Chân tướng
Mật Tông Tây Tạng

Phật giáo Tạng truyền thật sự là Giác Nãng Ba, hoằng dương diệu pháp Như Lai Tạng Tha Không Kiến, hoàn toàn phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo. Tứ đại giáo phái Hồng, Hoàng, Hoa, Bạch là Phật giáo Tạng truyền giả, tất cả các pháp nghĩa của họ đều không phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo, cho nên là tà giáo, tà pháp.

Tiết 5: Các Không tính kiến khác của Mật tông

Không tính kiến của các thày Mật tông vô cùng hỗn loạn, những gì họ nói đều khác nhau. Có lúc, tuy cùng là một người nói mà vẫn có hiện tượng trước sau mâu thuẫn. Nay tôi nêu ra các thuyết khác để thảo luận:

Người trong Mật tông coi chứng đắc Không An của pháp tu song thân vô thượng Yoga là chứng ngộ Không tính: “Hôm qua giảng về tu đạo ảo hóa có ba, tức một là tu Minh hiển, hai là tu nằm mơ, ba là tu Trung âm thân. Thứ nhất, về tu Minh hiển, trong đó có Tứ không. Thế nào là Tứ không? Tức Không, Đại Không, Diệu Không và Tất thảy pháp Không. Tứ không này phải hiểu rõ mới được. Tất thảy pháp Không thứ tư, tức là trong tâm tưởng đến “Tất thảy pháp tự tính Không”. Không này hợp với An lạc, tức thành Không An không hai không khác. Khi Không An không hai không khác, tâm phải bình định. Nếu có Minh mẫu (nếu có thể có được người nữ trong pháp tu song thân), thì ôm Minh mẫu tu là được. Nếu không có Minh mẫu, thì quán tưởng ôm Minh mẫu cũng được (nếu không có Minh mẫu thì dùng pháp quán tưởng để tưởng tượng mình và Minh Phi hợp tu cũng được), như thế cũng có thể đắc an lạc như ôm Minh mẫu (cũng có thể dẫn sinh dâm lạc như hợp tu với Minh Phi thực thể). Tu như thế lâu dần, tự nhiên sẽ thuần thục. Bất luận trên tòa hay dưới tòa, hành giả đều nên nhất tâm Không An không hai không khác. Cái tâm so đo yêu ghét của phàm phu trước đây, lúc này đều phải trừ bỏ hết sạch. Đồng thời nên nhất tâm coi chúng sinh là Hóa thân Phật, coi chốn Không là đàn thành, không chút nghi ngờ. Người nào làm được như thế, mới là người trong ngộ đạo”. (62-233)

Pháp môn tu hành Mật tông như thế chắc chắn sẽ khiến cho hành giả Mật tông tu Phật pháp lâu ngày mà chẳng có kết quả gì. Thứ nhất, Tất thảy pháp Không không phải là Phật pháp. Người tâm tưởng Tất thảy pháp Không quả thực không thể nào hiểu được Tất thảy pháp Không. Người muốn chứng giải Tất thảy pháp Không, phải quán sát trong Tất thảy pháp ở bên ngoài thân tâm để xem chúng vô thường biến dị, cuối cùng phải quy về hoại diệt, như thế gọi là pháp Không. Lại còn phải quan sát kỹ thân tâm của chính mình, thấy được thân mình là mượn tinh cha huyết mẹ và tứ đại giả hợp mà thành, tức chỉ là các loại duyên (điều kiện) kết hợp giả với nhau mà thành, thế là pháp Duyên khởi. Tất cả mọi pháp Duyên khởi đều là pháp có sinh có bắt đầu. Pháp có sinh có bắt đầu thì tương lai nhất định sẽ có chết, có diệt. Pháp có chết, có diệt thì tức là vô thường. Pháp vô thường thì tức là Không tướng – tạm có cái hoại diệt cuối cùng, cho nên mới nói sắc thân chúng ta cũng là Không.

