tiểu thừa, sau khi đọc chính lý viết trong cuốn “Tà kiến và Phật pháp” của tôi, đã không chịu khiêm tốn kiểm điểm đúng sai về mặt pháp nghĩa, lại còn lên mạng dẫn dắt sai lầm chúng sinh, giảo biện rằng “ Cái ‘Tâm liễu tri, Ngã kiến, Vọng tưởng’ tất cả đều là Pháp thân”, chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi quả báo nặng trong kiếp sau. Phật Thế Tôn từng nói “kẻ đem pháp ngoại đạo vào trong Phật pháp, tất đọa địa ngục”, ghi trong “Phật Tạng Kinh”, đến nay vẫn có thể khảo chứng. Tôi nay nói trước cho họ biết, đừng để đến lúc xả thọ thì chửi tôi đã không nói rõ từ trước.
Lại nữa, pháp Đại thừa cũng không hề nói: “ ‘Tâm liễu tri, Ngã kiến, Vọng tưởng’ tất cả đều là Pháp thân”, ngược lại, chỗ nào cũng phá tan sự hư vọng của Liễu tri tâm, chỗ nào cũng nói Ngã kiến là ngoại đạo kiến, chỗ nào cũng bảo người ta phải đoạn trừ vọng tưởng. Cho nên, đó hoàn toàn là những lời nói của “Hư vọng Duy Thức môn”. Trong “Kinh Lăng Già”, Phật đã phá các loại “vọng tưởng” như là “Liễu tri tâm, Ngã kiến” với phân lượng (chương tiết) chiếm một nửa. Như các bộ kinh trong “Kinh Bát Nhã”, chỗ nào cũng phá Liễu tri tâm, nói đó là phần hàm nhiếp trong Ngã kiến và Ngã chấp, thuộc Thập bát giới, cần phải đoạn trừ nó. Đồng thời còn nói Liễu tri tâm là pháp mà các thường kiến ngoại đạo hay rơi vào, còn những người học Tam thừa đều phải vĩnh viễn đoạn trừ đi. Thậm chí, ngay khi Phật vừa giáng sinh ở nhân gian, đã đi bộ bảy bước, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất mà nói rằng: “Kỳ thay! Tất cả chúng sinh đều có Đức tướng trí tuệ, chỉ vì vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng đắc”. Vừa sinh ra ở nhân gian đã phá ngay vọng tưởng của chúng sinh, trong 49 năm sau khi thành Phật cũng lại không ngừng phá vọng tưởng của chúng sinh, nói việc luân hồi sinh tử của chúng sinh đều là do vọng tưởng gây ra, vậy thì vì sao hai vị Trần Thuần Long và Đinh Quang Văn lại có thể đem vọng tưởng của tà kiến ngoại đạo đó nói là Phật pháp? dùng để dẫn dắt sai lầm chúng sinh?
Lại nữa, Bồ Tát ra sức cầu thành Phật để quảng lợi chúng sinh, vì thế mà không đoạn trừ Liễu tri tâm (Ý thức) và Tư lượng tâm (Mạt Na) của đời sau, đời đời kiếp kiếp theo Phật tu học, tự độ độ tha, sau ba đại vô lượng kiếp mới có thể thành Phật. Thế nhưng chư vị Bồ Tát đều phải đoạn trừ Ngã kiến và tất cả các tác ý bất như lý trước – xác nhận ‘Tâm liễu tri, Ngã kiến, Vọng tưởng’ tất cả đều là pháp hư vọng; cho đến đoạn trừ cả Ngã chấp – tức không còn chút chấp trước tơ hào nào đối với ‘Tâm liễu tri, Ngã kiến, Vọng tưởng’, thành tựu quả Giải thoát, sau đó phát nguyện thụ sinh – không thủ chứng Niết Bàn vô dư mà tái sinh ở nhân gian, tự độ độ tha, trường kiếp cần khổ để sau thành Phật. Trong tất cả các thân hành, khẩu hành tự độ độ tha đó, đều phải dạy người học Phật đoạn trừ Ngã kiến và Ngã chấp, bởi Ngã kiến và Ngã chấp là cội nguồn luân hồi của chúng sinh. Đó là pháp mà đạo Giải thoát bắt buộc phải tu đoạn, chứ đâu có như hai vị Trần Thuần Long và Đinh Quang Văn trên mạng công khai dạy người ta không cần phải đoạn trừ Ngã kiến, Ngã chấp và vọng tưởng? Có thể thấy hai người đó hoàn toàn không hiểu gì về Phật pháp vậy. Lại nữa, cái “vọng tưởng” nói trong các kinh gọi là tà tư “tác ý bất như lý”, không phải là tác tưởng có ngôn ngữ văn tự. Tất cả mọi người học Phật đều nên biết điều này.
