Phật giáo Tạng truyền thật sự là Giác Nãng Ba, hoằng dương diệu pháp Như Lai Tạng Tha Không Kiến, hoàn toàn phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo. Tứ đại giáo phái Hồng, Hoàng, Hoa, Bạch là Phật giáo Tạng truyền giả, tất cả các pháp nghĩa của họ đều không phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo, cho nên là tà giáo, tà pháp.
Tiết 9: Tam tam muội mà Mật tông tu chứng
“Tĩnh lự” mà Mật tông nói đến không phải là Tĩnh lự trong thiền định chính thống của Phật môn, mà kỳ thực nó có nội dung pháp nghĩa khác, như Tông Khách Ba trong cuốn “Mật tông đạo thứ đệ quảng luận” viện dẫn các loại pháp tu “Tam muội” viết trong “Hậu tĩnh lự…” đều thuộc cúng dường niệm tụng quán tưởng…, không liên quan gì đến thiền định. Dù có tu nó lâu đến mấy cũng không thể chứng được thiền định: “Tam ma địa sinh khởi trong này tổng cộng có ba loại, đó là Duyên thiên thân, Duyên thiên ngữ chú và Duyên thiên ý chân thực. Đầu tiên là cái thô nhất, tức là Hiển tam ma địa cực thô. Loại thứ hai thì vi tế hơn cái trước, còn loại thứ ba thì vi tế nhất. Vì phải từ thô tiệm sinh ra từ trong cơ thể, thứ tự quyết định như thế. Trong đó, trước hết phải có thiên thân rõ rệt và có thể trụ lâu ở nhị hòa hợp sinh ra, vì thế phải thực hiện đa tướng tĩnh lự, tu khiến cho nó rõ rệt, để tướng tu đó phải tác ý liên tục và có thể minh hiển rõ ràng…Trước khi tụng niệm, phải tu thành tựu Tam ma địa Duyên thiên kiên cố, đó là thứ chủ yếu nhất” (21-103).
Cái “Tam ma địa Duyên thiên” mà Tông Khách Ba nói, chính là trong lòng quán tưởng mình có một thiên thân cao lớn, tương lai khi “thành Phật”, thì sẽ lấy “Thiên thân” mà mình đã quán tưởng thành công này làm “Phật thân”. Khi quán tưởng thành tựu như vậy, tức là đã thành tựu “Tam ma địa Duyên thiên”. Cái Tam ma địa như thế, không phải là Tam ma địa nói trong Phật pháp, mà là Tam muội do Mật tông tự đặt ra, không liên quan gì đến Phật pháp.
Tông Khách Ba lại giải thích “Hậu tĩnh lự” rằng: “Như vậy, từ tu thiên thân cho đến trụ thanh trì tâm, từ phong gia hành che mệnh lực, tức từ rất nhiều loại thô tế như duyên hỏa, duyên thiên thân bám vào sức chuyên chú của tâm, có thể chứng đắc trú phần kiên cố nói trong “Diệu bích vấn kinh”, và sinh thắng hỷ lạc ở thân tâm, tạo nên sự điều nhu khinh an cho thân tâm. Đặc biệt ra sức duyên hỏa lực bằng tu lâu dài phong gia hành, dẫn sinh Lạc noãn, nhờ đó mà phát sinh an lạc quang minh vô phân biệt định mạnh mẽ”. (21-105)
