Chân tướng
Mật Tông Tây Tạng

Phật giáo Tạng truyền thật sự là Giác Nãng Ba, hoằng dương diệu pháp Như Lai Tạng Tha Không Kiến, hoàn toàn phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo. Tứ đại giáo phái Hồng, Hoàng, Hoa, Bạch là Phật giáo Tạng truyền giả, tất cả các pháp nghĩa của họ đều không phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo, cho nên là tà giáo, tà pháp.

CUỒNG MẬT VÀ CHÂN MẬT

 

TẬP MỘT

 

CHƯƠNG 1: KHÁI LƯỢC VỀ MẬT TÔNG

 

Tiết 1: Khái lược về Mật Tông

 

Mục 1: Khái lược về Mật Tông

Mật Tông mà cuốn sách này nói đến là Mật Tông đang được hoằng truyền ở nhân gian ngày nay, không phải là tôn chỉ bí mật cần phải chứng đắc Mật ý trong Phật pháp. Sự khởi đầu của Mật Tông vốn là dựa vào các câu chân ngôn mật chú, mượn nhờ sức mạnh của chư Phật Bồ Tát và các vị Thiên Long hộ pháp để cầu đạt đến sự an lạc thân tâm ở thế gian, từ đó tránh được sinh ra những trở ngại trên con đường tu hành Phật pháp. Cho nên, thuở xưa chỉ có những pháp và nghi lễ mượn nhờ các câu mật chú để cầu thần hộ pháp hộ trì, không phải là những pháp nghĩa có tổ chức nghiêm mật của Mật giáo ngày nay. Hệ thống tổ chức pháp nghĩa nghiêm mật của Mật tông được hình thành bằng cách bổ sung dần sau này, tiếp đến là sự thu nhập và kết hợp giữa ngoại đạo pháp với các danh tướng của Phật pháp, sau đó là thu thập thêm lý luận pháp tu song thân cầu mong nam nữ hợp tu dâm lạc của ngoại đạo vào trong Phật giáo, cuối cùng đem lý luận pháp tu song thân này trước sau nối liền mạch nhất quán mới có sự tổ chức quy mô như ngày nay. Tuy nhiên, đó không phải là Tam chuyển pháp luân của Hiển giáo có đầy đủ nhất thiết pháp của Tam thừa Bồ Đề, cũng không phải là nhất thiết pháp Tam thừa mà Hiển giáo khi ẩn khi hiện nói đến trong Tứ A Hàm. Cho nên mới nói các pháp của Mật tông là các pháp hư vọng do phàm phu tục tử đời sau dựa vào vọng tưởng mà thành lập bổ sung nên, không phải là Phật giáo thực sự.

Các pháp nghĩa hoang đường mà Mật tông chủ trương quả thực là không thể tưởng tượng nổi, đúng là một thứ tôn giáo quái gở, bản chất không phải là Phật giáo. Đạo Giải thoát và Đạo Phật Bồ Đề mà họ nói tới lại hoàn toàn trái ngược với những nghĩa lý chân thực trong kinh điển Tam thừa, dẫn dắt sai lầm chúng sinh một cách nghiêm trọng, khiến cho người học tu Phật pháp rất lâu mà không thể chứng ngộ, đồng thời lại dần đi lạc vào đường khác, chìm đắm trong các pháp hữu vi hữu lậu trong Tam giới, tu càng lâu thì sự chìm đắm đọa lạc càng sâu, không thể tự mình vươn lên thoát khỏi được, cuối cùng chắc chắn sẽ dẫn đến luân hồi vĩnh viễn, thậm chí đọa vào tam ác đạo, di hại cho người học đến mức cực kỳ nghiêm trọng.

Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng này lại rất ít người biết đến, thậm chí ngay trong và ngoài Mật giáo, tuy có người biết nhưng lại không dám mở miệng nói, sợ rằng khi nói ra sự thực sẽ rước họa vào thân, bị nhân sĩ Mật tông công kích, phá hoại thậm chí là bức hại mất mạng. Họ chỉ có thể khắc ghi trong lòng, còn không dám công khai nói ra khỏi miệng, huống hồ sao có thể dám viết ra giấy trắng mực đen? Chính vì lý do đó mà trong suốt thời gian dài, không có người học Phật thông thường nào biết rõ về bản chất của Mật tông, thậm chí ngay cả phần tử tri thức cao cấp như ông Trần Lý An cũng bị chúng lừa mà không thể cảnh giác nổi.