Chư Phật Bồ Tát từ việc tác ý như lý đối với Không tướng Uẩn Xứ Giới, cho đến tác ý như lý đối với Thực tướng Pháp giới, sau khi đoạn trừ Ngã kiến và Ngã chấp, thực chứng giải thoát, muốn để chúng sinh cũng có thể chứng quả Giải thoát giống như mình – xác nhận “Tâm liễu tri, Ngã kiến, Vọng tưởng” tất cả đều là pháp hư vọng, cho nên mới xuất thế (ra đời) để tuyên thuyết về đạo đoạn trừ Ngã kiến và Ngã chấp, gọi là đạo Giải Thoát. Chúng sinh nếu chứng được đạo Giải Thoát rồi, lại hồi tâm về Đại thừa mà chứng đạo Phật Bồ Đề, cho nên mới lại tuyên thuyết Tổng tướng, Biệt tướng của Bát Nhã cho chúng sinh, tức là các pháp “Trung Đạo tính” của Như Lai Tạng giảng trong chư kinh Bát Nhã. Chúng sinh sau khi chứng được Tổng tướng, Biệt tướng của Bát Nhã, chư Phật Bồ Tát lại tiếp tục tuyên thuyết về Cứu cánh nghĩa của Bát Nhã, tức là giảng Nhất thiết chủng trí trong các kinh Duy Thức của Tam chuyển Pháp luân – Duy Thức Tăng thượng huệ học. Trong Duy Thức học lại giảng về đạo Thập địa tu học thành Phật cho các Bồ Tát. Phật pháp như thế mới được gọi là đầy đủ. Sau đó, ngộ nhập Tứ pháp bằng khai thị “Kinh Pháp Hoa” và nhiều vị Như Lai thị hiện để chứng thành. Trước khi nhập diệt lại nhãn kiến Phật tính bằng “Kinh Đại Bát Niết Bàn” để hoàn thành viên mãn toàn bộ quá trình hoằng pháp một đời ở nhân gian của Phật Đà, nhập vào Đại Bát Biết Bàn – là cảnh giới Báo thân Phật, Pháp thân Phật bất sinh bất diệt không thể nghĩ bàn.
Như vậy, tất cả chư Phật ba đời mười phương đều lấy việc dạy người đoạn trừ Ngã kiến làm đầu, sau đó mới cầu chứng Phật Bồ Đề trí. Các Bồ Tát ba đời mười phương cũng dạy chúng sinh đoạn Ngã kiến trước, sau đó tiến cầu Phật Bồ Đề trí, tuyệt không có ai dạy người “xác nhận ‘Tâm liễu tri, Ngã kiến, Vọng tưởng’ là Pháp thân”. Đó là những kẻ không đoạn Ngã kiến, không những không thể chứng được đạo Giải Thoát Nhị thừa, mà còn mãi mãi tuyệt duyên với đạo Phật Bồ Đề. Cho nên, tất cả chư Phật Bồ Tát ba đời mười phương độ hóa chúng sinh, đều lấy việc dạy chúng sinh đoạn trừ Ngã kiến làm đầu, không có ai dạy người không đoạn Ngã kiến cả.
Lại nữa, tất cả chư Phật Bồ Tát ba đời mười phương khi Bồ Tát cấp dưới tu học Chủng trí, cố nhiên khai thị Thất chuyển thức quả thực cũng là Tự tính cục bộ (một phần) của Tự tâm Như Lai Tạng, nguyên nhân thực sự là muốn chư Bồ Tát không thủ chứng Niết Bàn vô dư mà phát nguyện thụ sinh, tận vị lại tế lợi ích hữu tình, vì thế vẫn phải tuyên thị cái lý hư vọng của “Tâm liễu tri, Ngã kiến, Vọng tưởng” của Thức thứ sáu, Thức thứ bảy để cho người học chứng biết, sau đó có thể chuyển y vào thể tính của Như Lai Tạng, không hề có chuyện không cần đoạn trừ Ngã kiến Liễu tri tâm, không hề có chuyện không phải đoạn trừ vọng tưởng tác ý bất như lý. Đạo Giải Thoát đơn giản dễ hiểu là vậy, thâm sâu như tu học Chủng trí Duy Thức, trung bình như tu học Tổng tướng trí, Biệt tướng trí của Bát Nhã, nông cạn như tu học đạo Giải Thoát của Nhị thừa, đều buộc phải bắt tay từ việc tu đoạn trừ Ngã kiến, đó là nhận thức chung của tất cả những người tu học Phật pháp Tam thừa trong giới Phật giáo. Tất cả những người không thể thực chứng được đạo Giải Thoát của Nhị thừa và tất cả những người không thể thực chứng được trí tuệ Bát Nhã của Đại thừa đều là do không đoạn được Ngã chấp gây ra – chấp Tâm giác tri, Tâm liễu tri là pháp thường hằng bất hoại, rơi đúng vào trong Ngã kiến, gọi là vọng tưởng Ngã kiến của phàm phu.