Sau đó lại quán sát Tâm kiến văn giác tri của chúng ta cũng là Không. Vì sao lại gọi là Không? Vì Tâm kiến văn giác tri tức là tiền Lục thức (sáu thức đầu). Thể tính của Tâm kiến văn giác tri sáu thức này phải dựa vào Ngũ sắc căn của Sắc thân tiếp xúc với Ngũ trần và thức thứ bảy Ý căn tiếp xúc với Pháp trần thì mới có thể hiện khởi và vận hành. Nếu như khuyết một trong các duyên này thì tất sẽ dẫn đến ngủ say, cho đến hôn mê, tử vong. Việc này không cần đích thân trải nghiệm từng cái một, nhưng quan sát tứ uy nghi của mình và người khác cùng với các loại sự cố tai nạn xảy ra với người khác trong nhân gian, hoặc đến bệnh viện quan sát thì có thể hiện tiền nghiệm chứng được. Tâm kiến văn giác tri tư duy phân biệt nếu đã phải dựa vào các loại duyên sau khi hợp thành mới có thể sinh khởi, thì nó là pháp y tha mà sinh. Pháp y tha mà sinh thì chắc chắn là pháp có sinh có diệt. Cũng có thể hiện tiền quan sát cái “Tâm ý thức kiến văn giác tri tư duy phân biệt” đêm đêm tất đoạn diệt lúc ngủ say, phải đợi sau khi Mạt Na thức tiếp xúc với Pháp trần thì mới có thể tỉnh giấc, vì nó không thể tự tỉnh lại được (Ý thức đã bị diệt, diệt rồi thì tức là vô pháp (không còn pháp ấy tồn tại nữa). Đã là vô pháp thì không thể tự tái sinh, phải đợi các duyên khác sinh ra nó, thì mới có thể tái hiện).

Nếu như có người bị đánh đập mạnh đến mức ngất đi, phải đợi khi nào Sắc thân dần dần khôi phục lại bình thường thì mới có thể tỉnh lại. Cũng giống như người phải phẫu thuật, Sắc thân bị tác dụng của ngoại lực (thuốc gây mê) thì cũng không thể khiến cho Tâm tính kiến văn giác tri tiếp tục vận hành bình thường, cho dù Mạt Na thức làm chủ vẫn còn đó, nhưng cũng không thể khiến mình tỉnh được. Cho nên, người bị gây mê phẫu thuật, khi thuốc gây mê vừa sút giảm, tuy lập tức muốn tỉnh dậy, nhưng vì thuốc gây mê vẫn còn chưa phân giải biến mất hoàn toàn, cho nên lúc mà Mạt Na thức muốn tỉnh, gọi Tâm giác tri dậy, nhưng chỉ mở mắt được một cái lại bị thuốc gây mê khống chế mà hôn trầm ngủ tiếp.

Điều hiển nhiên ở đây là: Tâm tính kiến văn giác tri tư duy phân biệt (Tiền Lục thức tính) chắc chắn phải y tha mà khởi (dựa vào cái khác mà sinh ra), phải dựa vào sự vận hành bình thường của Ngũ sắc căn và tác ý muốn tỉnh dậy của Mạt Na thức thì mới có thể tỉnh lại được. Nếu Ngũ sắc căn không bình thường (như mắc bệnh nặng hoặc bị thuốc gây mê kiểm soát), cho nên vì sự bất thường của Ngũ sắc căn mà dẫn đến Tâm giác tri không thể hiện hành vận tác được. Như vậy, đã có thể chứng minh Tâm kiến văn giác tri tư duy quan sát phân biệt chỉ là pháp có sinh có diệt, vì nó là pháp phải dựa vào “pháp khác, chúng duyên” mới có thể hiện hành vận tác được, không phải là pháp từ vô thủy đến nay tự nó đã có sẵn. Đã là pháp có sinh có diệt, thì tức là pháp vô thường hữu vi, biến dị, không thể chủ trương rằng Tâm giác tri là “Tâm Không tính từ vô thủy vốn dĩ đã có, không sinh không diệt” mà Phật tuyên thuyết được. Nay Mật tông cho rằng cái Tâm giác tri cảm thụ lạc xúc trong dâm lạc của pháp tu song thân, nó ở trong cảnh giới nhất niệm bất sinh, trong cảnh giới không tham dâm lạc (kỳ thực chính là đang tham dâm lạc, vì là tri giác tà xúc đang hưởng thụ dâm lạc tình dục), mà coi cái sự vô hình vô sắc của dâm xúc và Tâm giác tri trong dâm xúc đó cũng không có hình sắc, gọi đó là Không tính. Quan sát dâm xúc và Tâm giác tri bất nhất bất nhị (không phải là một, cũng không phải là hai) như thế, gọi đó là Lạc Không bất nhị, nói như thế là chứng ngộ Không tính, hiểu sai Phật pháp đến mức độ nghiêm trọng như vậy, thật khiến người ta than hãi!