Ngày nay thông tin trên thế giới rất phát triển, trình độ giáo dục của người học được nâng cao rộng khắp, các tri thức Phật pháp cơ bản đều được người học nói chung biết đến một cách phổ biến. Nếu như có người không sợ hãi trước thế lực lớn mạnh của Mật tông, dám đứng ra chỉ rõ những sự hoang đường tà ác trong pháp nghĩa của Mật tông với những chứng cứ rõ ràng, khiến cho tất cả các Pháp vương, Phật sống, Nhân Ba Thiết của Mật tông đều không thể mở miệng nói xen vào được, giúp tất cả những người học đều có thể hiểu rõ về sự tà ác, hoang đường trong pháp nghĩa của Mật tông, thì có thể khiến cho những người học Hiển tông không còn bỏ Hiển học Mật, không còn phải từ chính pháp chuyển sang học tà đạo nữa. Đồng thời cũng có thể khiến cho những người học Mật tông cho đến tất cả các Pháp vương, Nhân Ba Thiết quay về với chính pháp. Như thế khiến cho tình hình những người học Mật tông xưa nay đang đi lầm đường, học lâu không chứng ngộ, hoặc tu sai chứng sai, phạm tội đại vọng ngữ nghiệp dẫn đến sau khi xả thọ đọa xuống địa ngục sẽ có thể dần dần được diệt trừ. Câu chuyện Phật giáo ở Thiên Trúc (Ấn Độ cổ) đã từng bị tiêu diệt bởi tay người Mật tông thời xưa sẽ không còn tái diễn ở Đài Loan ngày nay cũng như Trung Quốc đại lục trong tương lai, pháp nghĩa của Phật giáo sẽ có thể giữ được sự thuần tịnh; Phật giáo ngàn năm từ nay về sau sẽ được lưu truyền mà không còn đáng lo ngại nữa; đông đảo người học thời nay, thời sau cũng có thể tránh được những di độc tà kiến của Mật tông rồi.

Chính vì lẽ đó, việc vạch trần những tà kiến của Mật tông, tăng cường biện giải chính xác làm rõ sự tà ác sai lầm có một ý nghĩa vô cùng sâu xa và trọng đại, tất cả các vị Đại đức trong giới Phật giáo đều không thể rảnh rồi bàng quan. Tôi nay với tư cách là người viết cuốn sách này, tâm ý ở đây là muốn phổ nguyện tới tất cả các vị Trưởng lão, Đại đức, những người học Phật khắp mọi miền, tất cả mọi người học Pháp vương của Mật tông đều có thể quan sát thể hội thành ý này của tôi, thảo luận về bản chất và sự tà ác sai lầm trong pháp nghĩa của Mật tông một cách đúng sự thật, vứt bỏ thành kiến, cùng bắt tay cố gắng vì sự lưu truyền mãi mãi của Phật pháp, tạo phúc cho người học Phật đời nay và mai sau.