Người nào muốn chứng Pháp thân – Tự tâm Như Lai Tạng, trước hết bắt buộc phải đoạn Ngã kiến (bắt buộc trước hết phải đoạn cái tà kiến ‘Tâm liễu tri thường và bất hoại’). Sau khi đoạn trừ được Ngã kiến, thì mới có thể dùng Tâm liễu tri đã biết mình hư vọng để tìm lấy cái Tâm chân thực Như Lai Tạng thường trụ bất hoại – Thức thứ tám A Lại Da thức. Nếu như cho rằng Tâm liễu tri là Pháp thân chân thực thường trụ, thì chắc chắn không thể khởi thêm một cái niệm muốn tìm Thức thứ tám Chân Tâm khác, thì vĩnh viễn không thể nào chứng được Thức thứ tám Như Lai Tạng, mãi mãi bị Tâm liễu tri vọng tưởng Ngã kiến của phàm phu làm chướng ngại, mãi mãi chỉ đứng bên ngoài Phật pháp Tam thừa. Nếu như có ai đó muốn bắt chước học theo tà kiến của hai vị Trần Thuần Long và Đinh Quang Văn, không đoạn Ngã kiến mà cầu chứng Pháp thân trong Phật đạo, thì sẽ trở thành kẻ hoàn toàn không hiểu gì về Phật pháp, gọi là ngoại đạo cầu pháp ngoài Tâm, vì đứng ngoài Tự tâm Như Lai Tạng mà cầu Phật pháp trong Tâm liễu tri sinh diệt biến dị vô thường.
Không chứng được Thức thứ tám Pháp thân mà lại chủ trương “Thân tâm ‘Tâm liễu tri, Ngã kiến, Vọng tưởng’ tất cả đều là Pháp thân, thuận theo tự nhiên của nó mà vận hành”, đó là hành vi lưu chuyển sinh tử của người thế tục và ngoại đạo, bởi thuận theo ‘Tâm liễu tri, Ngã kiến, Vọng tưởng’ mà vận hành như thế chính là pháp lưu chuyển sinh tử của phàm phu. Người mà Ngã kiến không đoạn thì mãi mãi không thể nào “Vô trụ sinh tâm”, bởi nhất định sẽ thuận theo ‘Tâm liễu tri, Ngã kiến, Vọng tưởng’ mà lưu chuyển, nhất định sẽ thuận theo pháp Lục trần thế gian mà sinh tử luân hồi, vĩnh viễn không biết Pháp thân thực sự là gì, vĩnh viễn không biết chính nghĩa Bát Nhã là gì, bởi ‘Tâm liễu tri, Ngã kiến, Vọng tưởng’ từ vô lượng kiếp đến nay vẫn đều không thể “vô trụ sinh tâm”, mãi mãi không thể nào “cùng tồn tại với các pháp hữu vi như pháp Lục trần hoặc Định cảnh pháp trần, nhưng ở trong đó lại lìa xa mà sinh các tâm” giống như Thức thứ tám Chân Tâm, bởi ‘Tâm liễu tri, Ngã kiến, Vọng tưởng’ vẫn luôn trụ trong các pháp hữu vi như pháp Lục trần hoặc Định cảnh pháp trần mà sinh các tâm.
Ngã kiến không đoạn thì chắc chắn không thể tiến tới đoạn trừ Ngã chấp được. Ngã chấp không đoạn thì chắc chắc không thể đoạn tình chấp, vì tình chấp phải dựa vào Ngã chấp mới được sinh ra, Ngã chấp lại dựa vào Ngã kiến mới được sinh ra. Cho nên, tất cả những người tu học Phật pháp mà cầu thực chứng, đều phải đoạn trừ Ngã kiến trước, không có ai không đoạn Ngã kiến mà có thể thực chứng Phật pháp cả. Nay đưa tà kiến của ngoại đạo Mật tông như Trần Thuần Long và Đinh Quang Văn ra làm ví dụ, biện chính như thế để các Phật tử dễ hiểu về tu chứng trong Phật đạo, cũng để hai kẻ ngoại đạo kia tự biết sai lầm của mình, mới có cơ hội tu sửa tà kiến của mình, quay về với chính pháp, đó cũng là ý nghĩa của Pháp thí vậy.