Thế nhưng, pháp tu Mạch khí Minh điểm tuyệt đối không thể nào thành tựu quyết định tính vô phân biệt, vì không có liên quan gì đến Vô phân biệt trí của Phật pháp. Việc tu hành Mạch khí, Minh điểm cũng không thể nào thành tựu thiền định, vì Minh điểm là pháp duyên khởi, không có liên quan gì đến việc sinh khởi thiền định cả. Thượng sư Mật tông cũng tự nói rằng: “Cái tự tính Bồ Đề Minh điểm, niệm ngã trên đó, ngã chấp ngã, sinh khởi thủy giới. Lại tụng rằng: ‘Tự tính Bồ Đề Minh điểm, đó là do Thủy đại sinh ra, do động sinh noãn làm Hỏa đại’, đó chính là huyết bản thể đấy”. (34-359)
Thiền định tuy cũng là pháp duyên khởi, nhưng sau khi vứt bỏ tất cả mọi thứ âm thanh, hình ảnh, khí mạch thì mới chứng đắc. Nhưng nay tĩnh lự mà Mật tông nói đến hoàn toàn là quán hành trên hình ảnh quán tưởng và trên Minh điểm Mạch khí, tuyệt đối không phải “thông với tứ thiền bát định của ngoại đạo” nói trong Phật pháp. Tu hành dụng công như thế, dù có dùng hết tinh thần, khí lực cả đời cũng tuyệt đối không thể chứng được thiền định. Vì việc vận hành Minh điểm, Mạch khí sẽ sinh ra chướng ngại đối với hành giả Mật tông khi tu tập thiền định Đẳng chí, đi ngược đường với pháp môn tu thiền định. Thượng sư Mật tông sau khi tu thành tựu các pháp Minh điểm khí công, tuy tự xưng mình đã chứng được thiền định tĩnh lự, kỳ thực hoàn toàn không có liên quan gì đến thiền định tĩnh lự chân chính (của Phật pháp). Pháp tu của Mật tông không thể nào thành tựu cái lý của thiền định. Phần này đã thuật trong Tiết 4 của chương này, nếu như độc giả quên mất thì hãy đọc lại, ở đây không nhắc lại nữa.
Tầng thứ thiền định của các vị thày Mật tông xưa nay đều rất thấp, đó là do không lìa bỏ được sự dâm dục của Dục giới, cho nên thiền định đạt được đó không thể nào vượt qua được phạm vi của Dục giới định. Bởi muốn tu chứng Sơ thiền, bắt buộc phải lìa xa khỏi nam nữ dục ở Dục giới, phải hàng phục (hoặc đoạn trừ) được cái tham dâm lạc của Dục giới.
Nhưng vì các vị thầy Mật tông xưa nay đều dựa vào “thiền định Phật giáo Mật tông (pháp song thân tham dâm)” để tu, cho nên không thể nào chứng được tứ thiền bát định, tứ vô lượng tâm… Vì lẽ đó, tổ sư Mật tông bèn tự lấy ý (chủ quan) của mình để giải thích tứ thiền bát định và tứ vô lượng tâm, tránh né pháp tu và chứng lượng của thiền định chính thống, mà tuyên xưng ra ngoài rằng chứng lượng thiền định của họ cực cao: sớm đã chứng được thiền định. Với những lời vọng ngữ như vậy khiến cho người ta bị trùm đầu, phải cung kính tin theo họ. Kỳ thực, họ đâu có chứng được thiền định. Pháp tu thiền định của Mật tông, do làm trái ngược với lý chính tu thiền định, lại dựa vào lý luận của pháp tu song thân để tu thiền định, cho nên không thể nào vượt ra khỏi phạm vi của Dục giới, không thể nào chứng được thiền định trên Sơ thiền, dẫn đến cảnh giới thần thông rất thấp kém. Nên biết rằng cảnh giới thần thông của tất cả hữu tình trong Tam giới đều được phân định cao thấp dựa vào thiền định.
