Phật giáo Tạng truyền thật sự là Giác Nãng Ba, hoằng dương diệu pháp Như Lai Tạng Tha Không Kiến, hoàn toàn phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo. Tứ đại giáo phái Hồng, Hoàng, Hoa, Bạch là Phật giáo Tạng truyền giả, tất cả các pháp nghĩa của họ đều không phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo, cho nên là tà giáo, tà pháp.
Tiết 7: Thượng sư Mật tông đều hiểu nhầm về Pháp thân và Niết Bàn nhân
Các thượng sư Mật tông đều không biết A Lại Da thức mà các bậc Hiền Thánh bên Hiển giáo chứng được chính là Pháp thân, ngộ nhận rằng tu tập chủng tử để nó dần dần tăng trưởng và trở thành Pháp thân, như Tông Khách Ba nói: “Thế nào là chủng tử có nghĩa (lý) Tát Đỏa? Trong tiền luận đã nói rằng: “Chủng tử tức là Yết-la-lam, cũng có tên là Hữu tình”. Ví dụ này tuy không có hành tướng đầu tay, nhưng cũng có thể gọi là ví dụ về Hữu tình”. (21-521-cuối)
Lại như trong “Thậm thâm nội nghĩa”, Nhượng Tưởng Đa Kiệt viết: “Dựa vào tập khí mà Phật Bồ Đề duyên vào, chỗ nó trụ, vì có lý Câu sinh, nên Dị Thục thức như nước hòa với sữa, tuy đã nhập vào, nhưng không phải là loại A Lại Da. Cái chủng tử đối trị đó, từ nhỏ đến trung rồi thành lớn, liên tục văn tư tu, mà trở thành chủng tử Pháp thân, là pháp đối trị của A Lại Da thức, chứ không phải là Bản thể của A Lại Da. Tuy thuộc thế gian, nhưng lại là đẳng lưu nhân của pháp giới thanh tịnh xuất thế gian, cho nên trở thành chủng tử tâm xuất thế gian. Tuy là tâm thế gian, nhưng có thể đối trị phiền não tạp nhiễm và tất cả mọi tội lỗi nơi ác thú (tam ác đạo), khiến nó bị diệt trừ, mà tùy thuận Phật Bồ Đề. Cho nên Bồ Tát sơ học tuy thuộc thế gian, nhưng đều do Pháp thân hàm nhiếp. Lại như các Thanh Văn và Bích Chi Phật là do tướng thân giải thoát hàm nhiếp, cho nên nó không phải là Bản thể của A Lại Da thức, mà được Pháp thân và Giải thoát thân hàm nhiếp. Cho nên, nó từ từ tăng trưởng từ nhỏ trung lớn; khi đến mức trung đẳng (lớn vừa), thì tất cả mọi nghiệp của Dị Thục thức chuyển biến, tất cả chủng tử đều không có, xả bỏ tất cả các tướng, phải nên hiểu như vậy”. (34-340)
Tông Khách Ba nói chủng tử là Yết-la-lam, cũng gọi là Hữu tình. Ông ta hiểu sai về Phật pháp nghiêm trọng đến mức như vậy, mà sao người học Mật tông lại phong làm “Chí Tôn” được nhỉ? Chủng tử không phải là Yết-la-lam, mà Yết-la-lam cũng không phải là chủng tử. Yết-la-lam là trứng đã thụ tinh. Trứng đã thụ tinh là pháp do rất nhiều chủng tử hợp lại mà thành, cho nên Yết-la-lam tuyệt đối không phải là chủng tử. Yết-la-lam (trứng thụ tinh) được hình thành từ các chủng tử nghiệp ái do chúng sinh ở đời trước đã tạo, đã tích tập lại, cùng với chủng tử nguyên tố tứ đại bên trong tinh cha huyết mẹ, cộng với chủng tử “Đại chủng tính tự tính” tàng chứa trong Thức thứ tám của mỗi chúng sinh; cho nên Yết-la-lam do A Lại Da thức đó sau khi nhập thai vào trong tử cũng người mẹ vẫn không phải là Hữu tình bình thường ở nhân gian, mà phải gọi là “phi hữu tình, phi vô tình”, bởi khi đó sáu thức đầu vẫn còn chưa hiện khởi (sinh ra). Phải đợi đủ 6 tháng sau, sáu thức đầu mới dần dần hình thành, sau khi nó có thể vận hành thì mới gọi là hữu tình thực sự. Vì thế, Yết-la-lam chỉ là pháp do rất nhiều chủng tử lưu xuất từ trong A Lại Da thức ra, hợp tác hình thành nên, cho nên Yết-la-lam không phải là chủng tử, chỉ có thể gọi là “phi hữu tình, phi vô tình”, bởi có Thức thứ tám và Mạt Na tâm trụ trì ở bên trong nó. Tông Khách Ba không hiểu Phật pháp, nhưng lại tự tiện giải thích theo ý mình, dẫn dắt sai lầm chúng sinh vô cùng nghiêm trọng, lẽ nào ông ta không phải chịu nhân quả hay sao?
