Phật giáo Tạng truyền thật sự là Giác Nãng Ba, hoằng dương diệu pháp Như Lai Tạng Tha Không Kiến, hoàn toàn phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo. Tứ đại giáo phái Hồng, Hoàng, Hoa, Bạch là Phật giáo Tạng truyền giả, tất cả các pháp nghĩa của họ đều không phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo, cho nên là tà giáo, tà pháp.
Tiết 4: Mật tông tuyệt đối không phải là Phật giáo
Để tán dương sự thù thắng của pháp mình nên Mật tông thường nói rằng: “Bắt buộc phải tu học pháp môn Hiển giáo viên mãn thì sau đó mới được tu học pháp Mật giáo”. Ý nói Mật pháp là pháp đứng trên Hiển giáo, ngụ ý sự tu chứng cơ bản của họ đều nằm trên sự tu chứng cuối cùng của Hiển giáo. Những lời nói kiểu đó rất thường thấy giữa các thượng sư của Tạng Mật – đặc biệt là các Lạt Ma Tây Tạng, họ liên tục có những khai thị như vậy. Còn các đại sư, người học, pháp sư, cư sĩ của Hiển giáo thì cho đến nay vẫn chẳng thấy có ai đứng ra dùng lý để phản bác họ, vì thế mà các thượng sư Mật tông càng ngày càng to gan lớn mật, sau khi chỉnh sửa lời nói rồi viết vào trong sách, đã cho in ấn lưu truyền khắp nơi (ví dụ như các sách do nhà xuất bản Chúng Sinh ngày nay phát hành), từ đó mà truyền bá Mật giáo một cách đường hoàng.
Thế nhưng thuyết pháp của Mật giáo vô cùng tà trái và hoang đường: Nếu như bắt buộc phải tu chứng Kiến đạo và đạt quả vị trong Hiển giáo trước rồi sau đó mới bắt đầu được tu học Mật pháp, thì tất thảy các tổ sư Mật tông từ xưa đến nay (ngoại trừ tổ sư phái Giác Nãng Ba thời xưa) đều không có đủ tư cách tu học Mật pháp, vì các thầy đó đều chưa Kiến đạo trong đạo Giải Thoát và đạo Phật Bồ Đề. Đã chưa Kiến đạo, hiển nhiên không thể nào hiểu rõ như thực pháp nghĩa của Hiển giáo được; đồng thời do chưa chứng được pháp Hiển giáo nên lẽ ra họ còn phải tiếp tục cố gắng tu học pháp Hiển giáo mới đúng. Theo lời của các Phật sống, Lạt Ma của Mật tông, thì các thày Mật tông đó ngày nay đều phải từ bỏ sự “tu hành” của pháp môn Mật giáo, quay lại vào Hiển giáo, tu học pháp Hiển giáo từ đầu, cầu chứng trí tuệ đoạn Ngã kiến mà bậc Sơ quả Thanh Văn phải chứng trong Hiển giáo, sau đó cầu chứng trí tuệ Bát Nhã và trí tuệ đoạn Ngã kiến mà Bồ Tát thất trụ vị ở Đại thừa phải chứng. Hai trí tuệ đó chứng đầy đủ rồi, còn phải tu học Nhất thiết Chủng trí từ trong thực tiễn bình dị. Sau khi chứng được Đạo chủng trí rồi, vẫn còn chưa thể tu học pháp của Mật tông, vì vẫn chưa thành Phật của Hiển giáo. Vì thế, sau khi chứng được Phật quả của Hiển giáo xong, mới có thể quay về với Mật giáo. Nay tôi đem đạo lý mà các thày Mật tông xưa nay nói đó ra, mời các thày Mật giáo bỏ Mật vào Hiển để tu Phật pháp, vì đó là giáo lý mà chính các thày Mật giáo dạy mà. Do đó, các thày Mật giáo ngày nay đều không nên tu học pháp của Mật giáo, huống hồ là còn muốn hoằng truyền nó? Huống hồ là còn muốn sùng Mật ức Hiển?
Thế nhưng các thượng sư, Phật sống, Lạt Ma, Pháp vương, cách tây…của Mật giáo nếu có một ngày thực sự có thể chứng ngộ được Bát Nhã mà Hiển giáo tuyên thuyết, nội dung hoàn toàn khớp với các kinh điển của Hiển giáo, thì nhờ có sự hiển phát của trí tuệ Bát Nhã, họ sẽ chiếu kiến (soi xét) tà kiến của Mật giáo, khi đó nhất định sẽ không chịu nổi trước sự tà trái hoang đường của pháp nghĩa Mật tông, chắc chắn sẽ dần dần phát động cuộc cải cách giáo nghĩa Mật giáo, ra tay để đưa Mật giáo trở về với Hiển giáo, vì giáo nghĩa và pháp môn tu hành của Mật giáo đều trái ngược với đạo Giải Thoát Niết Bàn và đạo Phật Bồ Đề Bát Nhã.