Những người Mật tông vọng cho rằng Tâm giác tri vô niệm và hữu niệm là Như Lai Tạng, vọng cho rằng Như Lai Tạng có tri giác, chứng tỏ các thượng sư Mật tông kiểu đó đều rơi vào trong cảnh giới Ý thức. Đó là những người đó đều không thể chứng được Như Lai Tạng, cho nên giảo biện rằng Tâm ý thức là Như Lai Tạng, ra sức biện luận rằng Như Lai Tạng có giác có tri. Như hai vị Trần Thuần Long và Đinh Quang Văn viết rằng: “…cho nên có một số người hiểu sai nhập định vô tri giác thành “Như Lai Tạng bất tự giác ‘tự chứng Niết Bàn’, Như Lai Tạng không có kiến văn giác tri”, lấy đó để công kích “kiến văn giác tri” là thường kiến ngoại đạo. Đây thuần túy là đảo kinh giải nghĩa, kẻ mù dắt đám mù, cùng dắt nhau xuống hố lửa, đem “vô, phi, bất…” trong kinh Phật giải nghĩa sai thành “tuyệt đối vô”. Những người này đem lời khai thị của tổ sư Thiền tông “biết nó một chữ là cửa của các họa” giải thích sai thành Như Lai Tạng không có kiến văn giác tri. Kỳ thực, Phật tính, thanh tịnh Như Lai Tạng không chỗ nào không bao hàm, có đầy đủ “vũ trụ vạn hữu ở bên ngoài và thân, tâm ‘Tâm liễu tri, Ngã kiến, Vọng tưởng’ ở bên trong tất cả đều là Pháp thân, thuận theo tự nhiên của nó mà lưu hành (vận hành), vô trụ sinh tâm, tất cả tại chỗ đều là vậy, không có lời nói thứ hai””. (226-7)
Hai vị Trần Thuần Long và Đinh Quang Văn nói những lời đó trên mạng xã hội, đó gọi là cấy tang vật trước, vu cáo người sau. Đó là vì tôi vẫn luôn phủ định Tâm vô niệm linh tri, Tâm ly niệm linh tri của Mật tông, trong các cuốn sách cũng vẫn luôn phủ định các đại sư ngộ nhầm coi cảnh giới nhập định vô tri giác là chứng ngộ (chi tiết xem các cuốn sách “Biện chính Thực tướng sinh mệnh”, “Hộ pháp tập”…của tôi). Cái mà tôi hướng dẫn các bạn đồng tu chứng ngộ là ngay khi kiến văn giác tri hiện tiền rõ ràng thì tìm kiếm lấy cái Như Lai Tạng lìa kiến văn giác tri – hiện tiền chiếu kiến “Ý thức kiến văn giác tri và Như Lai Tạng lìa kiến văn giác tri đồng thời vận hành”, chứ không phải là coi cảnh giới nhập định vô tri giác là cảnh giới chứng ngộ. Như vậy, hai vị Trần Thuần Long và Đinh Quang Văn chưa từng đọc các trước tác của tôi, hiểu sai ý tôi mà vọng trách, đó gọi là những kẻ cấy tang vật trước, vu cáo người sau, đúng là những kẻ vô trách nhiệm.
Lại nữa, Như Lai Tạng tuy lìa kiến văn giác tri, nhưng không phải là “tuyệt đối vô” như hai vị Trần Thuần Long và Đinh Quang Văn đã nói. Cái Như Lai Tạng mà tôi hướng dẫn các vị đồng tu chứng ngộ đều là lìa kiến văn giác tri mà tùy duyên thuận vật, đều là có tính dụng của nó – hơn nữa là tính dụng cực kỳ quan trọng – đó không phải là thứ mà hai vị Trần Thuần Long và Đinh Quang Văn nằm mơ mà biết được. Như Lai Tạng tuy lìa kiến văn giác tri nhưng nó có tính dụng quan trọng, tất cả mọi người đều không thể rời nó một giây, trong tiềm ý thức vẫn vô cùng lo sợ rằng tính dụng của Tâm này sẽ bị mất đi, mà cái này thì duy chỉ các đồng tu đã chứng ngộ của tôi mới có thể chứng biết. Hai vị Trần Thuần Long và Đinh Quang Văn không biết điều này, cho nên mới chấp rằng “Tâm liễu tri, Ngã kiến, Vọng tưởng tất cả đều là Pháp thân”, vì thế không chịu thừa nhận ngay khi “Tâm liễu tri, Ngã kiến, Vọng tưởng” đang tồn tại đây thì đồng thời có một cái Như Lai Tạng lìa kiến văn giác tri cũng song hành vận tác. Hai vị đó đúng là những kẻ “hàng ngày dùng mà không biết” như lời các tổ sư Thiền tông nói. Họ đã không biết gì về Như Lai Tạng mà chúng tôi đã chứng được, lại vọng vu cho tôi coi cảnh giới nhập định vô tri giác là chứng ngộ. Việc nhận nhầm Ý thức “Tâm liễu tri, Ngã kiến, Vọng tưởng” là Thức thứ tám Pháp thân như vậy là rơi đúng vào thường kiến ngoại đạo kiến mà Phật hằng phá bỏ, lại còn vu oan trách nhầm tôi, đúng là những “kẻ vừa ăn cắp vừa la làng”, thật là những kẻ giỏi nghề điên đảo thị phi.