Mật tông lại có kẻ cuồng vọng, nói rằng việc tu chứng khí công có thể vượt qua được Duy Thức chủng trí, như hai vị Trần Thuần Long, Đinh Quang Văn viết những lời cuồng ngôn thế này trên mạng internet: “Bởi vì Duy Thức học chỉ phát triển đến giai đoạn “Lục thất nhân trung chuyển, ngũ bát quả thượng viên”, lý luận khí công Mật pháp còn đưa ra những bổ sung thâm sâu hơn… Mật tông vì sao lại coi trong Mạch khí như vậy? Bởi vì “có liên quan mật thiết đến khai ngộ thành Phật”…nhưng Mật tông chính là sự bổ sung thâm sâu hơn cho Duy Thức học, Mật tông cho rằng “tâm bình” mới có thể “khí hòa”, “khí hòa” mới có thể “tâm bình”, hai thứ này tương tác qua lại với nhau. Muốn đạt đến “tâm bình”, “tâm lý an tường của thức thứ sáu”, phương pháp thiền tọa của Hiển, Mật tông nhiều như lông bò, chẳng bằng dùng phương pháp “khí hòa” để trực tiếp xử lý thì mới rõ ràng thẳng thắn được. Cho nên nói “khí hòa” (chú thích gốc: sự cân bằng hồng Bồ Đề, bạch Bồ Đề và các loại năng lượng) là nền tảng của “tâm lý an tường”, cũng là nền tảng của “Lục thất nhân trung chuyển, ngũ bát quả thượng viên” trong Duy Thức học”. (226-9)
Hai người đó hoàn toàn không hiểu gì về Phật pháp, lấy “Phật pháp Mật tông” do mình tự nhào nặn ra mà bảo đó là “Duy Thức”, kỳ thực hoàn toàn không liên quan gì đến chân lý Duy Thức chủng trí của Phật giáo, thế mà lại lấy lý luận “Duy Thức Mật tông” do mình tự tưởng tượng ra để bình loạn về Duy Thức Phật giáo. Lại còn tung ra những luận điệu hoang đường trên mạng internet, lớn tiếng luận về quan hệ giữa Duy Thức và thần kinh khí mạch, liệu đã bao giờ hiểu chút, biết chút về chính nghĩa Duy Thức? Vì sao nói vậy? Vì trong Chủng trí của Duy Thức học, Phật Thích Ca đã sớm nói về “Đại chủng tính Tự tính” rồi. Trong Đại chủng tính Tự tính đã sớm thuật rõ quan hệ giữa Như Lai Tạng và Tứ đại chủng. Trong quan hệ giữa Như Lai Tạng và Tứ đại chủng có thể tìm hiểu được bản chất của khí công và nguyên nhân sinh thành khí mạch.
Vì đã biết được nguyên lý này, trong thời gian viết cuốn sách này, tôi đã giành thời gian vài ngày để thử tu khí công Mật tông, liền có thể vận khí đến đầu chùy, không hề khó khăn gì cả. Thế nhưng, phản quan pháp khí công này, thì chỉ là pháp luân hồi sinh tử, là pháp do sắc thân Tứ đại tạo thành. Mà đằng sau của việc tu thành khí công này, kỳ thực là Thức thứ tám vận hành thành công dựa vào tác ý của Ý thức và Mạt Na thức (Thức thứ 7). Nếu như lìa khỏi Đại chủng tính Tự tính của Thức thứ tám, chỉ đơn thuần dựa vào bản thân của Ý thức, tuyệt đối không thể nào thành công được. Cái mà do chủng tử của Đại chủng tính Tự tính của Thức thứ tám Như Lai Tạng tạo thành đó, hai vị Trần Thuần Long, Đinh Quang Văn của Mật tông sao có thể biết được? Đừng nói hai người đó không thể biết, ngay cả Pháp vương tứ đại phái (bốn phái Ninh Mã, Tát Già, Cát Cử, Cách Lỗ) và tất cả những người đại tu hành “thừa nguyện lại đến” cũng không thể biết.