Trong “Thậm thâm nội nghĩa”, Nhượng Tưởng Đa Kiệt nói cái chủng tử đối trị đó từ nhỏ biến thành vừa rồi thành to, liên tục văn tư tu rồi trở thành chủng tử Pháp thân, tức ông ta cho rằng Pháp thân là dựa vào tu hành, tích lũy rất nhiều chủng tử Pháp thân, cho nên mới nói Pháp thân là pháp hình thành dần dần thông qua việc tích lũy tu hành. Thế nhưng, trong các kinh Tam thừa, Phật đều nói Pháp thân của tất thảy chúng sinh đều là Thức thể thứ tám mà ai ai cũng sẵn có. Cái thể của Thức này từ vô thủy kiếp đến nay, pháp vốn đã có rồi, viên mãn đầy đủ, không phải là nhờ tu tập các chủng tử mà thành, không phải do tu tập các chủng tử mà có. Trong các kinh Đại phẩm, Tiểu phẩm Bát Nhã, Phật cũng gọi nó là “Phi Tâm Tâm, Vô Tâm Tướng Tâm, Bất Niệm Tâm, Vô Trụ Tâm, Bồ Tát Tâm…”. Phật còn nói cái Pháp thân từ vô thủy đã có này có đầy đủ vô lượng chủng tử, pháp vốn dĩ đã có tất cả các chủng tử vô lậu và hữu lậu. Từ pháp vốn dĩ như thế mà có các chủng tử vô lậu và hữu lậu, cho nên các Phật tử mới có thể nhờ chủng tử vô lậu vốn dĩ đã có như thế mà tu thành công đức Phật địa.
Vì trong Pháp thân Thức thứ tám vốn đã tàng chứa vô lượng pháp chủng vô lậu và hữu lậu, cho nên mới nói Pháp thân không phải là do tu tập mà có, mà là vốn dĩ nó đã có sẵn như thế rồi. Nay Mật tông nói Pháp thân là do tu tập các chủng tử đối trị đó, từ nhỏ đến vừa rồi đến lớn, liên tục văn tư tu mà trở thành chủng tử Pháp thân, hiển nhiên là trái ngược với những điều Phật nói, khiến cho Pháp thân mà Mật tông nói đó trở thành pháp do tu mà đắc. Nếu như Pháp thân là pháp mà do tu mà đắc, thì trong tương lai nhất định nó sẽ bị tiêu diệt bởi sự tán hoại của “tu duyên”, vì nó không phải là thứ vốn có, mà là pháp hữu sinh. Pháp thân mà Hiển giáo tuyên thuyết là pháp vốn tự có, tức là Tự thể Thức thứ tám. Do trong Thức thứ tám vốn có đó tàng chứa các pháp chủng vô lậu và hữu lậu, cho nên phải tu trừ tất cả các pháp chủng chứa trong đó, tăng trưởng pháp chủng vô lậu vốn có, khiến nó trở nên viên mãn, đầy đủ. Sau khi tu trừ, sẽ thành Chân Như thanh tịnh cứu cánh ở Phật địa, đổi tên là thức thứ mười Vô Cấu thức. Nhưng nó vẫn là Bản thể Thức thứ tám vốn có, cái Bản thế đó vẫn không hề thay đổi, chứ không phải là pháp nhờ tu hành mà dần dần hình thành “từ nhỏ đến vừa đến lớn” như Mật tông nói.