Nay hai người họ tự phơi bày sở đoản của mình trên mạng, công khai thừa nhận Chân Tâm Pháp thân “ngộ” được là “Tâm liễu tri, Ngã kiến, Vọng tưởng”, công khai thừa nhận vẫn chưa chứng được “Như Lai Tạng đồng thời vận hành cùng lúc với Tâm giác tri”, và nhận Ý thức “Tâm liễu tri, Ngã kiến, Vọng tưởng” là Pháp thân Chân Tâm, tự lộ nhận thức yếu kém, vô trí đến mức độ này, thì sao có thể gọi là người học Phật được? Bởi những người học Phật thật đều biết “Tâm liễu tri, Ngã kiến, Vọng tưởng” chỉ là Ý thức mà thôi.
Giả sử như “Tâm liễu tri, Ngã kiến, Vọng tưởng” là Pháp thân Chân Tâm, không phải là Ý thức thì đáng lý ra chúng sinh trước khi ngộ đã chứng được Pháp thân rồi, không cần gì phải vất vả học Phật cầu khai ngộ làm gì. Nếu Tâm giác tri không phải là Ý thức, mà là Như Lai Tạng, thì chúng sinh không có Ý thức, chỉ có Như Lai Tạng, vì Như Lai Tạng có giác tri, không cần phải có thêm Ý thức để giác tri (nhận biết) các pháp nữa. Thế nhưng, trong các kinh đều nói Như Lai Tạng lìa kiến văn giác tri, chứ không hề nói Như Lai Tạng có nhận biết về Lục trần trong Tam giới cả.
Nếu Ý thức có giác tri hiểu biết về Lục trần trong Tam giới mà Như Lai Tạng cũng có giác tri như vậy, thì tất cả hữu tình nhân gian đều có tới hai Tâm giác tri đồng thời xuất hiện và vận hành, sẽ có tới hai Tâm giác tri cùng lúc tư duy về các pháp, thì tất cả hữu tình đều đồng thời nghe hai thầy thuyết pháp, đồng thời lĩnh thụ các pháp mà hai thầy nói, cũng có thể ngay lúc nghe đó, đồng thời tư duy pháp của hai thầy đó là chính hay tà. Thế nhưng, hiện kiến thấy tất cả mọi hữu tình nhân gian thực tế đều không phải là có hai Tâm giác tri đồng thời hiện hành vận tác, vì tất cả hữu tình nhân gian đều chỉ có một Ý thức (một Tâm giác tri) mà thôi. Cho nên, hai vị Trần Thuần Long và Đinh Quang Văn chủ trương Như Lai Tạng có giác tri, tiến thoái đều không có chứng cứ, thật đúng là vọng thuyết (nói láo).
Lại nữa, (sự thực) Như Lai Tạng lìa kiến văn giác tri, Phật đều khai thị lý này nhiều lần rải rác trong các kinh Tam thừa, ngôn từ dùng nhiều không kể xiết, chứ không phải là chưa từng nghe nói. Chư Bồ Tát cũng tuyên thuyết nhiều lần như thế, không phải là chưa từng nói, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến “Kinh Duy Ma Cật”. Các kinh Duy Thức cũng nói đi nói lại nhiều lần đạo lý Như Lai Tạng lìa kiến văn giác tri. Không chỉ Phật nói như vậy, các vị Bồ Tát cũng dị khẩu đồng thanh mà nói vậy, như “Du Già sư địa luận” của Bồ Tát Di Lặc, “Hiển dương Thánh giáo luận” và “Nhiếp Đại thừa luận” của Bồ Tát Vô Trước, như “Duy Thức tam thập tụng” của Bồ Tát Thế Thân, “Thành Duy Thức luận” của Bồ Tát Huyền Trang, “Duy Thức thuật ký” của Bồ Tát Khuy Cơ…nhiều không kể hết. Tôi nay cũng nói như vậy, không có ý khác so với ban đầu.