Vì sao tôi có thể nói như vậy? Vì tất cả những người như Pháp vương, Phật sống, Nhân Ba Thiết của tứ đại phái Mật tông, đến nay không có lấy một người chứng được Thức thứ tám Như Lai Tạng, thì sao có thể chứng biết được “Đại chủng tính Tự tính” của Như Lai Tạng? Người không biết, không chứng được Như Lai Tạng, căn bản còn chưa thể nhập vào trong Tổng tướng trí của Bát Nhã, thì sao có thể biết được Duy Thức chủng trí mà những người đã chứng được Bát Nhã cần phải tu học? Người không biết không chứng mà lại nói những lời cuồng ngôn, vọng đem pháp tương ứng với Ý thức mà ngoại đạo tu học đặt cao hơn cả Duy Thức chủng trí, cũng như học sinh tiểu học không biết gì về số học, hình học mà lại coi các phép cộng trừ nhân chia là toán học thắng diệu nhất, rồi còn hạ thấp các giáo sư đại học truyền thụ vi tích phân ở bậc đại học, bảo họ không hiểu gì về số học; cười giễu trình độ nghiên cứu số học của các giáo sư đại học là thô thiển. Cũng giống như ếch ngồi đáy giếng tự xưng mình là vua của thế giới, thật khiến người ta khó mà nhịn nổi. Thế mà còn cuồng ngôn nói về việc tu hành “Tâm bình khí hòa” và “Tâm lý an tưởng của Thức thứ sáu” có thể khiến người ta chứng được Phật đạo; cuồng ngôn nói rằng tu hành pháp thế gian của phàm phu đó có thể khiến người ta viên thành, cao hơn cả Phật quả của Duy Thức chủng trí. Kiến giải thô thiển như thế, mà lại dám lộng ngôn trên mạng, nói pháp của mình còn cao hơn cả việc tu học Duy Thức chủng trí; lộng ngôn nói pháp của mình có thể vượt qua cả việc tu pháp “Ngũ bát quả thượng viên” của Duy Thức.
Những người đó cuồng ngôn nói về phương pháp dụng công “tâm bình, khí hòa” không chỉ có thẻ “Lục thất nhân trung chuyển”, còn cps thể “Ngũ bát quả thượng chuyển”. Thế nhưng quan sát tri kiến của hai người họ, thì vẫn còn chưa đoạn Ngã kiến, đọa vào Tâm giác tri của “Ý thức ngã”, thường kiến ngoại đạo kiến vẫn còn chưa phá, chứng lượng Sơ quả của Thanh Văn còn chưa có, thì nói gì đến Bát Nhã trí (Diệu quan sát trí và Bình đẳng tính trí hạ phẩm) của Bồ Tát thất trụ vị? Đã không thể chuyển sinh trí tuệ hạ phẩm của Thức thứ 6, 7 ở nhân địa, thì sao có thể chuyển sinh Thức thứ 5, 8 ở Phật địa để mà sinh Đại viên kính trí…? Cho nên, những lời của hai vị đó đều chỉ là lời nói suông. Người nói suông như thế, đến những tri thức cơ bản cần thiết phải chuẩn bị đủ trước khi Kiến đạo ở Đại thừa còn chưa có, mà lại dám cuồng ngôn nói về đạo thành Phật, cuồng luận pháp nghĩa chính tà của người khác, loạn bình Duy Thức chủng trí Tăng thượng huệ học mà bản thân còn không biết, không hiểu, thật là cuồng vọng hết mức!
Hai vị đó không hiểu Phật pháp, lấy tri kiến sai lầm của phàm phu để vọng bình (loạn bình) về tôi trên mạng như sau: “Qua đó có thể thấy có người tu hành tự xưng khai ngộ, phạm đại vọng ngữ, hễ gặp phải sự phê bình của người có kiến giải bất đồng liền bốc hỏa trong lòng, công khai viết sách yêu cầu biện luận, trong sách còn nói rõ đề nghị hai bên biện luận buộc phải viết giấy cam kết: “Bên biện luận thua phải tự xử biểu thị chịu trách nhiệm”, cái tâm thù hận muốn đặt đối phương vào chỗ chết mà thấy sung sướng này, rõ ràng là trái ngược với cảnh giới giải thoát “Bi trí song vận” của Phật Bồ Tát, cho nên người này đương nhiên chưa hề khai ngộ, chủ trương ngôn luận của ông ta đương nhiên chẳng cần phải để ý làm gì” (226-9).
Những lời vọng bình vừa xong thì lại tải trên mạng xuống. Trong đoạn văn này, còn lấy bút đỏ đánh dấu những chữ “‘Tà kiến và Phật pháp’, trang 135, (Tiêu Bình Thực)”, vào ngày 08.06.2001 gửi đến bản Hội, có ý đồ ảnh hưởng đến ai đó, muốn họ sau khi bị ảnh hưởng thì sẽ tiến hành cản trở hành vi “Phá tà Mật tông, thị chính Hiển giáo” của tôi. Hành động đó chứng tỏ hai người này hoàn toàn không hiểu gì về Phật pháp và quy củ của Phật môn.
