Phật giáo Tạng truyền thật sự là Giác Nãng Ba, hoằng dương diệu pháp Như Lai Tạng Tha Không Kiến, hoàn toàn phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo. Tứ đại giáo phái Hồng, Hoàng, Hoa, Bạch là Phật giáo Tạng truyền giả, tất cả các pháp nghĩa của họ đều không phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo, cho nên là tà giáo, tà pháp.
Tiết 9: Đạo tam thân thành Phật
Mục 1: Đạo Pháp thân thành Phật
Có ông thầy nói rằng: “Phần lớn những người chưa từng tu qua thì Trung âm thân của họ có ba kiểu là Sinh-Tử-Trung, còn với những người thường tu Yoga thì khác. Việc đầu tiên, tức tu ba loại Sinh-Tử-Trung (âm thân) này, muốn nó trở thành “Tử-Trung-Sinh”, đem Tử đặt lên hàng đầu, tiếp đến là Trung, sau cùng là Sinh. Để khiến cho Trung âm thân biến hóa thành hóa thân của Phật, thân khẩu ý của mình biến thành tam thân của Phật, cho nên người tu pháp buộc phải ngày ngày thực hành “quán tưởng ta chết, ta chết rồi, tâm quang này”, phải luyện sao cho hễ vừa tưởng là thành, sau này mới biến thành Phật được. Đây chính là đạo Trung âm thân thành Phật. Khi tu pháp, hành giả tự quán tưởng mình là Phật, phải thực hành quán tưởng thật sự, không được khởi niệm nghi ngờ, đồng thời phải rõ ràng như là đang nhìn thấy. Việc tu tập lúc này chính là cái Nhân thành Phật sau này. Tương lai Trung âm thân thành Phật, tức là cái Quả tu tập lúc này đây. Đắc pháp thuật này là Báo thân thành Phật. Nếu như người nào tu đại uy đức, sau này sẽ biến hóa ra đại uy đức 9 mặt 32 cánh tay, đó là Hóa thân thành Phật. Thứ ba đều là sự nối liền như vậy, cho nên tam thân của Sinh-Tử-Trung tức là tam thân Pháp-Báo-Hóa thân. Đó là đạo thành Phật, cực kỳ quan trọng” (62-264, 265)
Đạo thành Phật tuyệt đối không phải chỉ dùng pháp quán tưởng là có thể thành tựu. Cái mà do quán tưởng mà thành chỉ là Nội tướng phần thôi, hoàn toàn không liên quan gì đến đạo thành Phật cả. Người nào muốn tu đạo thành Phật, thì bắt buộc phải chứng được đạo Phật Bồ Đề và đạo Giải thoát. Người chứng đạo Giải thoát, cốt ở việc đoạn trừ các phiền não Ngã kiến và Ngã chấp, không phải là bắt nguồn từ pháp quán tưởng thành Phật mà đạt thành tựu. Người chứng đạo Phật Bồ Đề, cốt là ở việc chứng được Thức thứ tám Như Lai Tạng, nhờ đó mà sinh ra Tổng tướng trí Bát Nhã. Tiếp theo đó, từ Tổng tướng trí của Bát Nhã mà tiến tu Tổng biệt trí Bát Nhã. Sau khi thông đạt Biệt tướng trí của Bát Nhã thì mới có thể dựa vào đó mà tiến tu Nhất thiết chủng trí. Trước khi tu viên mãn đầy đủ Nhất thiết chủng trí thì gọi là Đạo chủng trí, tức là trí tuệ Bát Nhã của Bồ Tát địa thượng (Thập địa các cấp). Nếu như viên mãn đầy đủ được Nhất thiết chủng trí của Bát Nhã thì mới gọi là tu thành Cứu cánh Phật đạo.
Tu đắc tam thân đầy đủ viên mãn như thế, với các nội hàm thứ tự tu hành như thế mới thực sự là đạo thành Phật, tuyệt đối không phải như đạo quán tưởng thành Phật theo thuyết của Mật tông. Với cái pháp quán tưởng thành Phật như thế, hành giả giả như sau khi thực sự tu tập ba đại vô lượng kiếp (ba đại a tăng kỳ kiếp), vẫn không thể đoạn trừ được Ngã kiến, vẫn ngộ nhận coi Tâm ý thức là Tâm chân thực bất hoại, vẫn chỉ là vọng tưởng phàm phu, vẫn còn chưa thể đạt được quả vị Sơ quả của Thanh văn, nói gì đến việc chứng được quả Bồ Đề Đại thừa? Tu hành như thế, cùng kiếp cũng không thể tương ứng với Phật đạo. Hành giả Mật tông bị dẫn dắt sai lầm như thế, dù có tu hành chăm chỉ cần cù đến mấy cũng tốn công vô ích, quả thật là những kẻ đáng thương.