Mật tông quán sát Tất thảy pháp Không như thế, lại không biết Tâm kiến văn giác tri của mình chính là pháp vô thường biến dị nằm trong Ngũ uẩn, lại không thể hiểu rằng Tâm kiến văn giác tri cũng là nằm trong phạm vi của “Tất thảy pháp Không”, lại vọng ngôn chủ trương Tâm kiến văn giác tri hằng thường bất hoại, tự đọa vào trong tà kiến của thường kiến ngoại đạo, thì sao có thể gọi là người có trí được?

Lại có người hiểu sai về Không tính thế này: “Thân thể của chúng ta như hình ảnh trong gương, toàn thân không giả, không có thực nghĩa. Thế gọi là Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc. Vậy thì pháp ngoài thân cũng làm gì có cái nào tồn tại độc lập mà không phải như thế? Nếu như chấp rằng thực có, thì sẽ biến thành vọng kiến đấy! Hành giả nếu có thể triệt ngộ lý Không, tu tập thực địa, thì lâu dần tự có thể thấy đại địa sụp chìm, Pháp Ngã hai thứ đều Không. Lúc mới đầu tu không ngại quan sát phạm vi mức độ nhỏ, chỉ xem một, hai pháp Không. Sau khi nhập vào thì lại dần dần tăng rộng, cho đến khi thấy pháp nào cũng là Không. Khi hành giả tu tập, có thể treo một tượng Phật trên tường trước mặt, lại đặt tấm gương hai hướng trước sau mình, để tượng Phật trước mặt hiện lên trong gương phía sau, rồi lại từ gương sau chiếu lên gương trước. Điều chỉnh để ảnh tượng Phật nằm vừa tầm trong gương trước mặt, phía trên đỉnh đầu cái ảnh của mình. Sắp đặt ổn thỏa xong, thì quán tưởng hai ảnh trong gương không hai không khác. Thường xuyên tu như vậy, tự có thể diệu ngộ được cái lý Không ảo, tâm “Tất thảy pháp Không” tự nhiên sẽ có sức mạnh to lớn”. (62-236)

Người dựa vào ảnh gương để quán tưởng mình là Không như thế, trước sau vẫn không thể nào đoạn trừ được vọng tưởng “Tâm giác tri bản thân chân thực thường trụ”, trước sau không thể đoạn được Ngã kiến, mà lại ngộ nhận cho rằng quán sát Sắc thân của mình như cái ảnh trong gương không có hình sắc thì nghĩa là đã đoạn được Ngã kiến. Kỳ thực, anh ta vẫn nhận định rằng bản thân Tâm giác tri chân thực bất hoại, là pháp thường trụ, là đang rơi vào trong thường kiến Ngã kiến mà Phật đã phá bỏ trong Tứ A Hàm. Hiểu sai về Ngã kiến và pháp tu sai lầm như thế mà nói là có thể chứng được Tất thảy pháp Không, thật không đúng lý chút nào. Bởi lẽ người mà chấp bám “Tâm giác tri Ngã” là pháp chân thực bất hoại không phải là người chứng biết được Tất thảy pháp Không, vì chắc chắc rơi vào trong “thường kiến kiến”.