Theo quy định của đại hội Vô Giá biện chính pháp nghĩa của Thiên Trúc, khi luận chủ đưa ra lời mời công khai biện chính về Đệ nhất nghĩa đế, tất cả mọi người đều được lên đài biện chính những quan điểm bất đồng đối với Đệ nhất nghĩa đế của họ, không được dùng bất cứ lý do gì để ngăn chặn người khác thượng đài biện chính. Nếu quan điểm tương đồng, thì không có cái gọi là vấn đề biện chính. Chính vì có quan điểm bất đồng, nên mới phải thượng đài để biện chính pháp nghĩa. Nhưng để ngăn ngừa những người gây sự vô lý lên đài náo loạn, các quốc vương của nước sở tại tiến hành đại hội biện chính phải phái quân đội đến hiện trường để duy trì trật tự và “chấp hành quy tắc”. Phàm là người có ý kiến khác với luận chủ khi lên đài, đều phải viết giấy cam kết, ghi rõ: Người biện chính thua cuộc, cần tự xử để biểu thị chịu trách nhiệm tại chỗ, chứng tỏ không phải là người đến để náo loạn hội trường, Nếu người nào không chịu tự xử đoạn mệnh, thì phải lễ bái người thắng làm thầy, thì có thể không cần đoạn mệnh. Nếu người nào sau khi biện luận thua cuộc mà không chịu chấp hành một trong hai điều kiện trên thì quốc vương sẽ hạ lệnh cho quân tướng bắt anh ta đoạn mệnh (tự sát) tại chỗ. Đó là quy định biện chính pháp nghĩa ở Thiên Trúc xưa.
Người lên đài biện chính cam kết như vậy, thì luận chủ trên đài cũng cần phải làm cam kết, chứ không phải chỉ có người lên đài khiêu chiến đơn phương cam kết. Nếu không thì những kẻ bất học vô thuật sẽ có thể tùy tiện đến yêu cầu mở hội nghị biện chính pháp nghĩa, cũng có thể đến chỗ đại hội biện chính do người khác mở để thượng đài loạn biện một trận, khi biện thua cũng không chịu nhận sai, như thế thì đại hội Vô Giá sẽ trở thành vô nghĩa. Vì thế mà Thiên Trúc xưa nay mới định ra quy định như vậy đối với đại hội Vô Giá biện chính pháp nghĩa. Cho nên, chỉ có người nào tự nhận mình có lý thì mới dám lên đài ký cam kết biện chính pháp nghĩa.
Nay hai vị Trần Thuần Long, Đinh Quang Văn không có can đảm đến để biện chính pháp nghĩa, nhưng lại cố ý công kích, xuyên tạc trên mạng xã hội, chứng tỏ họ không dám chắc về tri kiến của chính mình, cho nên sợ người khác sẽ chế diễu nhát gan, bèn buông ra những lời vu cáo, miệt thị nhằm phỉ báng hành động hộ trì chính pháp của tôi. Nên biết rằng, tuyên bố của tôi không chỉ có yêu cầu những người biện chính ký cam kết, mà đồng thời tôi cũng phải ký cam kết với đối phương đến biện luận. Nếu như tôi cũng đồng thời ký cam kết với đối phương, tức là có khả năng “muốn đặt mình vào chỗ chết”, cho nên “mình chết, anh ta chết” đều là bình đẳng. Vậy thì hai vị Trần Thuần Long, Đinh Quang Văn sao có thể chửi tôi rằng “muốn đặt người khác vào chỗ chết” được? Như thế chẳng đúng lý tí nào!
