Phật giáo Tạng truyền thật sự là Giác Nãng Ba, hoằng dương diệu pháp Như Lai Tạng Tha Không Kiến, hoàn toàn phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo. Tứ đại giáo phái Hồng, Hoàng, Hoa, Bạch là Phật giáo Tạng truyền giả, tất cả các pháp nghĩa của họ đều không phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo, cho nên là tà giáo, tà pháp.
Tiết 32: Vọng tưởng về Yoga vô tử của Mật tông
Các thày Mật tông thường nói hay ho rằng “Mật tông có Yoga vô tử”, thế nhưng cái gọi là “Yoga vô tử” của Mật tông kỳ thực chỉ là pháp vọng tưởng. Ví dụ Thượng sư Trần Kiện Dân nói thế này:
“…Quán tu tường thuật ở trên, không chỉ là cầu mong có được khái niệm về mặt tri thức mà thôi. Người học bắt buộc phải thể nghiệm được cảnh trí trong đó. Giả như là người có tâm, tự mình có thể quán tưởng Bản tôn; nếu như không có tâm (không có ý định) thì ai có thể quán tưởng Bản tôn?
Nếu như chúng ta có một quyết định (quan điểm chắc chắn) rằng: Con người đều có tâm. Giả sử rằng tâm có cái chết của nó thì phương thức chết là như thế nào? Chúng ta nếu chưa từng thấy, chưa từng nghe rằng tâm có phương thức chết của nó thì có thể xác lập một quan điểm chắc chắn rằng: Tâm không có cái chết.
Tâm không có cái chết thì thân còn chết không? Tâm đã có thể quán thân thành Bản tôn, mà tâm không chết thì thân làm thế nào mà chết được? Nếu như nhục thân chết đi, thì cái Tâm trong cảnh giới Trung âm liền có thể quán tưởng thân thành Bản tôn có quang (ánh sáng) của Không tính mà sinh khởi (tái sinh) trở lại. Cái loại thân Không tính này làm thế nào mà chết đi được? Cho nên, qua đây chúng ta có thể rút ra một kết luận rằng: Vì Tâm không chết nên thân cũng không chết. Qua đó cũng rút ra một quyết định: Tâm và thân không khác gì nhau…
Nếu muốn hiểu rõ thân là vô tử, hoặc quán thân không chết, chúng ta buộc phải xác quyết rằng: Tâm tức là Bản tôn, thân tức là tâm, cho nên thân và tâm đều không chết. Đây không chỉ là khái niệm tư duy mà thôi, học giả còn buộc phải dựa vào sức mạnh thiền định của mình để khiến cho sự thật về bí mật vĩ đại này trở thành hiện thực.
Lại nữa, giả sử Tâm tức là Không, thì nghĩa là chẳng có sinh, chẳng có trụ, chẳng có hoại. Như thế thì tâm không chết. Tâm đã không chết, thì thân cũng không chết. Tâm này vô sinh, vô tử, vô trụ. Bản tôn đi đứng nằm ngồi, các loại tác dụng của hành vi, không khác gì so với tâm, không tách rời nhau. Tâm này nếu đã không chết thì thân Bản tôn tự nó cũng không chết…Lại nữa, khi tôi dụng tâm quán ra Pháp thân Phật, thì Pháp thân của vị ấy liền không hai không khác với tâm linh của tôi. Nhục thân của tôi nếu đã nằm trong Pháp thân, hơn nữa lại bị quán thành một cái tâm Trí đăng (ngọn đèn trí tuệ) thì nhục thân của tôi và tâm mà tôi quán thành cũng không hai không khác rồi. Do đó, thân tâm tuy có hai tầng trong ngoài, nhưng bất luận là tầng nào thì cũng đều không chết. Học giả chỉ cần chăm chỉ luyện tập dựa trên kinh văn và pháp tu bổ sung của tôi thì chắc chắn có thể chứng được cảnh giới Yoga vô tử” (32-434, 437).
“Yoga vô tử” của Mật tông Tây Tạng như thế kỳ thực là “tất chết đồng thời phi Yoga”. Bởi vì cái sở đắc từ sự tư duy như thế đều là xuất phát từ vọng tưởng tự ý, cho rằng Ý thức (Tâm giác tri) có thể quán tưởng thân Bản tôn tự nó chắc chắn bất hoại, cho nên Ý thức vô tử. Từ lối tư duy hoang đường này mà dẫn đến tà tư duy về Sắc thân và Ý thức không hai, sau đó lại phái sinh ra quan niệm “Vì Tâm giác tri bất hoại nên Sắc thân bất hoại, vì Tâm giác tri bất hoại nên thân Bản tôn quán tưởng ra bất hoại, cho nên Bản tôn vĩnh viễn không chết, vì thế mà thân tâm không chết”. Sự phái sinh dựa trên vọng tưởng tự ý để sinh ra các loại hư vọng như thế mà nói rằng sau khi thâm nhập tư duy thì nghĩa là chứng được Yoga vô tử.
Thế nhưng, đứng theo góc độ giáo lý mà nói, cái tâm Ý thức có thể thực hiện hành vi quán tưởng đó không phải là tâm không chết thực sự, vì nó chỉ tồn tại có một đời thôi. Ý thức của Tâm giác tri đời này cũng giống như Tâm giác tri của đời trước không thể di chuyển đến đời này, cho nên nó cũng không thể chuyển sinh sang đời sau được. Như vậy, coi cái Tâm ý thức giác tri nhất định có chết, chỉ tồn tại một đời là tâm không chết, từ đó lại dẫn sinh ra các loại ý tưởng không chết, kỳ thực đều là vọng tưởng cả, vì pháp vô tử mà họ nói kỳ thực là pháp tất chết, chỉ có thể đi nhập thai mà không thể trụ trong thai sau khi đã nhập thai, cũng không thể tái sinh khởi, hoàn toàn trái giáo bội lý.
Lại nữa, Mật tông nói câu “khi tôi dụng tâm quán ra Pháp thân Phật, thì Pháp thân của vị ấy liền không hai không khác với tâm linh của tôi” cũng là vọng ngữ, vì Pháp thân chính là Thức thứ tám Như Lai Tạng mà ai ai cũng có. Mà Pháp thân tâm Thức thứ tám này không phải là nhờ quán tưởng mà có (thủ chứng) được, mà buộc phải tham thiền tìm Tâm để xúc chứng Thức này, như thế mới là Pháp thân thực sự.
Lại nữa, Pháp thân là Tâm, không hình không sắc, không thể nào xuất hiện qua Sắc pháp quán tưởng được. Nay Mật tông nói “Pháp thân có thể xuất hiện qua quán tưởng” là hoàn toàn trái ngược với lời Phật dạy, cũng trái ngược với chứng lượng của những người chứng ngộ được Pháp thân Thức thứ tám, thì sao có thể nói là chính pháp được? Cho nên, thuyết “Yoga vô tử” của Mật tông chính là pháp tất chết, tuyệt đối không phải là chính lý của Yoga, chỉ là hư vọng tưởng, không phải là Phật pháp thật sự.
Lượt xem trang: 0