Chân tướng
Mật Tông Tây Tạng

Phật giáo Tạng truyền thật sự là Giác Nãng Ba, hoằng dương diệu pháp Như Lai Tạng Tha Không Kiến, hoàn toàn phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo. Tứ đại giáo phái Hồng, Hoàng, Hoa, Bạch là Phật giáo Tạng truyền giả, tất cả các pháp nghĩa của họ đều không phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo, cho nên là tà giáo, tà pháp.

Tiết 19: Vọng tưởng tiêu trừ nhân quả của Mật tông

Vọng tưởng về tiêu trừ nhân quả của Mật tông là thế này: “…Cái thân ảo hóa này có hai loại ‘học và bất học’. Người học là nhờ tu mà thành, người không học là tự nhiên mà có, không phải nhờ tu mà có. Trung âm thân của người thường do nhân quả mà đến, Trung âm thân đến từ nhân quả không thể thành Phật. Bắt buộc phải tiêu trừ nhân quả thì mới có hy vọng thành Phật. Muốn tiêu trừ nhân quả, nhất định phải tu tập ‘Tam biến dung hóa, tứ không tương ứng’, đem quang minh lúc chết hợp tu với thân ảo hóa, như thế mới có thể thành tựu được” (62-281).

Cái gọi là “Tam biến dung hóa – ba lần hòa nhập” là: “Người khi chết nhất định sẽ phóng quang, trước khi phóng quang sẽ có ba lần hòa nhập. Thế nào là ba lần hòa nhập? Tức là đầu tiên thì thấy bạch quang, sau đó thấy hồng quang, sau cùng là thấy hắc quang. Sự hòa nhập ánh sáng trắng, đỏ, đen là do khí nhập Trung mạch. Sau khi khí nhập, điểm trắng trên đỉnh đầu hóa xuống, điểm đỏ giữa rốn thăng lên, hai điểm này gặp nhau ở giữa tâm, thế là đen tối dị thường, tất cả đều không biết gì nữa” (62-289). Còn về “Tứ không tương ứng”, xin xem chi tiết trong Tiết 9 Chương 2 của Tập 1, do lời văn dài nên không trích lục ở đây nữa (hoặc xin đọc 62-285~287).

Thế nhưng, việc tiêu trừ nhân quả mà Mật tông nói ở đây chỉ là vọng tưởng. Vì sao vậy? Vì việc tu chứng Phật pháp, việc hành các nghiệp thiện của tất thảy phàm phu ngoại đạo, cho đến tất cả các Bồ Tát trong Phật giáo, không có gì không thuộc phạm trù nhân quả, thì lấy đâu ra thứ gì có thể chạy ra ngoài nhân quả? Cho tới chư Phật, các A La Hán cũng đều nhờ cái nhân tu chứng đạo Giải Thoát và đạo Phật Bồ Đề mới thành tựu Giải thoát quả và Phật quả, vẫn nằm trong pháp tắc của nhân quả, thì sao Mật tông lại nói phải tiêu trừ nhân quả được? Thật đúng là những kẻ điên đảo!

Lại nữa, việc tu trừ nhân quả, chỉ có thể là các nghiệp ác đã tạo từ nhiều đời trước đợi khi duyên chín, chịu quả báo thì mới tiêu được, chứ không phải như Mật tông nói là tiêu trừ bằng pháp quán tưởng ba lần hòa nhập, tứ không tương ứng được. Nói như thế là trái ngược với đạo lý nhân duyên quả báo của Phật pháp, tuyệt đối không phải là Phật pháp.

Nếu đúng như Mật tông nói, tu học các pháp quán tưởng Trung mạch, Minh điểm thì có thể tiêu trừ được nhân quả thì nhân quả báo ứng mà Phật thuyết chẳng có nghĩa lý gì nữa, sẽ trở thành hư vọng hết; thì câu Bồ Tát Long Thụ nói: “Dù cho trăm ngàn kiếp, nghiệp đã tạo không mất, khi nhân duyên gặp gỡ, quả báo hoàn tự chịu” đều biến thành vọng thuyết cả. Nếu như người nào có trí tuệ, muốn cho nhân quả ác nghiệp tiêu vong, duy chỉ có một việc có thể làm, đó là ra sức thực hiện các việc đem lại lợi ích cho chúng sinh, gắng sức làm các việc thiện để hồi báo cho oán gia trái chủ, khiến tâm họ vừa lòng thì ác nghiệp mới tiêu tan được, chứ không phải là dựa vào các pháp tu chứng Trung mạch, Minh điểm…là có thể tiêu trừ nhân quả.

 

 


Bài trước

Bài sau

Trang chủ

Lượt xem trang: 0