Hai vị Trần Thuần Long và Đinh Quang Văn nhất tâm học Mật tu Mật, đều thực hành theo tri kiến sai lầm trong Mật tục, không chịu đọc các kinh luận Hiển giáo, lại cũng không chịu học thiền, tham cứu Thức thứ tám Như Lai Tạng của mình ở đâu? Còn không chịu đọc các luận do chư Bồ Tát Hiển giáo viết, vọng nói Phật chưa từng nói vậy, vọng nói chư Bồ Tát cũng chưa từng nói vậy, lại còn quay sang chỉ trích tôi giải sai ý kinh, ngu si đến mức đó, nhưng lại tự cho rằng mình “có lực có trí”, đứng ra biện hộ cho thường kiến ngoại đạo kiến của Mật tông, thật chưa từng có. Như vậy, các đại sư, pháp vương, Phật sống của Mật tông đều không dám đứng ra biện hộ, thế mà hai vị ấy đã không biết Tâm ý thức là cái gì, lại dám đứng ra biện hộ thay cho thường kiến ngoại đạo kiến của Mật tông, thật đúng là những kẻ vô trí. Người ngu si như thế, không phải bây giờ mới có, mà ngay thời Phật tại thế cũng có rất nhiều rồi, vì thế mà trong kinh vẫn thường thấy nói đến các ngoại đạo này nọ…, bị Phật trách mắng, nói là “những kẻ ngu si”. Trong Mật tông nếu có người có trí tuệ thì lẽ ra không nên tự phơi bày sở đoản của mình ra như vậy.
Tổ sư Thiền tông không chỉ khai thị “biết nó một chữ là cửa của các họa” mà còn khai thị rằng “biết nó một chữ là cửa giải thoát”, thậm chí còn nói trắng ra rằng: “phải là không lìa kiến văn giác tri, tức là có cái đáy (nền) lìa kiến văn giác tri, chứ không phải là nằm lỳ trên giường mắt nhắm mắt mở hô là lìa kiến văn giác tri”. Nghĩa là phải dùng cái thể tính có thể giác tri và có thể quan sát của Tâm kiến văn giác tri để đi tìm một cái Tâm lìa kiến văn giác tri đang đồng thời tồn tại – Tâm thức thứ sáu kiến văn giác tri và Tâm thức thứ tám lìa kiến văn giác tri đồng thời tồn tại vận hành không trái nghịch - việc tham Thiền như thế mới là chính tri chính kiến trong Thiền tông; chứng được cái Tâm thức thứ tám lìa kiến văn giác tri đang đồng thời tồn tại với Thức thứ sáu Tâm giác tri như thế mới là chứng ngộ thực sự trong Phật pháp.
Nay hai vị Trần Thuần Long và Đinh Quang Văn đã không biết lời khai thị phơi bày rõ rệt của tổ sư Thiền tông, mà lại vọng nhận Tâm ý thức giác tri là Như Lai Tạng - là cái tri kiến mà các tổ sư chân ngộ đều cùng nhau phá bỏ, lại còn vọng thuyết Như Lai Tạng có kiến văn giác tri, vừa không hiểu biết về kinh giáo, lại không có Kiến địa thân chứng Như Lai Tạng. Tri kiến của họ nông cạn đến mức độ đó, sao có thể ra đời mà hoằng “Phật pháp” đây? Sao có thể đứng ra mà biện giải hộ cho Mật tông đây? Lẽ nào Mật tông quả thực không có người hiểu biết hay sao mà lại phải nhờ đến những người tri kiến thô thiển như hai vị đó đứng ra biện hộ? Thật khiến người ta khó hiểu!
Hai người họ còn thừa nhận phải đoạn phiền não Sở tri chướng, tức là tự mình mâu thuẫn với chính lời nói của mình: “…Kỳ thực, “thành Phật là phải đoạn trừ vĩnh viễn Phiền não chướng, Sở tri chướng”, đây cũng là chỗ tư tưởng thường tính vĩnh trụ “Như Lai Tạng, Phật tính” sẽ ra đời. Cũng khiến cho đông đảo tín đồ Phật giáo tu hành mới cảm thấy có ý nghĩa, nếu không dù có thành Phật cũng sẽ vô thường, mọi người lẽ nào chẳng phải uổng công một trận hay sao?” (226-5)
Hai người họ quả thực không đủ tư cách để nói những câu này, bởi ở đây nói Phật dạy đoạn Phiền não chướng là chỉ sự Kiến đạo của pháp Thanh Văn, do thông với Đại thừa, cho nên Bồ Tát cũng phải cầu đoạn Phiền não chướng. Hai vị ấy hoàn toàn không biết nội hàm ý nghĩa của việc đoạn trừ Phiền não chướng. Cần biết rằng, Kiến đạo đoạn trừ Phiền não chướng tức là xác nhận “Tâm liễu tri, Ngã kiến, Vọng tưởng” là pháp hư vọng, xác nhận “Tâm liễu tri” tức là Tâm ý thức – chính là “Thường bất hoại Ngã” mà thường kiến ngoại đạo chấp trước. Lời khai thị của Phật như thế trong các kinh điển Tam thừa, đâu đâu cũng có, đặc nhiều thấy nhiều nhất trong hơn ngàn bộ kinh của Tứ A Hàm. Hai vị Trần Thuần Long và Đinh Quang Văn hoàn toàn không biết chút gì, chứng tỏ họ thiếu khuyết tri kiến Phật pháp một cách trầm trọng.