Thượng sư Mật tông lại khai thị về pháp tu Tất thảy pháp Không thế này: “Người tu pháp phải quán “Tất thảy pháp Không, như mộng như ảo”, không có gì là chân thực. Đời người vốn dĩ như giấc mộng lớn, thế sự như hư ảo. Nếu nói tôi không tin thì hãy ra ngã tư giương mắt mà xem, rồi quay về suy nghĩ cho kỹ: xe, ngựa, người, vật nhìn thấy lúc nãy giờ ở chốn nào? Chẳng phải là như một giấc mơ hay sao? Khi ấy còn thực tại, qua rồi chẳng còn gì nữa. Nói đó không phải là Không, ta không tin đâu. Cho nên, hành giả khi tu ở nhà nếu vẫn chưa thật hiểu, có thể ra ngoài phố xem xem, có cái gì mà không vụt mất trong chớp mắt? Pháp sinh diệt trên đời vốn dĩ do nhân duyên hòa hợp sinh ra, do nhân duyên ly tán mà mất đi, sinh tử đời người cũng không ngoài phạm vi này. Người tu pháp phải thường xuyên quan sát người chết, nhờ đó mà có thể khiến ta cảm nhận sâu hơn. Cho nên, người chết không nhìn thì “cái tâm sợ chết” không sinh; cái tâm sợ chết không sinh thì không chịu nỗ lực cầu đạo giải thoát, đó là cái lý bất dịch nhất định”. (62-237)

Thày Mật tông như thế, không quán sát Thập bát giới của mình hư ảo, mà lại quán sát cái không ảo bên ngoài, thì rốt cuộc không thể nào đoạn được Ngã kiến, huống hồ là đoạn Ngã chấp? huống hồ là chứng đắc Tất thảy pháp Không? Tất cả đều không thể đoạn được. Cho nên, hành giả Mật tông nếu thực sự muốn đoạn Ngã kiến, phải quán hành bắt đầu từ Tâm kiến văn giác tri của mình hư vọng, từ việc y tha khởi tính của Tâm giác tri. Người thực sự có thể hiện tiền quan sát Tâm giác tri của mình hư vọng thì có thể đoạn trừ được Ngã kiến, thì người đó mới có thể gọi là người Sơ quả Thanh Văn. Nếu người nào không thể hiện quan Tâm giác tri của mình hư vọng, thì người đó vĩnh viễn không đoạn được Ngã kiến, mãi mãi rơi vào trong thường kiến, miệng tuy nói đã đoạn Ngã kiến, thực tế chẳng khác gì thường kiến ngoại đạo. Nếu người nào không chịu nghe tôi khó nhọc khuyên bảo, mà cứ tiếp tục coi việc Tâm giác tri không chấp bám chư pháp là Chân Như thường trụ bất hoại, thì kẻ đó còn tiếp tục xướng ngôn nói mình đã đoạn Ngã kiến, tức là đã thành tựu đại vọng ngữ nghiệp, là kẻ thực sự đáng thương.

Tông Khách Ba cũng hiểu lầm về cái lý Không tính, coi Tất thảy pháp Không là Không tính trong kinh Bát Nhã: “…“Kinh Bát Nhã” nói: “Phật cũng như ảo như mộng, nếu như còn có pháp nào thắng diệu hơn Niết Bàn, ta cũng nói pháp đó như mộng như ảo”. Thất Gia Hành nói: “Hành giả trước chư pháp, giỏi chặn che điên đảo, nên nói Tứ gia hành”, lại nói: “Trong tất thảy chư pháp, nói Vô tính làm chủ; lấy chư pháp vương tử, nhờ tu này mà thành, tất thảy Phật viên mãn”. Cái vô Tự tính của nó là Không tính tối thắng có Nhất thiết chủng. Không trong Không hoa sừng thỏ, là vô sở hữu, không thể hiện chứng. “Bảo Đỉnh kinh” nói không lìa bố thí cho đến Không của Phật pháp, là Không tính thù thắng có Nhất thiết chủng”. (21-393)

Trong đoạn văn trên, Tông Khách Ba đâu chỉ hiểu sai về cái lý Không tính mà còn hiểu sai về chân nghĩa của Nhất thiết chủng mà Phật đã thuyết. Không tính nói trong các kinh điển hệ Bát Nhã, thực chất là chỉ Thực Tế của Niết Bàn – Thực Tướng Tâm bất sinh bất diệt mà chúng sinh vốn có – Thức Chân Tướng thứ tám, không phải là cái “vô thường Không” và “không vô” sau khi đoạn diệt của Tất thảy pháp Không. Phật dựa vào Thức thứ tám để nói về tu chứng Niết Bàn, dựa vào việc không còn thụ sinh của Thức thứ tám mà nói về Niết Bàn vô dư. Nếu lìa Thể Thức thứ tám, thì không có Niết Bàn để nói nữa, cho nên Niết Bàn chỉ là danh ngôn bày đặt, dựa vào việc không còn thụ sinh trong Tam giới của Thức thứ tám mà nói về cảnh giới của Niết Bàn vô dư.