Lại nữa, tất cả những người học Mật tông cần đặc biệt cảnh giác và suy xét rõ xem: Mình vào Mật tông học pháp tu pháp, mục đích để làm gì? Nếu như mục đích chỉ là cầu phương pháp tăng cường sức khỏe và hưởng lạc ái dục nam nữ ở thế gian thì có thể không cần để ý đến những gì tôi nói nữa, có thể tiếp tục tu học Mật pháp. Nhưng nếu mục đích học Mật là để tu học Đạo giải thoát và Đạo Phật Bồ Đề thì nên bỏ Mật theo Hiển, không thể tiếp tục gửi thân vào trong Mật tông nữa, bởi tất cả những pháp mà họ tu đều là pháp tà kiến tựa đúng mà lại sai. Nếu như người nào một mực muốn lưu lại trong Mật tông tu học Phật pháp thì nên đợi sau khi làm rõ, sửa lại cho đúng những nội dung tà ác sai lầm trong pháp nghĩa của Mật tông thì hãy tu học, nếu không sẽ đều lầm đường lạc lối, muốn tu chứng trong Phật pháp chắc chắn sẽ không thể thành công. Bởi sẽ dẫn đến phá hủy trọng giới Bồ Tát – tu song thân pháp là cố ý tà dâm; và thành tựu tội đại vọng ngữ sau này chịu quả báo nặng thuần khổ dài đằng đẵng trong địa ngục Vô gián trong vô lượng kiếp - tất cả mọi sự tu chứng tức thân thành Phật trong Mật tông đều là nghiệp đại vong ngữ. Chính vì lí do này, tôi nay kêu gọi tất cả những người tu học Mật tông cần suy xét mục đích học Mật của mình trước, sau đó bình tĩnh nghiên cứu pháp nghĩa của Mật tông xem liệu có phù hợp với chân nghĩa của hai đạo chủ yếu trong Phật pháp hay không, tiếp theo thận trọng quyết định xem mình nên đi hay ở, như thế mới là người có trí tuệ. Những người trong Mật tông nếu chưa đọc nội dung cuốn sách này, mà đã vội phỉ báng ngay, thì đó là những người vô trí và có tâm chấp trước sâu nặng, chưa biết nội hàm mà đã bình loạn vậy.

Tà kiến trong Mật tông vô cùng nhiều, nói vắn tắt thì chủ yếu là tà kiến Vô nhân luận Trung quán của Ứng Thành phái và tà kiến tức thân thành Phật của pháp tu song thân Vô thượng Yoga. Tiếp đến là những đường lối tu hành kì quặc: thâu tập tất cả các pháp tu của ngoại đạo, các loại pháp môn tà kiến thế tục hy kỳ cổ quái, đưa vào trong Phật pháp, lấy đó làm pháp môn tu hành của Phật pháp, ví dụ như cầu Cam lộ, Thiên thức pháp (chuyển thức)..., coi đó là chứng lượng về mặt tu hành Phật pháp. Kỳ thực, những thứ tu hành đó hoàn toàn không liên quan gì đến tu hành trong Phật pháp. Bởi vì con đường tu hành kỳ quái đó đã hoàn toàn trái ngược với lý luận và các pháp môn tu hành thực sự của Phật pháp. Cho nên mới nói Mật tông là thứ tôn giáo kỳ bí quái dị.

Lại nữa, các nội dung như Kiến, Tu, Hành, Quả trong Mật tông đều là sai lầm. Các pháp quán đỉnh đều không có nội dung thực chất. Còn pháp Thiên thức mà họ truyền bá là Không Hành Mẫu đem bản thức của người tu học dịch chuyển đến Không Hành Tịnh Độ hoặc Cực Lạc Tịnh Độ đều thuộc về hư vọng tưởng. Còn pháp “quán tưởng Bản Tôn đã thành Phật tức là mình đã thành cứu cánh Phật” được đề cập trong “Đại Nhật kinh, Nhất thiết Như Lai chân thực nhiếp Đại thừa hiện chứng tam muội đại giáo vương kinh” của Mật tông thì càng là hư vọng. Pháp cầu giáng Cam lộ thì chỉ là pháp hữu vi trong Dục giới thiên, cũng không liên quan gì đến Phật pháp. Còn về Ngũ cam lộ thì càng là tà kiến vọng tưởng đầy hoang đường dâm uế, hoàn toàn không dính dáng gì đến Phật pháp.

Cái pháp lấy nhục thân tu thành Phật mà nói rằng nhục thân tức là Pháp thân thì càng vô căn cứ. Việc tu luyện khí công chuyết hỏa cũng không có liên quan gì đến Phật pháp. Còn pháp quán tưởng trung mạch Minh điểm là Bồ Đề tâm, lấy Minh điểm làm A Lại Da thức trì mệnh trì thân cũng là vọng tưởng của ngoại đạo, không phải là Phật pháp. Pháp tu luyện Bảo bình khí, muốn thành tựu Tứ thiền Bát định trong Thiền định cũng là hư vọng tưởng của ngoại đạo, hoàn toàn không liên quan đến Phật pháp.