Hai người họ có nói phải đoạn trừ Sở tri chướng, thế nhưng việc đoạn trừ Sở tri chướng, nội dung Kiến đạo của nó chính là thân chứng Thức thứ tám Như Lai Tạng. Từ “thân chứng” là nói cái Như Lai Tạng chứng được đó bắt buộc phải hoàn toàn khớp với nội dung của các kinh Bát Nhã, cũng bắt buộc phải hoàn toàn phù hợp với nội dung các kinh Duy Thức trong Tam chuyển Pháp luân, cũng bắt buộc phải hoàn toàn phù hợp với luận ý của các Bồ Tát, cũng bắt buộc phải hoàn toàn phù hợp với nội dung các kinh A Hàm trong Sơ chuyển Pháp luân. Thế nhưng, “Tâm liễu tri, Ngã kiến, Vọng tưởng” mà hai vị Trần Thuần Long và Đinh Quang Văn nói đó chính là Ý thức nói trong các kinh các luận, thế mà lại lên mạng công khai lừa dối những người học Phật sơ cơ và các hành giả Mật tông, vọng thuyết Tâm liễu tri ý thức là Pháp thân Chân Như, tức biến Pháp thân Chân Như thành pháp hư vọng sinh diệt, như thế sao có thể nói là Phật pháp được? Những người hành xử trái giáo trái lý như thế, hoàn toàn không biết không chứng Như Lai Tạng, lại dám cả vú lấp miệng em, giảo biện Tâm ý thức là Pháp thân Chân Như, hoàn toàn không biết đoạn Sở tri chướng để chứng đắc Thức thứ tám Như Lai Tạng là cốt yếu nhập môn, thật đúng là những người vô trí.
Ngoài hai vị Trần Thuần Long và Đinh Quang Văn đó ra, các đại sư Mật tông còn coi Minh Phi trong Song thân pháp do quán tưởng mà thành và Tâm giác tri thụ lạc là pháp bình đẳng của chúng sinh, chứ không coi Thức thứ tám là pháp bình đẳng của chúng sinh. Ví dụ như Tông Khách Ba nói: “…Cho nên nếu không tu pháp Mạn đà la thật là định lượng, thì khó có đủ những điều cốt yếu của Tất địa trong tu chứng Sinh khởi thứ đệ. Chiêu nhập Tát Đỏa trí tuệ (Tát Đỏa trí tuệ là chỉ Minh Phi tưởng tượng ra trong quán tưởng Song thân pháp, hoặc là Minh Phi đã từng hợp tu Song thân pháp thực tế và đã chứng đắc Lạc Không song vận), như Nhiếp chân thực kinh nói: ‘Mắt của Tam muội da tôn và mắt của Trí tuệ tôn, thấp đến cực vi, đều nên hợp tạp không khác biệt. Cho nên kiên cố thắng giải bình đẳng một vị như nhau’. Giáo thụ huệ nói: ‘Thắng giải pháp đồng thể với tất cả Như Lai như thế là tín giải Bình đẳng tính của nó. Có lúc thắng giải pháp đồng thể với tất cả chúng sinh, là thông đạt Tự tính thanh tịnh Chân Như tương đồng. Cho nên Tát Đỏa trí tuệ nối nhau sinh ra ở Tự tâm (Minh Phi trong Song thân pháp mà chính mình quán tưởng xuất hiện ra đó) cần tín giải là một thể, cũng nên sinh khởi tín giải Bình đẳng tính ở trí tuệ của người khác’”. (21-522, 523)
Trong đoạn khai thị này của Tông Khách Ba đã chỉ ra rõ ràng “chứng lượng” của Tông Khách Ba. Ở đây, Tông Khách Ba cho rằng: “Bản tôn Phật Phụ Phật Mẫu song thân giao hợp do mình quán tưởng ra, kỳ thực tức là Tâm giác tri của mình nó có thể quán tưởng, cái tượng song thân được quán tưởng ra và cái Tâm giác tri có khả năng quán tưởng được đó, hai thứ không hai không khác”. Tông Khách Ba còn dạy người ta nên tư duy thế này: “Tát Đỏa trí tuệ do tất cả hữu tình quán tưởng ra (Bản tông và Minh Phi trong Song thân pháp do người khác quán tưởng xuất hiện) kỳ thực không hai, không khác so với Bản tôn và Minh Phi do mình quán tưởng ra, cho nên cần phải tín giải là một thể đối với Bản tôn và Minh Phi do người khác quán cũng như đối với Bản tôn và Minh Phi do mình quán ra, cần sinh khởi trí tuệ Bình đẳng tính đối với Trí tôn (Bản tôn và Minh Phi Tát Đỏa trí tuệ) của người khác”. Vì có tín giải thành một thể như thế, nên từ đó mà sinh ra Bình đẳng tính trí.