Như đã nói, Pháp thân là vốn có, chứ không phải như Mật tông chủ trương do tu tập chủng tử đối trị đó, từ nhỏ đến vừa đến lớn, liên tục văn tư tu mà trở thành chủng tử Pháp thân, sau đó thì thành tựu Pháp thân. Pháp thân mà Mật tông nói là Trung mạch, không phải là Pháp thân Thức thứ tám Phật nói trong Hiển giáo. Cho nên, các hành giả Mật tông buộc phải tu tập các loại chủng tử đối trị phương ngại (ngăn cản) tu chứng Trung mạch, sau đó mới có thể dần dần chứng đắc Trung mạch, quán tưởng thành tựu. Vì thế, Pháp thân Trung mạch của Mật tông ắt phải trải qua văn tư tu liên tục, lại từ nhỏ đến vừa đến lớn, sau đó mới trở thành chủng tử Pháp thân, rồi mới thành tựu Pháp thân. Thuyết pháp và tu hành như vậy, hoàn toàn là ngoại đạo pháp, hoàn toàn không liên quan gì đến Pháp thân và chủng tử trong Phật pháp. Bởi vậy, những người tu học Phật pháp (thực sự) nên tránh xa nó, không thể mù quáng tin theo được.
Mật tông hiểu sai về Phật pháp như vậy, đã sai ngay từ gốc rễ, thì mọi thứ pháp môn tu hành nói đằng sau đều rơi vào trong ngoại đạo kiến; những gì nói và tu đều không phải là Phật pháp. Người muốn học Phật pháp, nhất định đừng có tin theo họ, nếu không chắc chắn sẽ nhập vào trong tà pháp tà kiến. Nếu người nào vì thế mà vọng ngôn nói mình đã tu, đã chứng được Pháp thân thì sẽ thành tựu tội đại vọng ngữ, đời sau sẽ phải chịu quả báo địa ngục thuần khổ cực nặng trong vô lượng kiếp. Các hành giả Mật tông phải cẩn thận minh xét, tránh hại người hại mình, gây bất lợi cho mình cho người.
Mật tông còn sai lầm cho rằng Như Lai Tạng không phải là Thức thứ tám A Lại Da thức mà Hiển giáo chứng đắc, lại lập riêng ra một cái Như Lai Tạng là Pháp thân bên ngoài A Lại Da thức dưới sự tưởng tượng của mình (chi tiết xem Tiết 5 của Chương 6, ở đây không nhắc lại), lập riêng Minh điểm trong Trung mạch là A Lại Da thức, cho nên mới nói A Lại Da thức (của họ) là pháp hữu sinh, thể tính của nó không phải là vốn có từ vô thủy. Vì thế, trong “Thậm thâm nội nghĩa”, Nhượng Tưởng Đa Kiệt nói: “Cái vô thủy mà trong bản tụng có nói đến là nói thủy chung (từ đầu đến cuối) đều tăng ích an lập từ Tâm phân biệt. Ở đây, tự thể hữu cấu vô cấu, vốn từ duyên khởi sinh ra, không phải do pháp khác sinh ra. Trừ cái đó ra thì không có pháp nào khác là khởi thủy, cho nên gọi là vô thủy. Lại nữa, trừ tâm ra, không còn có cái nào khác có thể vượt qua nó, cho nên gọi là vô thủy. Tự thể Tâm hiểu biết thông đạt, giải thoát ở giữa các sát na, thì sao không gọi là khởi thủy? Cái khởi thủy vô minh thác loạn, thì sao không gọi là khởi thủy? Bên ngoài tự thể nó không thể có cái khởi thủy nào cả. Cho nên, kinh Đối Trị nói: ‘Pháp giới vô thủy, là chư pháp an trú, các chúng sinh nếu thông đạt là Niết Bàn lúc đó’”. (34-341)
Cái “vô thủy” mà những người đại tu chứng của Mật tông nói đó chỉ là dựa vào Ý thức tâm giác tri, trước sau (thủy chung) đều có tính phân biệt, mà an lập cái tên “vô thủy”, chứ không phải như Hiển giáo nói Thức thể thứ tám pháp vốn dĩ có nên gọi là Vô thủy. Tất cả các chủng tử phiền não do chúng sinh đã tạo, đã tích tụ từ đời trước, nếu không có Tâm Thức thứ tám chấp trì (nắm giữ), thì sao có thể tự nó (chủng tử) tồn tại được? Lẽ nào lại giống các thày Trung Quán phái Ứng thành như pháp sư Ấn Thuận chủ trương nó tồn tại ở trong hư không hoặc “trong không vô” ư?