Còn về việc Tông Khách Ba làm đảo lộn thứ tự của đạo Phật, gọi các kinh điển Duy Thức trong Tam chuyển pháp luân là pháp bất liễu nghĩa, coi “Trung quán Tổng tướng trí” trong kinh điển Bát Nhã thuộc Nhị chuyển pháp luân là pháp cứu cánh, thế mà các hành giả Hoàng giáo Mật tông tất cả đều tin theo không chút nghi ngờ, thật đúng là những người vô trí. Tông Khách Ba trong cuốn “Nhập trung luận thiện hiển mật ý sớ” còn dẫn thuật các kinh điển của Hiển giáo để chứng minh bằng được cái thuyết “Không có thức thứ bảy, tám” mà ông ta chủ trương, đó đều là cách làm “ngắt chương lấy nghĩa”, xuyên tạc ý Phật nói trong các kinh Tam chuyển pháp luân của Hiển giáo. Ông ta hoàn toàn không biết “những pháp mà các kinh Duy Thức trong Tam chuyển pháp luân đều là Nhất thiết chủng trí mà hành giả chứng ngộ Bát Nhã Trung Quán sau khi chứng ngộ Bát Nhã Tổng tướng trí cần phải học lên”, ngược lại còn vu rằng chân nghĩa Duy Thức của Nhất thiết chủng trí tối cứu cánh liễu nghĩa là pháp bất liễu nghĩa, mượn tà thuyết này để phủ định hai thức thứ bảy và thứ tám, khiến cho người ta không thể trách ông ta là người chưa ngộ Bát Nhã. Ông ta cũng không biết thứ mà Bát Nhã Trung Quán nói đến chính là tính Trung đạo của Thức thứ tám Như Lai Tạng, nói láo rằng “Nhất thiết pháp không” trong “Vô Như Lai Tạng” tức là yếu chỉ của Bát Nhã, hoàn toàn hiểu sai về nghĩa chính xác của Bát Nhã, đúng thật là kẻ phàm phu không biết chứng Bát Nhã vậy.

Tông Khách Ba còn quy định tư cách Thượng sư của Hoàng giáo, lấy đại tiểu hương (đại tiểu tiện) của người đó không thối mà lại có hương thơm để làm tiêu chuẩn có thể đảm nhiệm chức Thượng sư hay không. Những lập luận kiểu đó vô cùng hoang đường. Trong quán đỉnh bí mật mà Tông Khách Ba nói đến là sử dụng bốn vật lưu mạch (đại hương, tiểu hương, tinh dịch và dâm dịch chảy ra sau khi Thượng sư và Sư mẫu hoặc Minh Phi hành dâm trong đàn quán đỉnh) đặt trên đầu lưỡi đệ tử, gọi đó là “nếm cái đó mà sinh Diệu lạc Tam ma địa” càng là thứ quái đản hoang đường hơn. Thế nhưng những người học Mật tông đó khi học đến Đại lạc quang minh, Vô thượng Yoga, Không Lạc song vận ở giai đoạn cuối cùng lại hoàn toàn tin theo không chút nghi ngờ về những điều mà các tổ sư như Tông Khách Ba truyền dạy rằng: Dâm lạc lan tỏa khắp toàn thân giữ mãi không thôi, mà lại có thể Lạc Không song vận trong cảm giác cực lạc, đồng thời thể nghiệm được pháp Không Lạc bất nhị, tức là thành tựu Chính Biến Tri Giác, coi đó là pháp bí mật vô thượng tức thân thành Phật. Điều này khiến cho người ta nghi ngờ hành giả Mật tông rốt cuộc có trí tuệ hay không? Những người có trí tuệ ở thế tục còn có thể nhận biết được sự hoang đường này của họ, mà người học Phật là học lấy trí tuệ, lẽ nào lại không thể nhận biết được sự xằng bậy này, như thế há chẳng phải là đảo lộn hay sao? Những người Nhị thừa tuy không có trí tuệ Bát Nhã nhưng cũng biết cần phải đoạn trừ cái tham của Dục giới, thế mà Mật pháp vô thượng “vượt cả Tam thừa” của Mật tông lại lao vào tham trước Dục giới ái, nói lời sáo rỗng rằng “lấy dục chế dục” mà lìa xa Phật pháp Tam thừa, thật đúng là những kẻ vô trí.