Những lời phỉ báng tôi “muốn đặt người khác vào chỗ chết” của họ chẳng khác gì tự hạ thấp mình. Vì sao vậy? Vì trong lời tuyên bố của tôi đã mở ra một thiện môn (cửa lành) khác: các đại sư tại gia, xuất gia các nơi bị bình luận cũng đều có thể đề nghị tôi biện luận pháp nghĩa riêng (ngầm), không cần cam kết, chỉ đơn thuần là kết thiện duyên. Thế nhưng hai người đó đến cả biện chính ngầm cũng không đủ can đảm, nhưng những lý lẽ họ nói lại thô thiển, xuyên tạc, lẽ nào lại là người hiểu Phật pháp ư? Chính vì không hiểu nên họ mới không dám đến biện chính pháp nghĩa công khai hoặc riêng tư. (Chú thích riêng: Các đại sư tại gia, xuất gia các nơi bị tôi bình luận, cho đến nay vẫn chưa có một người tìm đến để biện luận pháp nghĩa riêng. Đa phần họ chỉ nói những lời ngoài trọng tâm, ví dụ như “Tiêu Bình Thực là kẻ ngoài nghề (ngoại đạo), chúng tôi không thèm biện luận pháp nghĩa với ông ta” nhằm kiếm cớ thoái thác, không hề có lấy một người can đảm, có trí tuệ đến để biện luận pháp nghĩa).
Lại nữa, như Đại sư Huyền Trang năm xưa đi khắp các nước ở Ấn Độ, thỉnh cầu quốc vương các nước tổ chức đại hội Vô Giá biện chính pháp nghĩa, đều tuân thủ quy định như trên, khiến cho tà sư các nơi đều phải co rút tà thuyết của mình về, nhằm bảo vệ chính pháp Phật giáo, phục hung chính pháp Phật giáo ở Ấn Độ. Với hành động như thế, phải chăng có thể nói Huyền Trang đại sư “muốn đặt người khác vào chỗ chết”? Liệu có cái lý ấy chăng? Liệu có thể trách hành vi đó của Bồ Tát Huyền Trang là làm trái với nguyên tắc “bi trí song vận”? Liệu có thể vì thế mà chỉ trích rằng Bồ Tát Huyền Trang “chưa hề khai ngộ”?
Lại nữa, sau khi Bồ Tát Huyền Trang trở về cố quốc, treo cao tấm biển chứng lượng Đệ nhất nghĩa đế “Chân Duy Thức Lượng” ở cổng thành kinh đô Trường An, chấp nhận lời mời đại hội Vô Giá biện luận pháp nghĩa của đại sư khắp nơi, mà cho đến hết cuộc đời Ngài vẫn chưa từng có lấy một người đến mời biện luận. Tôi liệu có thể vì thế mà chỉ trích đại sư Huyền Trang là “cao ngạo” và “muốn đặt người khác vào chỗ chết” hay không? Không chỉ có đại sư Huyền Trang như thế, mà những người như Như Lai Hiền (Tức Đề Bà, đệ tử của Bồ Tát Long Thụ) ở Thiên Trúc cũng đều dựng ngọn cờ chính nghĩa để bảo vệ sự thuần khiết vô tạp của chính pháp Phật giáo. Tôi liệu có thể vì thế mà chỉ trích hành động hộ pháp chính đáng của những người như Như Lai Hiền hay không?
Hai vị Trần Thuần Long, Đinh Quang Văn đã không dám đến biện luận pháp nghĩa công khai hoặc riêng tư, mà lại giở trò công kích, bẻ cong sự thực như thế trên mạng internet, sau đó download thành văn bản, gửi đến một ai đó ở bản hội (Hội Đồng tu Chính Giác), có ý đồ gây ảnh hưởng đến anh ta nhằm ngăn cản tôi. Không thể gọi đó là hành vi quang minh lỗi lạc được.