Thế nhưng, Niết Bàn vô dư không phải là pháp cứu cánh, vì vẫn còn Chủng tử tùy miên của Phiền não chướng vẫn chưa đoạn tận. Phật nói Đại Bát Niết Bàn mới là cứu cánh – vì tất cả mọi chủng tử tập khí của Phiền não chướng đều đã đoạn tận, tất cả mọi tùy miên Sở tri chướng cũng đã đoạn tận rồi.

Niết Bàn mà tất cả mọi thánh nhân Tam thừa trong Phật giáo chứng được đều là pháp cứu cánh trong Tam giới, vượt qua cái (Niết Bàn) này thì không có tất thảy pháp để nói nữa. Trong quả vị Niết Bàn vô dư, Thất chuyển thức đều đã đoạn diệt hết sạch, Thập bát giới cũng đều không hiển hiện, không còn cái giác tri (Ý thức) lúc tỉnh, cũng không còn cái tư lượng (Mạt Na thức) lúc ngủ say nữa, tất cả mọi pháp đã đoạn diệt, thì làm gì có pháp nào mà nói? Cho nên, Phật mới nói: “nếu như còn có pháp nào thắng diệu hơn Niết Bàn, ta cũng nói pháp đó như mộng như ảo”, vì trong quả vị Niết Bàn vô dư không còn cái Ngã nào nữa – vì cái Ngã Tâm giác tri và cái Ngã Tâm tư lượng đều đã diệt tận rồi.

Nếu như Ý thức bất diệt như Tông Khách Ba chủ trương, có thể đi thông qua lại ba đời, có thể nhập vào trụ bên trong Niết Bàn vô dư, thì nghĩa là trong vị Niết Bàn vẫn phải có Tâm giác tri và Tâm tư lượng tồn tại, thì trong vị Niết Bàn vẫn còn có pháp, thì trong vị Niết Bàn vẫn tiếp tục xuất hiện tất thảy pháp tồn tại và vận hành, thì nghĩa là còn thắng diệu hơn cả pháp Niết Bàn. Vì chắc chắn như thế, chư pháp trong đó đều phải dựa vào nền tảng Niết Bàn để hiển hiện ra đại dụng của xuất thế gian pháp, thì tức là còn siêu việt hơn cả pháp Niết Bàn. Nếu mà như thế thật thì tức là Phật đã nói vọng ngữ, thì các kinh điển hệ Bát Nhã phải mời Phật nói lại, viết lại. Là đúng hay là sai? Người có trí hãy cùng nhau suy nghĩ đi!

Phật nói Không tính, là nói về Tâm Thức thứ tám, đồng thời dựa vào Trung Đạo tính của Tâm Thức thứ tám để nói về Không tướng của chư pháp Ngũ uẩn – Sắc thân và Tâm kiến văn giác tri đều hư vọng, chứ không chỉ nói về Không tướng của chư pháp Ngũ uẩn mà thôi. Các thày Mật tông như Tông Khách Ba đọc kinh nhưng đều không hiểu nghĩa, liền sinh ra hiểu lầm, ngộ nhận rằng Phật nói về Tất thảy pháp không của Sắc thân và bên ngoài thân, bèn coi Tất thảy pháp không là Không tính Bát Nhã.

Lại nữa, về “Nhất thiết chủng”, không phải như là pháp Nhất thiết chủng như Tông Khách Ba nhận định, mà là nói về tất thảy các chủng tử tàng chứa bên trong Tự tâm Thức thứ tám của chúng sinh hữu tình. Chủng tử còn gọi là Giới, còn có nghĩa là Sai biệt công năng. Nhất thiết chủng tử (Tất cả mọi chủng tử) nằm trong Thức thứ tám chính là tất cả mọi sai biệt về công năng tàng chứa trong Thức thứ tám. Tông Khách Ba không hiểu được ý Phật, tự ý diễn giải và hiểu nhầm, lại còn đem việc tự hiểu nhầm đó để dẫn dắt sai lầm cho chúng sinh. Thế mà các thày Mật tông từ xưa đến nay không hề hay biết sai lầm của ông ta, vẫn chấp nhận cho đến ngay nay, vẫn tiếp tục dẫn dắt sai lầm những người học Hiển Mật đời nay và đời sau, trừ phi có người dựa vào nghĩa lý chân thực để phá giải nó, đồng thời nói cho tất cả mọi người được biết.