Cái Tự thể hữu cấu vô cấu, nếu như “Thậm thâm nội nghĩa” nói: “vốn từ duyên khởi sinh ra, không phải do pháp khác sinh ra”, thì sau này cái pháp thể vô cấu tu thành phải là pháp do tu mà có. Nếu là pháp do tu mà thành, thì không phải là pháp vốn có, thì sau này cũng sẽ phải tan hoại, đáng quý ở chỗ nào mà tự khoe hơn cả Hiển giáo đây?
Lại nữa, trong các kinh Hiển giáo vẫn luôn nhất quán nói Chân Tâm Như Lai Tạng – Thức thứ tám A Lại Da thức – thể hằng, bất sinh bất diệt, vốn có từ vô thủy; chỗ nào cũng nói cái Thức thứ tám Chân Tâm này luôn lìa xa kiến văn giác tri, tuyệt đối không phải là “Tự thể Tâm hiểu biết thông đạt” như các thượng sư Mật tông xưa nay vẫn thường nói.
Các thày Mật tông đã nhận lầm Tâm giác tri lúc ở trạng thái nhất niệm bất sinh có thể hiểu biết Lục trần là Chân Như ở Phật địa, cho rằng “Ý thức tâm giác tri này nhất niệm bất sinh, không khởi tâm động niệm với vạn pháp Lục trần chính là cảnh giới Niết Bàn giải thoát sinh tử”. Vì họ muốn đem Tâm giác tri nhất niệm bất sinh, không niệm chư pháp này nhập vào Niết Bàn vô dư, cho nên mới nói rằng: “Tự thể Tâm hiểu biết thông đạt, giải thoát ở giữa các sát na”, vọng coi Tâm giác tri có thể đi vào Niết Bàn vô dư, nhận xằng rằng: cảnh giới Tâm giác tri không khởi niệm tức là tương lai “sau khi xả báo tiến vào cảnh giới của Niết Bàn vô dư”. Họ đã coi Tâm giác tri là Chân Như ở Phật địa, đọa vào trong cảnh giới của Ý thức, nhưng lại tự nói mình đã chứng được Chân Như Phật địa. Với tà kiến sai lầm của phàm phu như thế mà lại dám hạ thấp Thức thứ tám A Lại Da mà các Bồ Tát bên Hiển giáo chứng được là chứng lượng thô thiển. Kỳ thực, họ hoàn toàn chưa bước vào Phật pháp Tam thừa, căn bản vẫn chỉ là kẻ ngoại môn mà thôi.
Vì thế mà họ nói “các chúng sinh nếu thông đạt là Niết Bàn lúc đó”, hoàn toàn là những lời đại vọng ngữ, bởi đã hiểu sai về Chân Như ở Phật địa, hiểu sai về “cảnh giới” của Niết Bàn vô dư. Đáng thương cho các hành giả Mật tông hoàn toàn không biết những gì mình biết, mình hiểu, mình chứng đều là sai lầm, lại còn hạ thấp Hiển giáo, thường xuyên dương oai diệu võ trước Hiển giáo. Những hành vi đó chỉ có thể chứng tỏ họ là những kẻ vô tri mà thôi.
Lại nữa, các thày Mật tông hoàn toàn không biết Thức thứ tám Như Lai Tạng chính là cái Nhân của Niết Bàn, cho nên mới vọng thuyết thế này: “Cái Bản thể tối cực thậm thâm, các duyên khởi khác từ đó sinh ra, như chuyển thức và A Lại Da thức cùng là tướng nhân duyên với nhau. Biện trung biên luận nói: Một là có đủ duyên thức, hai là có mong muốn có thể chuyển thọ dụng từ tâm sinh ra. Thuật nhiều như trên, qua đó có thể biết rằng: A Lại Da thức là Nhân của tất cả hữu tình trụ vào, chứ không phải là Nhân của Niết Bàn”. (34-339)
Nhượng Tưởng Đa Kiệt nói như vậy trong “Thậm thâm nội nghĩa” là do hiểu sai về Thức thứ tám gây ra. Các thày Mật tông từ xưa đến nay, lần nào cũng giải thích nghĩa lý Phật pháp một cách tùy tiện theo ý mình, không chịu dựa vào chính nghĩa trong kinh để tham cứu, dẫn đến pháp nghĩa hỗn loạn rối rắm, khiến bản thân và người khác đi vào kỳ lộ (sai đường). Họ lại còn đem các pháp mà ngoại đạo tu tập như khí công, Minh điểm…tự ý phối hợp với các danh tướng tu tập trong Phật pháp để nói về quả chứng, thành ra đều rơi vào trong tà kiến của ngoại đạo, không phải là pháp tu chứng trong Phật giáo.