Hai người họ còn chưa biết thế nào là chính pháp của Phật thì làm sao có thể biết được chính lý “bi trí song vận”? Lại còn lấy “bi trí song vận” do Mật tông tự chế để tán dương chính mình – lấy sự tu chứng cảnh giới trong dâm lạc ái tình nam nữ hai giới hợp tu do Mật tông tự sáng chế, tự xưng là mình đã chứng đắc bi trí song vận (lý luận về bi trí song vận, xin phép được tiếp tục bàn tới trong chương 8 và 9). Nếu muốn thực sự trở thành người bi trí song vận, thì trước hết phải tu chứng được chính lý Bát Nhã; Người muốn ngộ chính lý Bát Nhã, thì trước hết phải chứng được Thức thứ tám Như Lai Tạng; Sau khi ngộ được Bát Nhã, thì lại phải tu trừ Dị sinh tính, phát khởi Kim Cương tâm, không còn bị hạn chế, ràng buộc bởi cái nhân từ của phụ nữ; Sau đó lại tu thêm Duy Thức Nhất thiết chủng trí (là chính lý về Nhất thiết chủng tử của Bát thức Tâm vương nằm trong Như Lai Tạng); Sau khi chứng đắc Đạo chủng trí, phát khởi đại bi tâm muốn cứu hộ chúng sinh đã đang bị Mật tông dẫn dắt sai lầm, từ đó đứng ra phá tà hiển chính, không sợ thế lực to lớn của tà pháp Mật tông và pháp Tru (tru sát)[1] của họ, đặt sinh tử của cá nhân ra ngoài, dám mời đại sư các nơi biện luận pháp nghĩa công khai hoặc riêng tư, như thế cứu độ chúng sinh thoát khỏi tà kiến của Mật tông mà không sợ hãi; Bằng Chủng trí có thể biết được chỗ đọa lạc của các đại sư, pháp vương Mật tông các nơi, làm được như thế mới được gọi là “bi trí song vận” vậy. Chứ đâu có như những kẻ như đại pháp vương, Phật sống, Nhân ba thiết… của Mật tông, hoàn toàn im hơi lặng tiếng trước việc các đầu sách phê phán Mật tông của tôi được lưu truyền rộng rãi khắp nơi, mà lại tuyên xưng mình là bi trí song vận! Đâu có như những luận điệu xuyên tạc, sai lầm của hai vị Trần Thuần Long, Đinh Quang Văn, đã không dám đến biện luận riêng tư, nhưng lại nói mình là “hiểu được bi trí song vận”!
Lại nữa, hai vị Trần Thuần Long, Đinh Quang Văn lại vọng ngôn rằng tu chứng khí công có thể thành Phật: “Mật tông vì sao lại coi trọng khí mạch như thế? Bởi vì điều này “liên quan mật thiết với việc khai ngộ thành Phật”…Lý luận khí công cho đến nay vẫn chưa hoàn chỉnh, cũng nghĩa là cổ nhân thường thử dùng lý thuyết tương tự như “học thuyết khí mạch” của Thần kinh sinh lý học để giải thích khai ngộ hư không tan vụn, rốt cuộc là do dây “khí mạch” thần kinh nào điều khiển. Đó là việc lợi dụng khí mạch thần kinh sinh lý học theo nghĩa rộng để giải phẫu quan điểm Kiến đạo của Thánh nhân, quả thực là bước đại đột phá từ ngàn xưa đến nay. Người Hoa chúng ta có rất nhiều di sản Trung y, khí công Tạng Mật, dùng nó để phát dương quang đại đều không kịp nữa rồi – “làm sao có thể sàng ra vàng từ rác được”, xây dựng học thuyết hoàn mỹ hơn, có lẽ có thể mở ra kỹ thuật mới, thuốc tây mới, nhanh chóng tiêu trừ hai chấp Ngã – Pháp, khiến cho người tu hành càng dễ thành tựu, lợi ích thêm vô lượng vô biên người, như thế mới là hành vi kế thừa phát triển, làm quang tông diệu tổ. Hiện nay, Đạt Lai Lạt Ma của Hoàng giáo đã cho phép các nhà khoa học cao cấp nhất thế giới đến nghiên cứu các Lạt Ma tu Chuyết hỏa định, vậy mà các nhân sĩ giới tôn giáo Đài Loan chúng ta (lại) còn ngấm ngầm tuyên truyền “khí công là ngoại đạo, không phải Phật giáo”” (226-9,10).