Thế nhưng trong số những người hiểu lầm về cái lý Không tính trong Mật tông còn có người hiểu lầm tệ hại hơn, còn đem pháp tu của phái Tính Lực bên Ấn Độ giáo ghép vào trong Phật giáo, rồi tiếp tục tôn sùng cái “Không tính” do pháp tu của ngoại đạo chứng được còn thắng diệu hơn cả Phật giáo, nói là còn thù thắng hơn cả lý Không tính mà Phật giáo truyền dạy từ đầu: “Gia trì căn bản nói ở phần trên trọng về Bồ Đề tâm chân thực, vậy thì thành tựu căn bản trọng về cái gì đây? Là nặng về Không tính vô ngã phải chân thực, có thể lợi dụng được Không tính. Trong Hiển giáo thì tu Không tính, Tiểu thừa tu nhân vô Ngã, cũng là Không tính. Đại thừa tu đến Kiến đạo, cũng là Không tính. Mật tông cũng là tu Không tính. Vậy giữa những thứ này có điều gì khác biệt đây? Trước hết phải hiểu rằng trong Không tính cũng có sự nông sâu bốn tầng trong, ngoài, Mật và Mật Mật. Không tính mà thành tựu cơ bản chú trọng là thuộc về tầng Mật. Do đó, Bản tôn vẫn đều là chọn Hách Lỗ Hát (chi tiết xem tượng song thân giao hợp tư thế đứng của tướng Phẫn Nộ Mật tông), bởi vì như thế mới phù hợp với điều kiện của thành tựu căn bản. Một mặt là Không, một mặt là Lạc, Không Lạc song vận. Phải tu khí công, Tâm Khí không hai, điều này không được nhấn mạnh trong Không tính của Bồ Tát”. (32-396)

Đây là lời nói và cách làm nhất quán xưa nay của các thày Mật tông. Các thày Mật tông từ cổ chí kim chưa bao giờ chứng được Nhị thừa Bồ Đề - vì chưa bao giờ chứng được “nhân ngã không”, bởi luôn coi Tâm giác tri là Tâm Chân Như thường trụ bất hoại, mà Tâm giác tri chỉ là Thần Ngã, Phạn Ngã của thường kiến ngoại đạo mà Phật hay nói đến trong Tứ A Hàm, Phật luôn nhấn mạnh rằng đó là Ngã kiến. Người chưa đoạn Ngã kiến như thế lại viện cầu học thuyết của phái Tính Lực trong Ấn Độ giáo, du nhập vào trong Phật giáo, nói nó còn thắng diệu hơn cả pháp vốn có của Phật pháp. Lại còn sợ người ta không tin, bèn sáng tác ra “Kinh Đại Nhật”, cuồng ngôn nói đó là kinh do Đại Nhật Như Lai trong “Kinh Hoa Nghiêm” tuyên thuyết. Thế nhưng, thẩm xét lời của họ, đều là học thuyết của phái Tính Lực trong Ấn Độ giáo, hoàn toàn trái ngược với pháp Tam thừa Bồ Đề của Phật pháp, khác xa với pháp Đại Bồ Tát nói trong Hoa Nghiêm. Về chỗ sai lầm tà trái của cái lý “Không tính” dâm xúc Hách Lỗ Hát nói trong đoạn văn trên của Mật tông, hãy đợi khi chính thức nói đến Lạc Không vô thượng Yoga trong Chương 9, tôi sẽ tường thuật riêng, độc giả sẽ hiểu rõ ngay.