Còn về các chủ trương tùy tiện của Nguyệt Xứng “Bồ Tát” của Mật tông Thiên Trúc và Tông Khách Ba phủ định Thức thứ bảy và Thức thứ tám khiến cho Phật giáo Tam thừa rơi vào trong thuyết Đoạn diệt và thuyết Vô nhân, không những chỉ là hoang đường, mà còn trực tiếp phá hoại gốc rễ của Phật pháp, phỉ báng Bồ Tát Tạng. Trong “kinh Lăng Nghiêm” nói những kẻ như thế đã trở thành kẻ Nhất Xiển Đề, thế mà các hành giả Mật tông lại không chút ngoài nghi, tin theo phụng hành, hùa theo họ phủ định Thức thứ 7, Thức thứ 8, theo các vị tổ sư chưa ngộ như Tông Khách Ba tự thành tựu tội Nhất Xiển Đề.

Như vậy, Mật tông bắt đầu từ Thiên Trúc (Ấn Độ cổ), Trung Quốc và Tây Tạng, nay không ngừng lan tràn khắp thế giới cùng với các loại tà kiến hoang đường và các hành vi phá hoại chính pháp Phật giáo nhưng rất ít người hiểu được, càng không có người nào dám đứng ra công khai vạch mặt. Phật giáo trải qua nhiều đợt bị phá pháp, lật đổ suốt một thời gian dài dưới tay Mật tông, xoay vần truyền đến đất này (Đài Loan), pháp nghĩa thực chất đã bị mai một, rất ít người có thể biết, có thể chứng được pháp nghĩa Tam thừa mà Phật Thế Tôn từng truyền dạy, làm sao có thể chịu nổi đương khi chỉ còn chút sức lực, lại bị Mật tông ra sức tàn phá, thay thế chính pháp bằng các loại pháp ngoại đạo?

Nếu như không có ai đứng ra phá tà hiển chính, khôi phục lại chính pháp liễu nghĩa đúng thực chất thì câu chuyện Phật giáo ở Thiên Trúc bị diệt bởi tay Mật tông năm xưa sẽ lại tái diễn ở Trung Quốc ngày nay, dẫn dắt sai lầm hơn một tỷ người. Thậm chí cùng với sự hoằng truyền khắp thế giới của Mật tông thì sẽ còn dẫn dắt sai lầm cho người học Phật toàn cầu đời sau. Tôi nay nếu không tăng cường biện luận vạch rõ sự tà ác, sai lầm, dẫn đến tình trạng người học Phật khắp thế giới đều tin theo tà pháp của Mật tông thì sau này tất sẽ dẫn đến việc chính pháp liễu nghĩa của Phật giáo vĩnh viễn bị diệt vong ở thế giới này.

Nếu như tôi không có huệ nhãn, pháp nhãn, nên nhìn không ra việc này, khiến cho câu chuyện này tái diễn, thì bản thân cũng chẳng có lỗi lầm gì; Nhưng nếu đã nhìn rõ được việc này mà lại không chịu đứng ra cứu vãn tình thế, thì đúng là quên ơn Phật tổ, phụ nghĩa Phật pháp, không phải là Phật tử chân chính. Chính vì lí lẽ này, nay tôi biên soạn cuốn sách “Cuồng Mật và Chân Mật” để cầu mong trên mình không phụ ơn Phật, dưới không phụ ơn Tổ, ơn Pháp, ơn chúng sinh, đợi khi đến ngày xả thọ gặp mặt Thế Tôn cũng không thấy xấu hổ, mà hoan hỉ đảnh lễ, theo chỉ thị của Phật thọ sinh bất cứ chỗ nào, lại tiếp tục hành Bồ Tát chính hạnh. Nay xin đem tâm hành của mình, phổ nguyện khắp nhân thiên cùng chứng giám, những người học Hiển – Mật đều chiếu đuốc soi tỏ, cùng quay về với chính đạo, cùng đắc pháp ích.


Bài trước

Bài sau

Trang chủ

Lượt xem trang: 0