Thế nhưng, người tu chứng khí công, nếu quả thật có thể thành công mà lại chứng được Thức thứ tám Như Lai Tạng, cho đến khởi tu sau ngộ mà chứng được Đạo chủng trí đều biết rằng khí công chỉ là pháp hữu vi hữu tác của ngoại đạo, hoàn toàn không có liên quan gì đến Phật pháp – việc chứng đắc khí công không thể khiến cho người ta sinh khởi bất kỳ trí tuệ nào trong Phật pháp – dù là bất kỳ một loại trí tuệ kiến đạo nào trong pháp Tam thừa. Còn về cảnh giới hư không tan vụn, hiển nhiên là hai vị Trần Thuần Long, Đinh Quang Văn đều chưa chứng đắc, cho nên không thể hiểu được sai lầm trong đó – không biết cảnh giới đó thuần túy chỉ là định cảnh, sai lầm cho rằng nó có liên quan đến khai ngộ trong Phật pháp; lại còn muốn hiểu biết về định cảnh hư không tan vụn bằng y học thần kinh, quả đúng là kẻ ngu si.
Trong “Kinh Lăng Nghiêm” quyển 6 nói: “Vì thế, A Nan! Nếu người nào không đoạn dâm tu thiền định, như nấu cát sỏi mà muốn nó thành cơm, trải qua trăm ngàn kiếp chỉ thành cát nóng. Vì sao vậy? Vì nó không phải là gốc của cơm, là do cát sỏi mà thành. Ngươi cầu diệu quả của Phật bằng dâm thân, đòi đắc diệu ngộ, nó đều là dâm căn, căn bản thành dâm, nên sẽ luân chuyển tam ác đồ, tất không thể thoát, thì Như Lai Niết Bàn làm gì có đường tu chứng? Phải khiến cho dâm cơ trong thân tâm đều đoạn, đến đoạn tính cũng không còn, thì mới có hy vọng trong Phật Bồ Đề. Nói như ta nói gọi là Phật nói, nói không giống như vậy, tức là ma Ba Tuần nói”.
Cho nên, các thầy Mật tông xưa nay muốn dựa vào thành tựu Minh điểm và khí công, dựa vào Song thân pháp để thành tựu “Lạc Không bất nhị, Chính Biến Tri Giác” đều là vọng tưởng ngoại đạo cả. Vì sao vậy? Vì các hành giả Mật tông không chịu đoạn trừ dâm tâm, dâm hành mà đòi cầu Phật đạo, tạo tội căn bản thành dâm, luân chuyển tam ác đồ, tất không thể thoát, thì Như Lai Niết Bàn làm gì có đường tu chứng? Phải khiến cho dâm cơ trong thân tâm đều đoạn, đến đoạn tính cũng không còn, thì mới có hy vọng trong Phật Bồ Đề. Nói như ta nói gọi là Phật nói, nói không giống như vậy, tức là ma Ba Tuần nói. Cho nên các hành giả Mật tông như Trần Thuần Long, Đinh Quang Văn vẫn còn muốn dựa vào Minh điểm, khí mạch, tuân theo giáo nghĩa Mật tông tu hành Song thân pháp để cầu thành Phật, tất cả đều là ma hành. Người dạy chúng sinh tu như thế, lời nói của họ chính là ma nói vậy.
Lại nữa, hai vị Trần Thuần Long, Đinh Quang Văn nếu nói rằng Mật tông không có Song thân pháp, thì đã chứng tỏ rằng hai người này hoàn toàn là kẻ ngoại nghề đối với pháp Mật tông, căn bản không biết gì về pháp khẩu nhĩ tương truyền từ cổ xưa của Mật tông; họ chỉ là những người học nông cạn trong Mật tông, làm gì có tư cách đứng ra để biện luận pháp nghĩa cho Mật tông đây?
[1] Chú thích của người dịch: Pháp Tru là một trong 4 pháp cầu cúng Tức, Tăng, Hoài, Tru của Mật tông. Pháp Tru này tựa như dùng bùa chú, đâm đinh vào búp bê để tru hại một người nào đó. Mật tông từng tuyên bố dùng pháp này để nguyền rủa, chú hại cho Đạo sư chết đi. Và nếu như thấy đối tượng không chết (tức là pháp Tru không linh nghiệm) thì họ bảo rằng đó là nhân duyên chưa đến, tạm tha…
Lượt xem trang: 0