Nên biết rằng, A Lại Da thức không chỉ là cái Nhân khiến chúng sinh luân hồi, thường trụ trong Tam giới, mà còn là cái Nhân của Niết Bàn mà tất cả các bậc Thánh đều phải tu chứng. Các A La Hán Thanh Văn định tính không hồi tâm về Đại thừa, vì tu chứng theo đạo Giải Thoát, sau khi đã đoạn trừ Ngã kiến và Ngã chấp, khi xả thọ sẽ diệt tận Thập bát giới pháp, không còn Ý căn Mạt Na thức xuất hiện, vì thế cái Thức thứ tám của anh ta do bản tính “hằng bất tư lượng, liễu biệt làm chủ” của mình nên không còn thụ sinh ở trong Tam giới nữa, gọi là Niết Bàn vô dư, bởi khi đó Mạt Na thức đã bị diệt mà không còn hiện hành nữa, không còn một cái Tâm nào có thể đưa Thức thứ tám đi thụ sinh, nhập thai nữa.
Người nhập Niết Bàn vô dư như thế, chỉ còn lại duy nhất Thức thứ tám tồn tại một mình, không còn Tâm kiến văn giác tri hiện hành, không tiếp xúc với Lục trần, cho nên gọi là “Niết Bàn tịch tĩnh”. Cũng vì không còn Tâm tư lượng của Mạt Na thức hiện hành nữa, nên dẫn đến không có sự hiện hành của Tâm tính liễu tri của sáu thức đầu, cho nên không còn có Tâm hành của Thất chuyển thức, lìa xa “chư hành vô thường”, bởi tất cả mọi Tâm hành kiến văn giác tri và Tâm hành tư lượng của Mạt Na thức đều đã bị diệt cả rồi. Niết Bàn vô dư như vậy gọi là Vô Ngã Chân Thực, bởi tính kiến văn giác tri và tính tư lượng làm chủ của Thất chuyển thức đã bị diệt tận rồi; còn Tự thể Thức thứ tám Như Lai Tạng vẫn luôn lìa kiến văn giác tri và tính tư lượng làm chủ, cho nên không có “Ngã tính” để đắc, không có “Ngã tính” hiện hành, không đọa vào trong “Ngã tính” của ngoại đạo vốn bị (lý luận) “Chư pháp vô Ngã” phá bỏ. Phù hợp với Tam pháp ấn như thế mới gọi là Niết Bàn vô dư thực sự.
Qua đó có thể biết Thức thứ tám Như Lai Tạng chính là Nhân căn bản của chúng sinh tu chứng Niết Bàn, bởi Niết Bàn có Thể là Thức thứ tám, lìa khỏi Thức thứ tám thì không có Niết Bàn nào có thể tu và chứng, lìa Thức thứ tám thì không có Niết Bàn vô dư mà sẽ trở thành Đoạn diệt không. Trong cảnh giới Niết Bàn vô dư, không có tính kiến văn giác tri và tính tư lượng, tuyệt đối không phải như “Thậm thâm nội nghĩa” nói “Tự thể Tâm hiểu biết thông đạt, giải thoát ở giữa các sát na”. Việc vọng nhận Tâm giác tri có thể đi vào Niết Bàn vô dư, vọng coi Tâm giác tri là Nhân của Niết Bàn, và phủ định Thức thứ tám là Nhân của Niết Bàn như thế, có thể thấy các thày Mật tông hoàn toàn không hiểu gì về Phật pháp cả.
Lượt xem trang: 0