Nay xem pháp nghĩa của Mật giáo, như mật ý đã nêu bên trên, chúng ta có thể thấy rằng Mật giáo tuyệt đối không phải là Phật giáo, thuần túy chỉ là ngoại đạo đem cảnh giới thế gian của ngoại đạo pháp chụp lên bằng các danh tướng quả vị tu chứng cao nhất của Đại thừa mà thôi. Phàm là những người học Phật giáo chúng ta, tất cả các đại sư cư sĩ đều nên xác nhận hiểu rõ vấn đề này. Nếu ai đó còn hoài nghi về những lời nói ở đây, thì có thể lấy các ví dụ thực tế nêu ra trong cuốn sách này để kiểm tra, đối chiếu từng cái một, xác nhận xem Mật giáo liệu có phải là tà trái, hoang đường như tôi đã nói hay không. Sau khi đích thân kiểm tra, nghiệm chứng từng ví dụ một là có thể hiểu rõ được bản chất của Mật giáo, thì có thể xác nhận rằng Mật giáo đích xác không phải là Phật giáo, chỉ là ngoại đạo mặc cái áo khoác Phật giáo mà thôi. Cho nên, chủ trương của Mật tông nói “phải tu học xong Hiển giáo thì mới có thể học Mật”, qua đó để hiển dương sự thù thắng của Mật tông chỉ có thể trùm đầu những người học chưa ngộ, chứ không thể nào qua mặt được tất cả những người chứng ngộ đã có Đạo chủng trí được.
Vấn đề của cuồng Mật hiện nay là do tri kiến của người học Mật tông bị thiếu sót nghiêm trọng và phổ biến, cho nên đã mù quáng sùng bái tín ngưỡng các thượng sư, tổ sư, không có năng lực hoặc không chịu kiểm tra xem lời khai thị của các thượng sư đó liệu có liễu nghĩa hay không? liệu có chính xác hay không? vì thế mà đã bị các thượng sư từ xưa đến nay dẫn dắt sai lầm tùy ý. Chính vì bị dẫn dắt sai lầm, cho nên họ đã dựa vào những quan niệm vào trước làm chủ mà không chịu chấp nhận sự hun đúc của chính pháp, thậm chí còn bài xích chính pháp, phỉ báng chính pháp. Lại nữa, tín đồ Mật giáo đa phần là chỉ ở mức độ tín ngưỡng dân gian, vốn dĩ chưa từng được huân tập và tu học Phật pháp chân chính liễu nghĩa; lại bị các đại pháp sư, đại cư sĩ khắp nơi từ rất lâu nay bám duyên Mật giáo để tự nâng cao mình, khiến cho mọi người hiểu lầm rằng Mật giáo thực sự là một giáo phái của Phật giáo. Sau đó lại bị những người như Lạt Ma “Phật sống” dẫn dắt sai lầm, khiến cho những người học vốn dĩ không có đủ chính tri chính kiến đã tăng cường theo đuổi cảnh giới pháp hữu vi, dẫn đến đa phần ai nấy đều sinh mạn, kỳ thị pháp vô cảnh giới như trí tuệ Bát Nhã chân chính, càng thêm chán ghét xa lìa việc tu chứng pháp Vô sở đắc như Bát Nhã và đạo Giải Thoát thực sự, vì thế mà Mật giáo càng thừa cơ, càng có không gian mở rộng và phát triển. Những người lãnh đạo Mật tông cũng thường thích thổi phồng “chứng lượng” của mình để cầu danh văn và lợi dưỡng. Bởi thế mà các tín đồ của họ ai nấy đều nói rằng: “Chứng lượng mà đại Phật sống của chúng ta nói là Chân Như ở Phật địa, không nói đến A Lại Da thức. Trong Mật giáo của chúng ta, A Lại Da thức chỉ là pháp của người mới nhập môn tu học. Bồ Tát Hiển giáo của các anh chỉ chứng được A Lại Da thức, chứng lượng quá thấp rồi”. Thế nhưng, suy xét kỹ pháp mà Mật giáo nói, bọn họ kỳ thực đều chưa từng Kiến đạo, không hề có Kiến đạo của Phật pháp Tam thừa.
Vì sao vậy? Vì A Lại Da thức mà Mật giáo nói ở đây chỉ là Minh điểm do Ý thức quán tưởng ra – quán tưởng thành tựu Minh điểm học được từ pháp ngoại đạo ra, nói rằng thế là chứng được Thức thứ tám A Lại Da, coi đó là chứng lượng Sơ địa trong Kiến đạo. Thế nhưng Minh điểm mà họ chứng được đó căn bản không phải là A Lại Da thức mà Phật dạy, chỉ là lấy Minh điểm của ngoại đạo pháp thay thế cho A Lại Da thức mà Phật nói. Đại đa số các tín đồ Mật giáo vô trí kia đều không biết điều này, cho nên đã tin theo không chút nghi ngờ. Lại do không có ai đứng ra công khai tuyên thuyết chính nghĩa, nên những người học Mật giáo kia đã theo các thượng sư Mật giáo từng bước đi sâu vào tà đạo, đại bộ phận đều không thể tự cảnh tỉnh. Cho nên, tôi nay vì muốn đem lại lợi ích cho tất cả những người học Phật giáo, trở thành ác nhân đắc tội với các thượng sư, pháp vương của Mật tông, đứng ra công khai tuyên bố, biện chính rằng: chính thức đặt tên cho Mật tông Tây Tạng đang tồn tại và hoằng truyền trong thực tế hiện nay là “Cuồng Mật”.
Lượt xem trang: 0