Trong Phật pháp thực sự thì xuất phát từ việc đích thân chứng Thức thứ tám Như Lai Tạng, từ đó hiện tiền quan sát thấy tất cả hữu tình đều có Như Lai Tạng bình đẳng một vị mà không có sai khác nào, cho nên sinh ra Bình đẳng tính trí. Nay Tông Khách Ba không chứng được Thức thứ tám Như Lai Tạng, bèn coi hình ảnh Bản tôn Minh Phi do mình và người khác quán tưởng mà thành là không hai, không khác, rồi bảo đó là tất cả hữu tình bình đẳng, khác xa so với Bình đẳng tính trí có được từ việc chứng đắc Như Lai Tạng trong Phật pháp, thì sao có thể xưng pháp đó là Phật pháp được?
Các tổ sư Mật tông từ xưa đến nay đồng thanh nhất khí, đều nói như vậy mà dẫn dắt sai lầm chúng sinh cùng vào trong tà kiến. Điều này cũng giống như những người xảo trá, lấy con hươu ra chỉ cho những người chưa từng nhìn thấy con ngựa bao giờ mà nói rằng: “Đây là con ngựa. Tất cả những con ngựa mà người ta cưỡi, so với con ngựa mà hôm nay ta muốn bán cho ngươi không hai, không khác”. Chỉ hươu bảo ngựa như thế, thì những người chưa từng nhìn thấy ngựa bao giờ sẽ tin là thật. Sau này, có người lại chỉ cho người mua hươu kia biết con ngựa thật, thì người mua hươu kia sẽ không tin anh ta, còn tức giận mắng cái người chỉ cho mình biết con ngựa thật kia là kẻ “phá hoại danh dự người khác”, là “kẻ nói thị phi về người ta”. Những người ngu si “tâm mê bất ngộ, điên đảo thị phi, coi tâm ý người ngay là gian xảo” dẫn đến mắng chửi người tốt, đâu đâu cũng có, rất khó cứu độ, cho nên mới nói hiện tại là thời Mạt pháp mà.
Lại nữa, tri kiến tu hành của Mật tông cho rằng Như Lai Tạng là cái tu ra (nhờ tu mà có), cho nên nhất định phải đả tọa – cầu Tâm giác tri lúc nhất niệm bất sinh – để chứng “Như Lai Tạng”, cho nên cũng cần phải có khí lực để có thể ngồi lâu được. Thế nhưng “Phật pháp” mà Mật tông tu đó lại lấy Lạc Không bất nhị của Song thân pháp làm chính tu của mình. Lúc tu thì vẫn lấy tư thế ngồi giao hợp làm chính, vì thế mới cần phải nhân lúc tuổi trẻ còn sức khỏe để nỗ lực “tu hành”, chứ đến lúc tuổi già, khí lực suy thoái, khả năng tình dục không đủ thì sẽ không thể “đả tọa” mà tu nữa. Duy chỉ có thể dựa vào pháp quán tưởng, thì chứng lượng tất sẽ kém so với người trẻ thực tu Song thân pháp với Minh Phi, cho nên Mật tông chủ trương cần ra sức tu hành lúc còn trẻ: “Lại nữa, các anh nên biết Tham tâm cũng có tốt xấu khác nhau, không thể đánh đồng một lứa. Ví dụ, tham ái nữ sắc, tham đắc tiền tài, cố nhiên là không tốt. Nhưng tham đắc Phật pháp, tham ái chúng sinh, thì lại là tâm tham tốt đó… (Chú thích gốc: Pháp tu cần nhân lúc tuổi trẻ, vì người ta khoảng từ 25 – 40 tuổi cơ thể tráng kiện, tu pháp lúc này rất hợp. Người già thì thể lực suy nhược, không thể ngồi lâu. Mà thành Phật thì cốt dựa vào tọa công, nay không thể ngồi lâu, đến bao giờ mới thành tựu?)…” (62-47)
Cho nên thấy rằng pháp môn tu hành của Mật tông, duy chỉ có người trẻ mới dễ thành Phật, còn người già muốn cầu “thành Phật” thì chỉ là vọng tưởng. Phật pháp Đại thừa trong Hiển giáo thì không phải như thế, nó không liên quan gì đến khí lực, mà dựa vào trí lực và nhân duyên phúc đức của cá nhân người đó để mà chứng nhập. Cho nên, những người ngộ nhập Bát Nhã trong Hội của tôi (Hội Đồng tu Chính Giác) có người già sức yếu, cũng có người đang tuổi thanh xuân, khí lực cực thịnh, đều chứng đắc Như Lai Tạng, không liên quan gì đến khí lực và tuổi tác, như thế mới là Phật pháp bình đẳng chân chính chứ.
Lượt xem trang: 0