Chân tướng
Mật Tông Tây Tạng

Phật giáo Tạng truyền thật sự là Giác Nãng Ba, hoằng dương diệu pháp Như Lai Tạng Tha Không Kiến, hoàn toàn phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo. Tứ đại giáo phái Hồng, Hoàng, Hoa, Bạch là Phật giáo Tạng truyền giả, tất cả các pháp nghĩa của họ đều không phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo, cho nên là tà giáo, tà pháp.

CHƯƠNG 5: TRÌ MINH, THỦ ẤN VÀ MỘNG DU GIÀ

 

Tiết 1: Dựa vào trì chú để được lợi ích pháp thế gian

Pháp trì chú trong Mật tông gọi là “trì minh”, đó là do hành giả Mật tông cho rằng trì chú có thể sinh khởi trí tuệ tu chứng Phật pháp, cho nên nói các chú là “minh chú”, vì thế nói “trì chú” tức là “trì minh”. Người trong Mật tông vẫn luôn mong muốn dựa vào trì chú để đạt đến thành quả nhiếp tâm nhất xứ, nhất tâm bất loạn, đó là hiểu biết phổ biến trong hành giả sơ cơ bên Mật tông. Trong Hiển tông cũng có những người hiểu như vậy, nhưng số lượng khá ít.

Thông thường mà nói, người trì chú trong Mật tông đa phần vì muốn tu Mật pháp, cho nên trước hết phải tu học pháp tiền hành, tức là tư lương đạo của Mật tông. Thứ nữa, trong rất nhiều pháp môn tu hành của Mật pháp đàn, bất luận là cúng dường, quán tưởng, sám ma (sám hối, tiếng Phạn ksama)… cũng đều phải tụng chú. Cúng các loại vật thì có các loại chú đi kèm, mỗi một đồ cúng đều có câu chú khác nhau. Cho đến khi nhập đàn cũng có chân ngôn nhập đàn, mặc áo có chú mặc áo, rửa tay có chú rửa tay, câu chiêu (mời gọi) có chú câu chiêu, thoa hương có chú thoa hương, rồi cho đến chân ngôn cúng hoa, chân ngôn đốt hương, chân ngôn cúng đèn, chân ngôn ăn uống, và vô số chân ngôn dùng trong vô số pháp môn quán tưởng. Rồi đến “chư Phật Bồ Tát, chư thần hộ pháp” tất thảy đều có Tâm chân ngôn riêng, vô lượng vô số, không thể ghi nhớ hết, vô cùng phức tạp. Xin hãy đọc thêm “Đại Nhật kinh” quyển 3 đến quyển 5, và “Kim Cương đỉnh Nhất Thiết Như Lai chân thực nhiếp đại thừa hiện chứng đại giáo vương kinh”…thì sẽ biết thêm, ở đây không liệt kê chi tiết từng cái. Phàm là người tu pháp trì minh này, đa phần là vì tu Mật pháp nên mới chấp trì các chú, để làm pháp tiền hành trong tu hành Mật pháp, thuộc về pháp tu Sinh khởi thứ đệ.

Việc cầu chứng định cảnh nhất tâm bất loạn của trì chú hiển nhiên là khó khăn hơn pháp môn chính tu Tứ thiền Bát định. Trong quá trình trì chú, có chú âm (âm thanh câu chú) gây can nhiễu; trong quá trình tụng niệm trong tâm thì cũng có cái niệm chú âm trong tâm gây nhiễu, không dễ gì đắc định. Như người tu định, khi mới nhập môn, đa phần là dùng pháp Sổ tức. Khi đó, coi mỗi một hơi thở là một số để đếm, mỗi một con số là thành một niệm. Cứ như thế đếm hết lại quay vòng, trước sau tổng cộng chỉ có mười niệm để xuyên suốt, thành ra tổng cộng có mười vọng niệm. Nếu như tâm đắc định rồi, thì chuyển sang Tùy tức (thuận theo hơi thở), không còn đếm nữa. Nếu càng thâm tế, thì bỏ cả Tùy tức để cho Tâm giác tri tự trụ ở trạng thái ngừng nghỉ, không còn duyên bám vào bất cứ pháp nào mà an trú trong nội cảnh bản thân. Thành thục lâu ngày thì nhập vào trong Dục giới định, cho đến Vị đáo địa định.

Pháp trì chú thì khó nhập định, bởi vì có chú âm gây nhiễu. Tôi ở đời này lúc học Phật thời kỳ đầu cũng từng trì chú, nhưng không thể nhập vào trong định cảnh, nên bỏ học pháp này. Sau đó từng cũng từng ngồi kết thủ ấn trước tượng Phật, miệng tụng chân ngôn, nhập trú trong định, không còn biết gì về ngoại cảnh nữa, không còn nghe thấy chú âm mình tụng nữa, cũng không còn biết là mình đang trì chú nữa. Làm được như thế mấy chục phút, bỗng nhiên lại nghe thấy tiếng mình tụng chú, lại phát hiện ra mình đang tụng chú, lúc đó mới biết khi mình trì chú đã nhập định một hồi lâu.