Tông Khách Ba hiểu sai về ý chỉ trong kinh Bát Nhã, coi tự tính không vô là Không tính. Tông Khách Ba nói cho chúng sinh như vậy, là kẻ dẫn dắt sai lầm chúng sinh, không chỉ ở một hai chỗ, mà trong sách của ông ta chỗ nào cũng có thể kiểm nghiệm thấy: “Như Tường Mễ Kim Cương nói, cái tâm đàn luân hành tướng, chuyển hướng đến vô ngã chân thực yoga, là quy tắc chung của Tam Tam Ma Địa, phải biết rằng đó cũng là ý chỉ của (Thượng sư) Trí Túc. Cho nên, thứ tự đầu tiên tuy là tu tập Hiện phẩm Thiên luân là chính, nhưng vì chư pháp không có nghĩa lý tự tính, cũng cần dẫn sinh định giải mãnh lợi (hiểu biết chắc chắn mãnh liệt) khiến cho tất thảy pháp đều hiện ra như huyễn ảo. Sau khi tu tập Thiên luân, duyên thiên làm cảnh, tu hành tướng vô Tự tính, phát sinh trí tuệ thắng giải chuyển nhập vào Không tính, tướng phần trí tuệ của nó hiện ra làm thiên tướng Năng y và Sở y. Hiểu sâu về yoga (du già) vô nhị như thế, mỗi lần tu đều nên luyện tập. Hoan Hỷ Kim Cương vì thấu hiểu nghĩa lý này, nên nói rằng: “Từ sinh thứ du già, hành giả tu hý luận, hý luận đều như mộng, tức hý nhập vô hý”. Thích Tục Kim Cương Mạc nói: “Ví như trăng trong nước, nó hư vọng không thật, Mạn đà la như thế, minh tịnh là Tự tính”. Cho nên lớp thứ đệ thứ hai đều phải tu Không, không phải là tất cả mọi Không tính tu trong câu chú đều là thứ đệ viên mãn. Thiên thân tu được như trăng hiện dưới nước, hoặc như cầu vồng trong không trung, nó không có Tự tính, chỉ như việc ảo, sinh khởi thứ đệ cũng có yoga như vậy”. (21-497)

Tuy nhiên, việc Phật nói phải lìa xa hý luận, không phải là tà vọng tưởng như thế của các thày Mật tông. Tông Khách Ba cho rằng sau khi tu tập Sinh khởi thứ đệ của đạo Mật tông, rồi tiếp tục tăng cường quan sát, hiểu rằng tính của nó là “không có hình chất”, cho rằng sau khi nhận định được như thế thì tức là chứng được Không tính của tất thảy pháp. Từ đó mà không còn thường xuyên phát sinh các hành về ngôn ngữ, bèn thường trụ trong cảnh giới ly niệm như vậy, quan sát rằng những lời nói giải thích về pháp tu này đều là hý luận. Chứng giải như thế, tức là pháp lìa hý luận của Mật tông. Thế nhưng, việc lìa hý luận mà Phật nói không phải là lìa bỏ ngôn ngữ, mà là thực sự chứng được Thức thứ tám Thực Tướng Tâm. Nhờ việc chứng được Thực Tướng Tâm mà thấy rằng Kiến địa sinh khởi trong Tâm giác tri, và tất cả mọi lời nói tuyên thuyết giảng giải cho người khác đều không lìa chính lý chân thực của Đệ nhất nghĩa. Việc trụ trong cảnh giới và các ngôn thuyết như vậy đều là như lý tác ý mà nói, đều không lìa Đệ nhất nghĩa đế, mọi lời nói đều do chứng thực được Đệ nhất nghĩa mà nói, chứ không hề xuất phát từ vọng tưởng tự ý mình mà sinh ra hý luận, như thế mới là ý chỉ lìa hý luận mà Thế Tôn đã tuyên thuyết. Các thày Mật tông như Tông Khách Ba, xưa nay chưa từng hiểu được ý chỉ Phật nói trong các kinh, tự giải thích láo, dẫn dắt sai lầm chúng sinh, những gì họ nói đều không liên quan gì đến Đệ nhất nghĩa đế, cũng chưa từng lìa hý luận, vậy mà nói có thể giúp người ta lìa được hý luận, làm gì có chuyện đó được!

 

 


Bài trước

Bài sau

Trang chủ

Lượt xem trang: 0