Ông thầy này lại nói: “Cái quang minh (ánh sáng) khi chết, đầu tiên nhìn thấy ánh sáng đỏ lóe sáng như ánh chớp, sau đó thì hỏa Đan Điền cháy lên (Chú thích gốc: lửa Đan Điền là nội hỏa, độ nóng ấm, là lực của Đan Điền hỏa), sức nóng lên cao, thế là trên đỉnh đầu nhìn thấy một Nguyệt luân (Chú thích gốc: Tiếng Tạng gọi cái Nguyệt luân này là Tiểu thố - thỏ con. Những loại mật ngữ như thế này có rất nhiều trong kinh bí mật của Tây Tạng, nếu như không có khẩu truyền của Thượng sư thì vô cùng khó hiểu. Ở đây cái gọi là Nguyệt luân đó chính là một tên gọi khác của Tinh điểm), lực của Đan Điền hỏa khi dùng đến thì tu “Không An không hai không khác”. Nếu biết Không An không có hai không có khác biệt tức là đã đến lúc ôm Minh Phi rồi đấy (Ý là đến lúc có thể tu chứng song thân pháp bằng quán tưởng rồi). Cái gọi là “ôm Minh Phi” tức là đạo âm dương giao hợp đó. Ôm Minh Phi có thể sinh an lạc, đồng thời nhìn thấy “tất cả các pháp đều Không”, khiến cho Không An bất phân, như thế gọi là “Không An không hai không khác”. Khi ôm Minh Phi, không phải là ôm một Minh Phi trên thực tế, mà là trong lòng tưởng tượng ôm một Minh Phi vậy. Đó là Minh mẫu ảo (Ghi chú: Ôm Minh Phi có nghĩa là Không An. “An” là chỉ Tâm mình, còn “Không” là chỉ Minh mẫu. Hai thứ này hợp lại với nhau, thì gọi là Không An không hai không khác. Hai thứ Không và An mãi mãi không lìa nhau. Chi tiết xem thêm tại 62-273), nếu không khi người chết thật, lấy đâu ra Minh mẫu thật mà ôm đây? Chẳng qua là làm cái quán tưởng này mà thôi. Khi đó, trong lòng tưởng ra “nhất thiết pháp không”, tức tự mình đắc Pháp thân vậy” (62-270, 271).
Những lời nói ở đoạn này chính là đạo “Trung âm thân thành Phật” của Mật tông. Mật tông dựa vào thứ vọng tưởng này để tự nói rằng có thể thành tựu Pháp thân trong một đời, nói rằng khi chết là có thể chứng được Pháp thân mà thành Cứu cánh Phật, đúng là những ngôn thuyết vọng tưởng, xằng bậy. Pháp thân ở đây tức là Thức thứ tám Như Lai Tạng, mà Mật tông tu pháp như vậy, tuyệt đối không bao giờ có thể chứng được Thức thứ tám, thì làm gì có chuyện chứng được Pháp thân đây?
Lại nói: “Nay tu cái thứ ánh sáng lúc chết, bắt buộc phải quán sát cho thật kỹ thì mới nhận biết được nó. Ngày thường, thời thời khắc khắc phải tu, phải tưởng tượng rằng mình chết đi, tứ đại lần lượt hòa nhập (rệu rạo tan rã), là lúc Không đến. Khi nhìn thấy bạch diệu Không đến, khi thì nhìn thấy hồng đại Không đến, khi thì nhìn thấy hắc nhất thiết Không đến, khi dâng lên trên, mệnh tức thì xuất ra, thế là minh quang hiển hiện, là chứng đắc Pháp thân...” (62-294, 295).
Ở đây là sự ngộ nhân Tâm minh quang là Pháp thân đó thôi. Tuy nhiên, Tâm minh quang vẫn chỉ là cảnh giới do Ý thức tạo nên, không liên quan gì đến Pháp thân. Pháp thân trong tất cả các kinh Đại thừa đều nói đó là Thức thứ tám. Còn Pháp thân minh quang mà các sư thầy từ cổ chí kim của Mật tông nói đến đều là pháp cảnh giới nơi mà Ý thức trụ vào, không liên quan gì đến Phật pháp cả. Về các đạo Pháp thân thành Phật khác của Mật tông, chi tiết xem thêm tại Tiết 4 của Chương này, và có nói riêng trong Chương 8, 9. Vì chương tiết có hạn, nên chỗ này chỉ tạm nêu qua.
Lượt xem trang: 0