Sau vài lần trì chú nhập định như thế, thấy so với chính tu hành trong Thiền định thì chứng thực rằng người trì chú muốn cầu định cảnh Thiền định quả thực rất khó. Chưa kể, việc tôi có thể trì chú nhập định là chuyện sau khi đã chứng đắc Thiền định, hơn nữa muốn trì chú nhập định được như vậy cũng không phải là lần nào cũng thành công. Đối chiếu với việc dựa vào pháp chính tu Thiền định mà có thể nhanh chóng đi vào định cảnh, thì mới biết pháp tu định của họ không phải là pháp môn chính tu hành của Thiền định. Vì thế, người nào muốn dựa vào trì chú để tu định, nên thẩm định lại cái hay dở của pháp mình học, sau đó hẵng hành trì.

Nếu muốn đạt được lợi ích thế gian, “như cầu cảm ứng và sai khiến quỷ thần…” thì pháp trì chú đúng là có tác dụng. Ví dụ, theo “Đại Nhật kinh” và các “Kinh điển” của Mật tông thì trì chú có thể được lợi ích về phương diện pháp thế gian. Việc vận dụng Mật chú và thủ ấn nói trong các “kinh điển” do Mật tông tự tạo tuy có thể được rất nhiều lợi ích trong pháp thế gian, nhưng cũng nên biết rằng “Phật Bồ Tát” của họ kỳ thực đa phần là do quỷ thần biến hiện ra, những gì do Phật Bồ Tát trong Phật giáo thực sự thị hiện ra cực ít.

Pháp trong pháp giới quỷ thần, cũng tựa như giao dịch của người thế gian. Nếu họ bỏ công sức phục vụ cho người, hoàn thành nguyện vọng của người cầu nguyện, thì họ cũng mong được con người báo đáp, cho nên quỷ thần cũng quan sát nhân duyên để đòi hỏi sự báo đáp của con người. Nếu khi quỷ thần đòi báo đáp, mà con người lại không thể hưởng ứng đầy đủ, thỏa mãn yêu cầu của họ, thì quỷ thần sẽ luôn tìm cách phá hoại, khiến cho tâm thần, gia trạch (nhà cửa) người đó không được yên ổn.

Trong các phòng bệnh thần kinh (khoa Tâm thần) của các bệnh viện lớn, có rất nhiều người học Mật tông cầu hữu vi pháp thường trú trị bệnh ở đó mà không thể nào hồi phục như cũ. Hoặc giả sau khi xuất viện cũng vẫn phải chấp thuận điều trị lâu dài. Những gì họ học thực sự không phải là Phật pháp nhưng đều tự nói là tu học Phật pháp. Còn các bác sĩ khoa Tâm thần cũng không biết được sự khác biệt giữa Phật giáo và Mật tông, bèn cho rằng những người bệnh đó quả thực vì tu học Phật pháp mà dẫn đến tâm thần thất thường. Thế nhưng sự thực không phải vậy, bởi đó là do cầu hữu vi pháp – cầu chứng thần thông và các pháp có cảnh giới – mà tu học các pháp tương ứng với quỷ thần của Mật tông gây ra. Cho nên, việc dựa vào trì chú để nhằm đạt được lợi ích thế gian là điều các Phật tử không nên làm, mà nên coi đó là vết xe đổ của người đi trước.

Ngày nay mỗi khi có người trong Mật tông có thiện chú, chữa bệnh cho các pháp sư xuất gia tuổi già sinh bệnh, pháp sư vì thấy trị bệnh có hiệu quả, bèn cho rằng đó thực sự là do Phật Bồ Tát chữa bệnh cho họ, liền chuyển sang tin theo pháp Mật tông. Từ đó, mỗi bước lại đi dần vào pháp ngoại đạo do Mật tông truyền bá mà không hề biết cảnh giác. Chính vì duyên cớ đó, đời này chuyển sang tin theo Mật tông thì đời sau sẽ trở thành tín đồ của Mật tông, đời đời kiếp kiếp tu học pháp ngoại đạo do Mật tông truyền dạy mà cứ ngỡ rằng đó là Phật pháp cứu cánh. Tất cả đều là do đời này có duyên với pháp chữa bệnh của Mật chú tạo nên. Cho nên, có bệnh thì cầu y thuật thế gian, chớ có cầu quỷ thần của Mật tông để tránh trở thành ma dân trong tương lai, đến nỗi còn không tự biết mình là ma dân nữa.

 

 


Bài trước

Bài sau

Trang chủ

Lượt xem trang: 0